Tuy nhiên, thực tế đã có những vấn đề phát sinh xung quanh những khóa tu mùa hè, như vấn đề lừa đảo liên quan đến khóa tu hay việc tổ chức khóa tu tại chùa còn kém.
Điển hình là vào tháng 3/2024 một người phụ nữ tên H đã sập bẫy khoá tu mùa hè và bị chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng khi nghiên cứu các khóa tu mùa hè cho con. Hay có trường hợp đã "trải nghiệm kinh hoàng" sau khóa tu mùa hè.
Cụ thể, vào tháng 6/2023 tài khoản G.N.N đăng tải lên mạng xã hội bài viết với nội dung cảnh báo các bậc phụ huynh về việc cho con theo khóa tu ở chùa Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội). Lý do vì con trai của chị đã có một "trải nghiệm kinh hoàng" tại khóa tu mùa hè này.
Theo nội dung chia sẻ, gia đình chị N đăng ký khóa tu mùa hè 5 ngày cho con tại chùa Cự Đà để con trải nghiệm. Tại khóa tu, Ban tổ chức quy định không được liên lạc hay gọi điện thoại để các con khỏi nhớ nhà.
Đến ngày thứ 5, chị N đến đón con thì "sốc" bởi nhìn thấy con bẩn thỉu, hôi hám, chân tay muỗi đốt chi chít. Nguyên nhân là do ở chùa rất đông, nên không đủ nước cho con tắm rửa.
Ngoài ra, chị N còn phát hiện tay trái của con bị sưng to chỗ khủy tay, hỏi con thì được biết do tại chùa con đã xảy ra xô xát và bị bạn dùng ghế gỗ đập vào đầu và tay. Ban tổ chức đã đưa con chị N đi khám và bó cánh tay ở bệnh viện trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội nhưng không hề thông báo gì cho chị N.
Nhận diện những khóa tu mùa hè chất lượng
Theo TS. Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian, việc nở rộ các khóa học kỹ năng sống, trại hè... dành cho trẻ là một xu hướng, nhu cầu phát triển của xã hội. Việc cho con tham gia những khóa học này cũng là một giải pháp giúp phụ huynh yên tâm hơn. Tuy nhiên, phụ huynh cần nhận diện những khóa tu mùa hè chất lượng cho con.
Để nhận diện những khóa học, chương trình có chất lượng, các bậc phụ huynh cần chọn các khóa học kỹ năng hay chương trình do những đơn vị có tư cách pháp nhân tổ chức. Đó có thể là những tổ chức giáo dục đã hoạt động lâu dài ở Việt Nam, có uy tín; lựa chọn nội dung, chương trình của khóa học phù hợp và có tính giáo dục cao. Ngoài ra, nên tham khảo đánh giá chất lượng từ các khóa học đã từng được chùa tổ chức trước đó.
TS. Trần Hữu Sơn cũng cho biết, hiện có nhiều nhà chùa tổ chức khoá tu rất bài bản, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, có những nhóm người lợi dụng mạng xã hội và lòng tin của các bậc phụ huynh cũng như xu hướng của xã hội để lừa đảo.
"Việc có những lớp khoá tu mùa hè là rất tốt nhưng cũng không nên xem đây là dịch vụ buôn bán, kiếm tiền. Hãy để đây là nơi giáo giục lớp trẻ ý thức về Phật giáo, về tình yêu quê hương, đất nước", TS. Trần Hữu Sơn nói thêm.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, gửi con tham gia sinh hoạt hè tại những khóa tu vẫn sẽ khiến các gia đình phần nào có những lo lắng vì đây là môi trường mới của các con. Chính vì vậy, trước khi cho con tham gia trải nghiệm khóa tu, phụ huynh cần tìm hiểu nội dung, thành phần, thời gian, địa điểm, chi phí xem có phù hợp hay không.
Phụ huynh cũng có thể đòi hỏi những điều kiện tốt nhất cho con như chỉ cho phép các bạn cùng chung độ tuổi với nhau; ăn uống, sinh hoạt đảm bảo; đông người quản lý… Quan trọng hơn cả, dù tham gia khóa tu mùa hè hay ở các hoạt động khác như học kỳ quân đội, học kỳ công an… phụ huynh cũng cần đặt sức khỏe và sự an toàn của con làm ưu tiên hàng đầu.