Trước đó, vào ngày 22/10/2019, chị N. nhập viện với chẩn đoán con lần 2, thai 38 tuần, ngôi mông, vết mổ cũ, nhau tiền đạo trung tâm. Trong quá trình tiếp nhận thăm khám lâm sàng và một số cận lâm sàng chuyên sâu, các bác sĩ phát hiện sản phụ có chỉ số aPTT kéo dài, rối loạn đông máu nguy hiểm và nhau tiền đạo trung tâm.
Xác định đây là trường hợp mang thai có liên quan đến rối loạn đông máu đe dọa tính mạng bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn liên viện khẩn cấp với các bác sĩ chuyên khoa nhiều kinh nghiệm đến từ khoa Sản, khoa Gây mê hồi sức, khoa Xét nghiệm – Di truyền học, khoa Nhi - Sơ sinh và Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP. Cần Thơ để có kế hoạch can thiệp một cách nhanh chóng, tích cực với đầy đủ phương tiện hồi sức mẹ/sơ sinh và ngân hàng máu.
Các bác sĩ đã cấp cứu và giữ trọn niềm vui "mẹ tròn con vuông" cho sản phụ Đỗ Huỳnh N.
Do có rối loạn đông máu, sản phụ N. đã được truyền 4 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và dự trù 2 đơn vị máu trước ca phẫu thuật để ổn định tình trạng huyết động học. Vào lúc 14 giờ 50 phút cùng ngày, cuộc phẫu thuật lấy thai được tiến hành với sự phối hợp của ekip phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm: BS.CKII. Nguyễn Hà Ngọc Uyên, BS. Lê Trần Thanh Thảo, BS. Phan Thành Quốc cùng các điều dưỡng, nữ hộ sinh.
Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa cùng các phẫu thuật viên, chị N. đã có cuộc “vượt cạn” an toàn, mẹ tròn con vuông. Bác sĩ Uyên và ekip đã bảo tồn được hoàn toàn tử cung cho người bệnh. Hiện tại, tình hình sức khỏe của mẹ và bé ổn định đang được chăm sóc tại khoa Hậu phẫu.. các chỉ số sinh hiệu tốt, có thể vận động xoay trở nhẹ, tập bú cho con. Bé trai có cân nặng 3800 gram da hồng hào, khóc to, thở đều tự nhiên không cần hỗ trợ, phản xạ bú tốt.
BS.CKII. Nguyễn Hà Ngọc Uyên – Trưởng khoa Cấp cứu cho biết: Nhau tiền đạo là tình trạng nhau không bám ở vùng đáy tử cung như thông thường, mà một phần hay toàn bộ bánh nhau bám vào ở đoạn eo tử cung. Đây là một trong những nguyên nhân gây chảy máu trong 3 tháng cuối của thai kỳ và là nguyên nhân gây băng huyết nặng sau sinh. Tùy vào vị trí bám của bánh nhau mà chia ra: nhau bám thấp; nhau bám mép; nhau tiền đạo bán trung tâm; nhau tiền đạo trung tâm.
Cũng theo các bác sĩ, nhau tiền đạo là một thai kỳ nguy cơ cao cho cả mẹ và con do xuất huyết nhiều trong lúc sinh, có thể gây choáng mất máu, cắt tử cung, rối loạn đông máu, thậm chí là tử vong ở mẹ.
Đặc biệt nguy hiểm hơn ở những thai phụ có bệnh lý huyết học kèm theo. Việc chẩn đoán và xử trí cần phải thận trọng, phẫu thuật chỉ nên thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa có đủ điều kiện, cùng với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa và cần có các phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, thai phụ nên đi khám sớm tại các bệnh viện chuyên khoa sản uy tín để kịp thời phát hiện và có phương án điều trị thích hợp.
Trước đó, Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ đã tiếp nhận và cấp cứu thành công nhiều trường hợp bệnh nặng, bệnh viện luôn chú trọng đến việc cải tiến, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhằm mục đích chăm sóc và điều trị tốt nhất đối cho sản phụ và người bệnh nhằm tiến tới sự hài lòng của người bệnh, xứng đáng là “ Nơi gửi trọn niềm tin”