Mời các bạn theo dõi cuộc trò chuyện với phóng viên chiến trường Nick Út tại đây.
Phóng viên: Xin ông có thể chia sẻ về bức ảnh “Em bé Napalm” đã đi vào lịch sử như thế nào?
Phóng viên Nick út: Đó là năm 8/6/1972, khi tôi nghe tin thành phố Trảng Bàng bị cô lập. Khi tôi tới, khoảng 8 giờ sáng, rất nhiều các vụ ném bom đã xảy ra. Hàng nghìn đồng bào chạy về hướng Sài Gòn, Tây Ninh, có người chạy vào rừng để trốn. Bom dội xuống liên tiếp, người chết và bị thương la liệt gần chùa Cao Đài. Một người phóng viên như tôi khi nhìn thấy cảnh đó đã tranh thủ chụp rất nhiều. Sau đó tôi đi theo sư đoàn 25 khoảng 1 cây số. Nghĩ bụng mình đã chụp đủ ảnh, chỉ đợi quay về đưa lên báo chí, tôi quay lại quốc lộ.
Khi tôi nhìn vào chùa Cao Đài, một cột khói xanh bốc lên, một chiếc máy bay bổ nhào xuống thả vài quả bom. Tôi chỉ đứng cách đó có 100 thước. Một số phóng viên gần đấy nhào xuống nấp, tôi vẫn đứng im giơ máy ảnh lên chụp. Khi làn khói đen bắt đầu tan bớt, tôi thấy một số người chạy ra. Tôi nhìn thấy một bà lão 70 tuổi bế trên tay 1 đứa bé 3 tuổi, cầu cứu giúp cháu bà. Lúc đó tôi chụp rất nhiều, tôi nhìn thấy 1 cô bé giơ 2 tay chụp, tôi chụp gần hết cuộn phim. Tôi nhìn thấy tay cô bé bị cháy, từ cổ xuống lưng da lột ra. Tôi nhào xuống lấy chai nước dội vào, nhưng cô bảo con cần uống nước. Tôi có nhờ một số người nhưng trong hoàn cảnh đó không ai dừng lại. Tôi chạy lại, ông ngoại nhờ tôi bế cô bé lên xe đưa vào viện. Tôi cứ nhìn cô bé ngồi chồm hỗm (vì da lưng bị lột ra hết) trên cả quãng đường từ Trảng Bàng về Củ Chi, khoảng 1 tiếng đồng hồ, cô bé liên tục la hét với người em “Anh ơi, chắc em chết rồi”. Tôi trấn an Kim Phúc, con bình tĩnh gần tới rồi. Khi tới bệnh viện Củ Chi, bệnh viện rất đông người bị thương, nên không ai có thể giúp em được. Sau khi phải nói là người báo chí, một băng ca được đưa ra để chuyển em đi bệnh viện Nhi đồng.
Bức ảnh "Em bé Napalm" gây tiếng vang trên toàn thế giới.
Phóng viên: Khi nghe câu chuyện của ông chúng tôi rất xúc động. Tại sao ông lựa chọn nghề phóng viên chiến trường- một nghề rất gian khổ?
Phóng viên Nick út: Tôi biết công việc này rất gian khổ và nguy hiểm. Ông anh tôi là phóng viên, anh cũng đã đi chụp rất nhiều ảnh, nhưng đã hy sinh. Vào đám tang của ông anh tôi, tôi đã gặp nhiều nhà báo, họ bảo tôi sẽ trở thành phóng viên tài năng. Khoảng 1 năm sau tôi xin việc vào AP và trở thành một phóng viên trẻ của AP. Khi làm được 3 tháng cho chiến trường Việt Nam tôi bị thương, sau đó tôi chuyển qua chiến trường Campuchia.
Phóng viên: Thưa ông, ông có nhớ cả quãng đời làm phóng viên chiến trường của mình ông đã chụp bao nhiêu bức ảnh?
Phóng viên Nick Út: Mỗi lần đi tôi mang hàng trăm cuộn phim. Mỗi cuộn phim là 36 kiểu. Suốt 9 năm đi chiến trường, tôi đã chụp hàng nghìn bức ảnh. Còn cả quãng đời tôi không thể kể hết tôi đã chụp bao nhiêu tấm ảnh. Ra chiến trường, đối với phóng viên chiến trường chúng tôi chỉ là phim và máy chụp hình. Ngày nay công việc làm báo của các bạn đơn giản hơn rất nhiều.
Phóng viên: Xin ông cho biết cảm xúc của ông khi chụp bức hình “Em bé Napalm”?
Phóng viên Nick Út: Khi tôi chụp bức hình này, tôi đã nhận được hàng nghìn tin nhắn, họ nói rằng bức hình này sẽ kết thúc cuộc chiến tranh. Thật sự khi bức hình này được đăng tải trên báo, rất nhiều các cuộc biểu tình chống chiến tranh đã diễn ra. Rất nhiều người Mỹ khi nhìn thấy bức hình này, họ đã hiểu ra Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Phóng viên: Được biết chỉ vài ngày trước, ông đã trở về thăm lại Trảng Bàng, xin ông chia sẻ cảm xúc của mình sau 43 năm chụp bức ảnh đi vào lịch sử?
Phóng viên Nick Út: Mỗi lần được trở về Việt Nam tôi đều quay trở về Trảng Bàng để thăm lại nơi đây. Những nhân vật của tôi trong bức ảnh giờ đây rất gần gũi như gia đình của tôi vậy, cô Kim Phúc thường điện thoại cho thôi như người thân trong nhà.
Phóng viên: Ông đã theo nghề báo được bao nhiêu năm rồi, ông thấy nghề báo hiện nay với thời kỳ của ông có thay đổi như thế nào?
Phóng viên Nick út: Ngày nay các anh chị phóng viên có công nghệ rất tốt, các bạn có thể chụp và gửi về cơ quan cũng như đăng tải rất nhanh. Trong khi trước đây chúng tôi phải dùng phim, rồi tráng và rửa. Tôi cảm thấy nghề báo không giàu, nhưng rất nhiều niềm vui. Mỗi lần chụp hình xong lên mạng tôi thấy ảnh của tôi được sử dụng trong các tác phẩm báo chí tôi rất thích. Do vậy đến nay đã 49 năm nhưng tôi vẫn chưa muốn về hưu.
Phóng viên: Nhắn nhủ những người làm báo Việt Nam, đặc biệt là những phóng viên ảnh?
Phóng viên Nick út: Tôi thấy rằng phóng viên ảnh hiện nay thành công rất nhiều. Tôi mong rằng những anh em nhiếp ảnh sẽ đạt được nhiều giải thưởng lớn như World Press... để đem về Việt Nam.
Hải Yến (ghi)