Nước mắt... cao su

24-10-2009 06:22 | Thời sự
google news

Chưa bao giờ người trồng cao su lại buồn đến thế. "Tiền đã đến tay, giờ bão thổi bay tất cả" - Chị Lê Thị Thuý, thôn Phúc Lâm, xã Bình An (Bình Sơn) mắt thất thần nói với tôi.

Chưa bao giờ người trồng cao su lại buồn đến thế. "Tiền đã đến tay, giờ bão thổi bay tất cả" - Chị Lê Thị Thuý, thôn Phúc Lâm, xã Bình An (Bình Sơn) mắt thất thần nói với tôi. Có điều không riêng mình chị mà hàng trăm người ở khu tây huyện Bình Sơn đều có tâm trạng như vậy, khi cây cao su của họ trong thời kỳ lấy mủ được nhiều nhất, chỉ trong một ngày, bão đã đưa họ về với tay trắng như ngày nào...

Bán như củi cũng chẳng ai mua!

Mấy hôm nay, chị Lê Thị Thuý ngủ không yên giấc. Bởi cứ chợp mắt là thấy cảnh tiêu điều của 2 ha cao su nhà chị. Nếu nó không gãy ngang thân nằm rạp theo một chiều thì cũng bưng gốc nằm im, thân héo trong nắng hanh, còn lá rủ dần, khô đi, rơi đầy trên đất. Mấy buổi chiều đến đây, chị không buồn thu gọn củi. Mỗi khi có gió nhẹ thổi đến ngọn đồi có cao su nhà chị, lá khô xào xạc râm ran. Chị thấy lòng cứ nao nao, tiếc cái công vợ chồng vun trồng bấy lâu nay...

Người dân thôn Phúc Lâm xót xa bên rừng cao su tan hoang.

Cả thôn Phúc Lâm ai nấy đều như nhà chị Thuý. Vậy mà niềm vui chưa trọn thì bão số 9 tràn về. Hàng trăm ha cao xanh tươi, đứng thẳng hàng tăm tắp ở thôn Phúc Lâm ngày nào, đã ngã rạp. Đã đến rừng cao su ở đây nhiều lần, giờ đi giữa rừng cây su xơ xác, nhìn nhựa cao su ứa ra màu trắng đục, tôi có cảm giác như chúng chết oan, rất tức tưởi nên oán hờn mà nhỏ lệ. Anh Trần Đức Thắng, 50 tuổi, thôn Phúc Lâm xót xa: Nhà có 3 ha keo nữa cũng làm mồi cho bão, nhưng lòng vẫn không xót bằng 2 ha cao su bị ngã sạch. Bởi với ngần ấy cao su, gia đình mình mỗi năm thu về gần 100 triệu đồng. Nay thì hết rồi...".

Ngày cây cao su cho mủ, người dân khu tây huyện Bình Sơn chưa giàu hẳn lên, nhưng cái nghèo đã giảm hẳn, lắm gia đình từ nghèo khổ đã "phất" lên và được liệt vào hàng có "máu mặt" của thôn, xã. Vì vậy, ở đây ai cũng bàn đến cao su và cứ có đất là cắm cao su xuống, đợi ngày "hái quả". Bị "hút" bởi... mủ cao su, ngoài diện tích 300 ha của Công ty cao su Quảng Ngãi, vào năm 2002 bà con ở xã Bình Khương cũng thi nhau trồng. Trong đó phải kể đến 31 hộ ở thôn Tây Phước, xã Bình Khương làm tiên phong đi vay vốn trồng với diện tích 31 ha cao su. Thế rồi cũng cùng chung "số phận" như cao su ở hai xã Bình An và Bình Minh (Bình Sơn), bao nhiêu cao su ở xã Bình Khương cũng "ra đi" vì... bão.

Buổi trưa hôm ấy, tôi còn nghe bà con xã Bình Khương và Bình An bảo nhau rằng, có người ở đâu ngoài tỉnh Quảng Bình vào khuyên bà con nên dựng lại số cây cao su bị gió xô nghiêng, chưa bị gãy, may còn cứu vãn về sau. Bà con cũng kháo nhau rằng, Công ty cao su Quảng Ngãi hợp đồng với một đơn vị nào ấy, về đây tận thu gỗ cao su với giá 145.000 đồng/m3. Nói thì vậy, nhưng chưa thấy ai về. Cây cao su thì vẫn nằm la liệt kắp nơi, khô dần trong nắng... 

Tìm hiểu, tôi được biết, bão số 9 đã làm cho gần 2000 ha cao su trên địa bàn huyện Bình Sơn hư hại, gồm 1.200 ha cao su quốc doanh (Công ty cao su Quảng Ngãi) và 800 ha cao su tiểu điền của nông dân. Trong đó, diện cao su đã cho mủ gần 1.000 (761 ha cao su tiểu điền, còn lại là cao su quốc doanh). Nếu ngần ấy cao su được tận thu bán ra thì bà con ở đây mừng biết mấy. Thế nhưng thật chua chát là, ngay cả gỗ keo, nhà máy còn mua "rẻ như bèo" thì cây cao su phải... rẻ như cái gì nữa?

Ngân hàng đang... gọi

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khương Nguyễn Trung Thâm ngồi tính toán: Hầu hết hộ nào trồng cao su trên địa bàn đều phải vay ngân hàng. Hộ ít nhất khoảng 20 triệu đồng, còn nhiều thì 40-50 triệu. Nay đã 7 năm, mấy ông ngân hàng tính toán đã đến lúc lấy mủ cao su, nên vừa rồi... phát giấy báo nợ. Mấy gia đình trồng cao su, ban đầu đọc giấy này thấy... chả bao nhiêu, chỉ mấy buổi sáng lấy mủ cao su là đủ. Còn bây giờ, bão qua rồi, cao su bị "dọn" sạch sẽ. Ai nấy méo mặt. Bao nhiêu vốn liếng dồn vào cao su, bão... đưa đi hết. Biết lấy gì mà trả bây giờ. Anh nông dân Nguyễn Thanh Quang cười buồn: "Ai vay 20 triệu thì sau 7 năm, lãi đã lên 18 triệu đồng. Mai mốt còn lãi mẹ, lãi con, nông dân bọn tôi rất mong cấp trên xem xét, có thể hoãn nợ cho thì rất mừng."

Những người trồng cao su ở khu tây huyện Bình Sơn quả đã rơi vào đường cùng. Vay ngân hàng thì phải trả là đương nhiên, nhưng nhìn vào đâu để có thể trả mới là vấn đề. Thực sự đây là một bài toán quá hóc búa. Nhưng dù sao vẫn phải hy vọng có một sự trợ giúp nào đó từ phía cơ quan chức năng.

Bài và ảnh: Anh Phạm


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn