PGS Chu Cẩm Thơ: Cần đảm bảo an toàn cho trẻ với quy trình nghiêm ngặt, không có lỗ hổng nào

 PGS.TS Chu Cẩm Thơ

PGS.TS Chu Cẩm Thơ

PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

07-08-2019 19:04 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Sau cái chết của một em học sinh lớp 1 học tại trường tiểu học quốc tế tử vong mà nguyên nhân là do bị cô giáo "bỏ quên" trên xe ô tô, dư luận xã hội rất bức xúc, cho rằng còn nhiều lỗ hổng trong quản lý học sinh. Phóng viên báo Sức khoẻ &Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, người đã có nhiều năm nghiên cứu giáo dục về vấn đề này.

Phóng viên: Trước vụ việc một học sinh lớp 1 đã bị “bỏ quên” trên xe ô tô khiến bé tử vong khiến dư luận xôn xao, là một chuyên gia giáo dục, khi biết thông tin này bà có cảm xúc thế nào?

PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Tôi rất bàng hoàng, đau xót khi được biết thông tin, rồi cảm xúc tức giận dâng trào. Một ai đó nói “trường quốc tế, học phí đắt, học sinh ít mà tắc trách như thế”, tôi không đồng ý với lời nói đó. Một tính mạng con người là vốn quý của gia đình, của xã hội, của đất nước. Trong bất kì tính huống nào, ở đâu, không một ai được thiếu trách nhiệm khiến con người bị ảnh hưởng. Trách nhiệm là thứ thuộc về đạo đức, trách nhiệm với con người là vốn thiêng liêng. Rất nhiều đồng nghiệp của tôi, rất nhiều những người khác nữa đã không ngủ an giấc. Họ nói với tôi, đêm qua Hà Nội đã không ngủ. Sự việc thương tâm như thế, thật khó để diễn tả được.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ

Phóng viên: Thưa bà , hiện vụ việc vẫn đang được điều tra, nhưng qua thông tin ban đầu cho thấy  việc quản lý trẻ em, cụ thể ở đây là quản lý trẻ em của trường học rõ ràng  có lỗ hổng.   Xin bà cho biết  mỗi trường học có cần thiết phải xây dựng , bổ sung các  quy trình trong việc đưa đón học sinh, quản lý học sinh ở lớp học không? Làm sao để những vụ việc đáng tiếc như trên không xảy ra?

PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Việc đảm bảo an toàn cho những hoạt động phổ biến đều cần một quy trình cực kì nghiêm ngặt, không có một lỗ hổng nào. Với nhà trường, không xét riêng hoạt động đưa đón trẻ bằng xe bus, thì ngoài quy trình an toàn khi vận chuyển (lái xe, phụ xe đều phải tuân thủ theo quy định ngành giao thông vận tại), thì các nhà trường còn cần kiểm soát sự an toàn:

- Đón, nhận trẻ từ gia đình tại điểm đón lúc đến trường, từ giáo viên lúc tan học.

- An toàn trên xe: trẻ nhỏ thường có hành vi trêu đùa, chạy nhảy, vừa ăn vừa nằm, … có thể gây ra mất an toàn.

- Bàn giao trẻ cho giáo viên lúc đến trường, cho gia đình tại điểm trả trẻ.

Để làm tốt những điều này, các nhân viên, giáo viên, nhà quản lí phải được huấn luyện kĩ càng và tuân thủ tuyệt đối khi làm việc. Ở một số trường hợp, vẫn có những hiện tượng người thực hiện lờ là, bỏ sót, không được bù lấp (khi vắng, thiếu người). Do không nhận thức hết sự nghiêm trọng của vấn đề hoặc chưa có sự chuẩn bị đầy đủ quy trình, nghiệp vụ nên họ coi nhẹ hoặc chưa có quy trình.

Không chỉ riêng hoạt động đưa đón trẻ, nhiều hoạt động cần đảm bảo an toàn khác như:

- Vui chơi, thể dục thể thao: trẻ có đảm bảo sức khỏe; trường có đủ điều kiện tổ chức hoạt động hay không?

- Ăn uống của trẻ: trẻ bị dị ứng gì, có vấn đề gì phải kiêng, uống thuốc, …

Là phụ huynh có hai con còn nhỏ, tôi luôn lo lắng và tìm thấy sự chưa an tâm khi nhiều giáo viên, nhân viên, ….chưa được trang bị hiểu biết và kĩ năng thực hiện, trong khi Nhà trường lại thiếu quan tâm.

Phóng viên: Một môi trường học đường an toàn là nhu cầu chính đáng của mỗi gia đình. Nhưng nhiều khi một phần là do con em chúng ta không được trang bị đủ các kỹ năng trong các trường hợp khẩn cấp.  Theo bà trẻ em nên được trang bị kỹ năng gì phù hợp với độ tuổi, đủ để bảo vệ bản thân trước những tình huống bất ngờ?

PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Như trong trường hợp này, là một người mẹ, tôi thấy rằng việc con tôi có một thiếu bị phát tín hiệu cấp cứu sẽ giúp con tôi thông tin được ra bên ngoài. Tôi trang bị cho các con thiết bị này, hướng dẫn các cháu sử dụng và luyện tập giả sử việc khẩn cấp xảy ra: bị nhốt trong phòng kín, trong xe, bị dẫn đi đến một nơi xa, ….

Ngoài ra, tôi cũng tự rèn cho con một số kĩ năng khác trong vui chơi, trong đi đường, trong ứng phó với người lạ có dấu hiệu xâm hại mình, trong lựa chọn chương trình giải trí, …

Quan trọng nhất là khi các con còn nhỏ, tôi và chồng mình rất nỗ lực trong việc dành thời gian chăm sóc, dạy các cháu. Chúng tôi hiểu rằng, không thể lơ là bất kì một chút nào, vì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nên chúng tôi chủ động rèn luyện cho con và đề nghị nhà trường của con quan tâm hỗ trợ. Tôi luôn đề nghị trường của con tôi tuyển chọn, huấn luyện nhân viên kĩ càng, rà soát các quy trình, nghiệp vụ, bản thân tôi lựa chọn dịch vụ ưu tiên sức khỏe, thời gian cho con, các con còn nhỏ sẽ học gần nhà nhất có thể.

Phóng viên: Việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường cũng có vấn đề trong trường hợp này.  Năm  học mới sắp đến, bà có ý kiến  gì để tăng cường kết nối giữa gia đình và nhà trường trong quản lý học sinh?

PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Các gia đình cần tham gia giám sát các quy trình, đừng chỉ chú trọng đến thành tích học tập.

Nhà trường cần tổ chức các khóa huấn luyện kĩ năng an toàn cho trẻ, cho phụ huynh. Không chỉ an toàn về thể chất mà còn cả tinh thần nữa. Cần phải cùng nhau quản lí chứ không giao phó cho một bên nào. Nghĩa là, Nhà trường cũng cần giám sát, yêu cầu gia đình thực hiện đúng phương pháp giáo dục, nội dung giáo dục tránh bạo lực, lạm dụng và đương nhiên, các gia đình cần thực sự là người cùng nhà trường quyết định các quy trình nghiệp vụ trong mọi hoạt động của con ở trường, chứ không thờ ơ hoặc phó mặc.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà.


Hải Yến
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn