Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, EU sẽ là nhà tài trợ không hoàn lại hàng đầu của Việt Nam, chính sách của EU đối với các quốc gia là tiến trình dài hạn và sẽ không bị ảnh hưởng bởi vấn đề đang xảy ra trên Biển Đông.
Liên minh châu Âu (EU) vừa ra mắt Sách Xanh 2014, đây là ấn phẩm tóm tắt những diễn biến về chính sách, khối lượng tài trợ và các lĩnh vực hợp tác của EU và Việt Nam năm 2013. Theo truyền thống mỗi chu kỳ 7 năm các chương trình hợp tác phát triển ở Việt Nam, Sách Xanh sẽ xem xét một chủ đề nhất định, trong giai đoạn từ 2007-2013, EU tập trung tài trợ trong lĩnh vực y tế. Giai đoạn 7 năm tiếp theo, EU sẽ tập trung vào mức nghèo của người dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Theo Sách Xanh mới được công bố, mặc dù Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong công cuộc giảm nghèo ở đối tượng là người dân tộc thiểu số tại Việt Nam, tỷ lệ người dân tộc thiểu số nghèo vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình quốc gia. Nên việc tập trung vào những đối tượng này ở Việt Nam là phù hợp và cần thiết.
Liên minh châu Âu (EU) với 28 nước thành viên vẫn là nhà tài trợ ODA lớn nhất thế giới bằng việc đóng góp 25,5 tỷ euro (76,8 tỷ USD), chiếm tới hơn một nửa tổng giá trị viện trợ toàn cầu. Việc EU tăng 2,4% lượng viện trợ toàn cầu so với năm 2012 chứng tỏ sự cam kết của Liên minh đối với kế hoạch năm 2005 của mình trong lĩnh vực giảm nghèo và tăng trưởng hài hoà. EU đồng thời là nhà tài trợ không hoàn lại hàng đầu của Việt Nam, năm 2013, EU đã giải ngân 456 triệu euro (619,8 triệu USD) và cam kết 542 triệu euro (736,7 triệu USD)cho năm 2014. Trong giai đoạn 2007-2014, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, EU vẫn giữ nguyên mức viện trợ cho Việt Nam chứng tỏ tầm quan trọng của mối quan hệ EU và Việt Nam.
Những hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rất đáng lo ngại, tuy nhiên những biến động này không ảnh hưởng tới hoạt động hợp tác phát triển giữa EU và Việt Nam. Theo trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, ông F Jessen cho biết, EU cam kết tiếp tục hỗ trợ phát triển cho Việt Nam đặc biệt trong hỗ trợ phát triển đời sống con người. “Chính sách của châu Âu đối với các quốc gia là dài hạn và sẽ không bị ảnh hưởng bởi những sự kiện đương thời.” Liên quan đến một số sự kiện xảy ra tại các doanh nghiệp ở một số tỉnh của Việt Nam, EU tin tưởng việc cam kết của các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ không để những hành động tương tự xảy ra.
Đối với việc nhiều ngư dân Việt Nam đang gặp khó khăn do Trung Quốc gây hấn khi ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên ngư trường của mình, ông Jessen khẳng định, EU có khả năng hỗ trợ ngư dân Việt Nam bằng việc duy trì thị trường mở đối với thuỷ hải sản của Việt Nam, và đây cũng là một trong những chủ đề đàm phán FTA giữa EU và Việt Nam.
Trong giai đoạn 7 năm trước, ODA của EU dành cho Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực y tế, chiếm tới 62% nguồn tài trợ của EU, trong 7 năm tới EU sẽ tập trung vào một số lĩnh vực then chốt hợp tác với Việt Nam như năng lượng bền vững, đây được coi là thế mạnh của các nước EU đồng thời cũng là vấn đề mà các nhà hoạch định cho rằng Việt Nam chưa có được sự phát triển xứng tầm.
Hải Yến