Ô tô bị cây đổ đè trúng, ai phải bồi thường?

17-06-2024 14:10 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau trận mưa dông kèm gió mạnh nhiều cây xanh bật gốc đổ, đè trúng nhiều ô tô đang đỗ trên đường ở Hà Nội, trong trường hợp này ai phải bồi thường thiệt hại?

Tối 16/6, mưa lớn kèm dông lốc gió giật mạnh khiến một số cây xanh trên địa bàn Hà Nội bị bật gốc. Tại đường Nguyễn Phan Chánh (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), sau trận mưa lớn kèm gió mạnh đã khiến 3 cây phượng lớn bị bật gốc đổ, đè trúng 7 ô tô đang đỗ trên đường.

Ô tô bị cây đổ đè trúng, ai phải bồi thường?- Ảnh 1.

Ô tô bị cây đổ đè trúng, ai phải bồi thường?- Ảnh 2.

Hiện trường vụ cây xanh đổ đè lên ô tô tối 16/6. Ảnh: MXH

Sau vụ việc này, nhiều người đặt câu hỏi, chủ nhân những xe ô tô bị cây gãy đổ đè trúng liệu có được bồi thường, ai phải bồi thường?

Giải đáp thắc mắc trên, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo khoản 1 điều 105 của Bộ luật dân sự 2015 cây xanh và xe ô tô được xác định là những tài sản. Căn cứ đăng ký xe có thể dễ dàng xác định rõ ràng chủ sở hữu chiếc xe ô tô. Tuy nhiên, việc xác định chủ sở hữu của những hàng cây, những cây xanh bị gãy đổ rất phức tạp.

Theo Điều 3, Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND ngày 28/02/2023 của UBND TP Hà Nội, đối với những hàng cây xanh được trồng trên các tuyến phố, công viên ngoài phạm vi các khu đô thị thuộc quyền quản lý của Sở Xây dựng. 

Theo các quy định chuyên ngành Sở Xây dựng giao Ban Duy Tu thực hiện việc trồng mới, quản lý, duy trì, chăm sóc, bảo tồn hệ thống cây xanh. Đối với những cây xanh được trồng trong khu đô thị ngoài phạm vi đường giao thông thuộc sở hữu của các chủ đầu tư khu đô thị.

Pháp luật quy định việc sử dụng tài sản phải đảm bảo an toàn cho người khác. Nếu sử dụng tài sản mà gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì người quản lý tài sản phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Như vậy, căn cứ quy định tại điều 604 Bộ luật dân sự 2015, trường hợp do mưa, bão, dông lốc cây xanh bị gãy đổ mà gây thiệt hại đối với chủ sở hữu tài sản khác chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

Theo đó, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Tuy nhiên, đối với trường hợp chủ sở hữu xe ô tô dừng, đỗ xe không đúng quy định của Luật An toàn giao thông đường bộ, không tuân theo hệ thống biển báo, hiệu lệnh mà cây xanh gãy đổ thì ở đây thiệt hại xuất phát từ lỗi tổng hợp, tức là chủ sở hữu chiếc xe có một phần lỗi dẫn đến thiệt hại.

Ô tô bị cây đổ đè trúng, ai phải bồi thường?- Ảnh 3.

Luật sư Nguyễn Văn Nam

Ngoài ra, chủ sở hữu, quản lý những cây xanh có thể được loài trừ trách nhiệm bồi thường cho chủ sở hữu chiếc xe khi chứng minh được việc cây xanh gãy đỗ là sự kiện bất khả kháng. Bởi, theo quy định tại khoản 2 điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Tại khoản 1 điều 156 Bộ luật dân sự 2015 quy định về sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Như vậy, để không phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường chủ sở hữu, quản lý cây xanh bị gãy đổ cần chứng minh đã thực hiện việc cắt tỉa cây xanh, thực hiện các biện pháp chống đỡ cây xanh và các biện pháp bảo đảm cây xanh có thể chống đỡ, đứng vững trước các trận dông lốc, mưa, bão, việc cây xanh gãy đổ là sự kiện bất khả kháng nằm ngoài ý chí của đơn vị quản lý cây xanh.

Trường hợp chủ xe ô tô có mua bảo hiểm thân vỏ đối với chiếc xe này thì việc bồi thường thiệt hại, sửa chữa chiếc xe căn cứ vào quy định, phạm vi trong hợp đồng bảo hiểm. Nếu cây đổ là bất khả kháng, không có lỗi của bên nào nhưng chủ xe có mua bảo hiểm thì bên bảo hiểm sẽ bồi hoàn, sửa chữa toàn bộ thiệt hại.

Đồng thời, theo quy định tại điều 585 Bộ luật dân sự 2015 thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Như vậy ở đây chủ sở hữu chiếc xe được bồi thường bao gồm chi phí sửa chữa, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và các chi phí phát sinh trong quá trình sửa chữa những chiếc xe này.

Hà Nội: Mưa kèm gió lớn khiến cây đổ đè lên nhiều ô tôHà Nội: Mưa kèm gió lớn khiến cây đổ đè lên nhiều ô tô

Chiều tối 16/6, tại Hà Nội xảy ra mưa giông kèm gió lớn khiến nhiều cây xanh gãy đổ và một số tuyến đường bị ngập úng cục bộ.


Phúc Đức
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn