Nói thì phải làm

15-10-2009 10:18 | Văn hóa – Giải trí
google news

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên "Nói phải đi đôi với làm", bởi lẽ lời nói và việc làm của cán bộ,

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên "Nói phải đi đôi với làm", bởi lẽ lời nói và việc làm của cán bộ, đảng viên có quan hệ mật thiết đến sự nghiệp cách mạng, ảnh hưởng lớn đến quần chúng. Người căn dặn cán bộ, đảng viên khi nói, khi viết điều gì thì phải làm sao để: "Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng". Nói và làm trước hết vì lợi ích của nhân dân: "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh".

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ cách mạng phải là những người nói được, viết được, làm được và là những người dám nói, dám làm, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải là những người luôn gương mẫu để làm gương cho người khác. Nói chuyện tại buổi lễ tốt nghiệp khóa V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người căn dặn: "Mình phải làm gương cho đồng bào, phải siêng năng, hăng hái... thí dụ như trong việc cứu nạn đói, mình bảo người ta 10 ngày nhịn ăn một bữa mà chính đến ngày nhịn, mình lại cứ chén tỳ tỳ thì nghe sao được. Đáng lý dân nhịn một bữa mình nhịn hai bữa mới phải”. Về việc khuyến nông cũng vậy, bảo người ta đào đất trồng ngô, trồng khoai mà lúc người ta làm mình lại ngủ thì sao được? Miệng nói tay phải làm mới được" và "Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân. Nói hay mà không làm thì vô ích. Đó là một tật xấu".

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần phê phán những cán bộ "nói nhiều làm ít", hoặc "nói mà không làm", hay "nói một đằng, làm một nẻo", thụ động, máy móc, ỷ lại... Người nghiêm khắc phê phán những cán bộ: "học thuộc lòng một số sách vở về chủ nghĩa Mác - Lênin. Song lời nói và việc làm của họ không nhất trí".

 Bác Hồ thăm đại biểu giáo viên toàn miền Bắc (1958). Ảnh: TL

Theo Bác, "nói và làm" còn là một tiêu chí cơ bản để đánh giá năng lực, trình độ và phẩm chất của người cán bộ cách mạng. Người chỉ rõ: "Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không... Không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc, mà phải xem cả công việc của họ từ trước đến nay".

 Là người đầu tiên đề ra "Tư cách một người cách mệnh", suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang và trong cuộc sống đời thường của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương mẫu mực, sáng ngời và sinh động nhất trong việc tuân thủ nghiêm túc những chuẩn mực đạo đức cách mạng, đặc biệt là chuẩn mực "Nói thì phải làm". Người là sự hiện thân thống nhất biện chứng giữa lời nói và việc làm, giữa lý luận và thực tiễn, "nói" và "làm" là hai mặt của một quá trình thống nhất có mối quan hệ biện chứng với nhau. "Nói thì phải làm" là yêu cầu có tính nguyên tắc, nhất quán.

Nhờ sự quan tâm, giáo dục và tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên đã luôn luôn rèn luyện, tu dưỡng, trau dồi đạo đức cách mạng, nói đi đôi với làm, góp phần đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

 Tuy nhiên, Báo cáo về xây dựng Đảng tại Đại hội X đã thẳng thắn nhận định: "...không ít cán bộ, đảng viên chưa thực sự coi trọng đổi mới phong cách, lề lối làm việc, thực hiện nói đi đôi với làm; tình trạng nói nhiều làm ít, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm còn diễn ra ở nhiều nơi" (*). Một số người khi viết trên báo chí, hoặc thuyết giảng trước đảng viên, quần chúng thì cao đạo phê phán tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhưng chính họ lại là người luôn lợi dụng chức quyền, tìm mọi cách đục khoét tiền bạc của Nhà nước và không từ chối bất cứ một khoản "lót tay" nào, thậm chí có người không ngần ngại "đặt giá" cho một chức vụ, một chỗ làm việc; họ hô hào cán bộ, đảng viên phải trau dồi đạo đức cách mạng, nhưng chính họ lại mờ mắt vì đồng tiền, cơ hội thực dụng, nịnh trên nạt dưới, háo danh ganh tỵ, gắp lửa bỏ tay người, gây nên mối nghi kỵ trong nội bộ để hòng "đục nước, béo cò", vinh thân phì gia... Họ huênh hoang những mỹ từ nhân ái, độ lượng, nghĩa tình nhưng chính họ lại vô cảm trước những nỗi đau nhân thế, lạnh nhạt, làm ngơ trước những mảnh đời cơ nhỡ, bất hạnh...

Lời nói và việc làm là biểu hiện đạo đức, nhân cách của người Việt Nam. Từ xưa tới nay, nhân dân ta thường căn cứ vào lời nói và việc làm của từng người để xem xét, đánh giá phẩm chất của họ. Nhân dân ta quý trọng những người nói là làm, nói đi đôi với làm, đó là đạo đức truyền thống của dân tộc ta; khinh ghét những người chỉ nói nhưng không làm, nói nhiều nói hay, làm ít làm kém, nói một đằng, làm một nẻo. Sự suy giảm về phẩm chất, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên không những làm phai mờ hình ảnh đẹp của người cán bộ cách mạng trong con mắt của quần chúng mà đã và đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và với chế độ, là một trong những trở lực của công cuộc đổi mới.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, "Nói thì phải làm" phải trở thành lương tâm, trách nhiệm của mỗi người trước vận mệnh của Đảng và dân tộc.

(*) Văn kiện Đại hội X của Đảng.

Hồng Minh


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn