NSND Doãn Hoàng Giang: Sân khấu không bao giờ chết

04-11-2010 14:40 | Văn hóa – Giải trí

"Làm sao để khán giả rời khỏi nhà đến rạp xem thực sự là thách thức lớn của sân khấu (SK) ngày nay. Cũng là vở chèo ấy, nhưng nếu chiếu trên tivi thì coi như mất đi 80% sự hấp dẫn so với xem những Quốc Anh, Xuân Hinh... khóc cười trực tiếp trên SK.

"Làm sao để khán giả rời khỏi nhà đến rạp xem thực sự là thách thức lớn của sân khấu (SK) ngày nay. Cũng là vở chèo ấy, nhưng nếu chiếu trên tivi thì coi như mất đi 80% sự hấp dẫn so với xem những Quốc Anh, Xuân Hinh... khóc cười trực tiếp trên SK. Cái khó của người diễn viên SK so với điện ảnh hay nhiếp ảnh nói chung chính là ở chỗ đêm nào cũng phải khóc, cười, rung động mà phải thật hay, thật nhập tâm - NSND Doãn Hoàng Giang đã nói như vậy.

- Thưa đạo diễn Doãn Hoàng Giang, có ý kiến cho rằng SK ngày nay đang xuống cấp so với ngày xưa. Liệu có phải thế không?

- Trước hết phải nói rằng ai nói như vậy nghĩa là không hiểu về SK. SK ngày nay hay gấp 10 lần sân khấu cách đây mấy chục năm. Bản thân tôi từng dựng rất nhiều vở thành công như Nhân danh công lý, Nàng Sita..., những vở diễn mà khán giả xếp hàng hàng cây số để chờ đến lượt mua vé vào xem. Nhưng bây giờ nhìn lại mới thấy rằng những vở ấy còn non dại lắm so với sự chuyên nghiệp, xúc cảm và hay hơn rất nhiều của SK ngày nay.

- Vậy tại sao bức tranh SK ngày nay lại vắng bóng khán giả đến thế?

- Thời bao cấp chúng ta không làm thêm hay buôn bán gì. Buổi tối vì thế rất nhàn rỗi, thậm chí là buồn tẻ. Ai may mắn có được tấm vé đến rạp Đại Nam, Ngọc Hà thì sướng lắm. Hôm ấy cả nhà sẽ ăn uống thật sớm, háo hức chờ đến giờ đi xem. Ngày nay người ta còn mải làm giàu. Phải bỏ một buổi bán hàng có khi mất đến vài ba triệu. Nên cứ ngồi ở nhà xem qua tivi, lại vẫn trông được cửa hàng có phải lợi cả đôi đường không? Tivi ngày nay nào là màn hình phẳng, nét căng, lại có hàng mấy chục kênh với vô số các thể loại tin tức, phim truyện, thể thao, ca nhạc... đáp ứng được nhu cầu của phần lớn khán giả.

- Trước sự xuống dốc của lượng người quan tâm đến SK, có người đặt câu hỏi về sự tồn tại của SK có thể duy trì đến bao giờ?

 NSND Doãn Hoàng Giang (bên trái ảnh).

- Tôi xin khẳng định là SK sẽ không bao giờ chết. Chỉ có thể nói lúc này hay lúc khác SK đang gặp khó khăn. Để kéo khán giả đến rạp, hơn lúc nào hết, đòi hỏi SK phải thật quyến rũ. SK hấp dẫn khán giả bằng nhiều thứ: bằng nội dung nghệ thuật, thủ pháp nghệ thuật, những điều thiết thân vở diễn định nói với công chúng. Lý do nữa là con đường đến rạp phải tử tế. Rồi nơi đến cũng phải thật tốt. Thực tế có những người không cần biết nội dung vở diễn ra sao nhưng cứ nghe nói tổ chức diễn ở Nhà hát Lớn là đã muốn đi xem rồi. Nếu một vở kịch được diễn trong một cung điện nguy nga, tráng lệ hẳn sẽ đủ sức cám dỗ khán giả đến thưởng thức lắm chứ? Nhưng sẽ khó mà bắt họ từ bỏ ngôi nhà rộng lớn, đẹp đẽ của mình để đến xem trong một cái rạp tồi tàn, xấu xí, âm thanh chất lượng kém dù rằng vở diễn có hay đến mấy, diễn viên có nổi tiếng đến bao nhiêu...

- Như vậy, bên cạnh sự cố gắng của chính những người làm SK để vở diễn hay lên thì xã hội cũng cần phải chung tay để vực dậy nghệ thuật SK?

- Đúng. Một vấn đề của SKVN hiện nay là đang không có đất diễn. Vở diễn đã dựng xong, rất hay, rất tốt nhưng diễn ở đâu? Mới đây, Nhà hát Kịch Hà Nội dựng vở Tình sử ngàn năm được khán giả đón nhận rất nồng nhiệt nhưng không có địa điểm để diễn tiếp, bởi vở này chỉ diễn được ở những rạp lớn. Sắp tới, Nhà hát Chèo sẽ khai trương rạp Đại Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội có rạp Công Nhân mới nhưng nghe nói chất lượng cũng không thực sự như mong đợi...

- Làm một phép so sánh đơn giản thì thấy ngay rằng SK phía Bắc đang chật vật hơn nhiều so với phía Nam trong việc hút khán giả. Lý do là đâu thưa ông?

- Phải công nhận SK miền Nam có "đời sống sân khấu" hơn so với miền Bắc. Họ có ưu điểm là năng động hơn. Trong khi ngoài Bắc, rạp riêng của mỗi nhà hát chưa có, các đoàn tư nhân chưa có thì miền Nam đã có những "bầu" như Hồng Vân, Phước Sang. Tính cách người dân Sài Gòn cũng khác. Nếu như khán giả miền Bắc là khán giả ngồi trong nhà thì khán giả miền Nam lại ra ngoài đường. Họ đi qua, nhìn thấy nhà hát với đèn đóm sáng trưng liền mua vé vào xem. Tôi đã từng chứng kiến có những vở diễn 6h chưa bán được vé nào. 7h mới lác đác độ chục người. Nhưng 8h đã chật rạp. Nhưng ngoài này, người ta thường chuẩn bị sẵn từ hai hôm trước. Ngay cả diễn viên mời buổi sáng để tối đi diễn chưa chắc họ đã nhận lời. Hai đặc điểm này tạo ra hai SK khác nhau là điều dễ hiểu: một năng động, ấm áp, nhiều khán giả; một đang hiu hắt, ảm đảm, chờ một ngày khởi sắc. Cá nhân tôi tin rằng chắc chắn sẽ khởi sắc, chỉ là làm sao để sự khởi sắc này sớm lên chứ không phải là sau 50 năm nữa.

- Vâng, xin cảm ơn đạo diễn. Hy vọng trong một ngày không xa, sân khấu phía Bắc sẽ có những khởi sắc đáng tự hào.

Thu Hương (thực hiện)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn