Hà Nội

Những sai lầm dễ mắc phải khi chăm sóc F0 điều trị tại nhà

23-02-2022 20:55 |
google news

SKĐS - Do tâm lý quá lo lắng vì COVID-19, nhiều F0 khi điều trị tại nhà đã tự tìm hiểu và tự dùng thuốc được chỉ dẫn trên mạng xã hội. Nguy cơ "lờn thuốc" do tự ý dùng kháng sinh có thể gây hậu quả nặng nề về sau.

Nóng: Bộ Y tế chính thức công bố giá bán lẻ thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 vừa cấp phépNóng: Bộ Y tế chính thức công bố giá bán lẻ thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 vừa cấp phép

SKĐS - Theo công bố của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, giá thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 do Bộ Y tế vừa cấp phép, bán lẻ trên thị trường từ 11.500 đồng đến 12.500 đồng/viên.

Chia sẻ trên Zing, ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh, Phó Trưởng khoa Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), cho biết trong giai đoạn hiện nay, tự cách ly và điều trị Covid-19 tại nhà không còn là vấn đề quá xa lạ với người dân. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn gặp sai lầm trong việc sử dụng thuốc. Đáng sợ nhất là nguy cơ "lờn thuốc" do người dân tự ý dùng kháng sinh

Việc người dân uống các loại thuốc linh tinh, uống theo các toa thuốc được chỉ dẫn trên mạng xã hội khiến những nhân viên y tế tư vấn rất đau đầu. Kể cả những F0 khỏe mạnh, không có triệu chứng bệnh nhưng vẫn uống kháng sinh, tìm các toa thuốc để uống mà lại không quan tâm đến việc tập thở.

Sai lầm đáng sợ nhất khi chăm sóc F0 tại nhà khiến bệnh trầm trọng hơn - Ảnh 2.

Tập thở giúp cải thiện tình trạng khó thở ở bệnh nhân F0. Ảnh minh họa

Theo bác sĩ, kháng sinh không phải là thuốc điều trị Covid-19, việc sử dụng không theo chỉ định của bác sĩ sẽ tạo thành các chủng vi trùng kháng thuốc. Việc này sẽ gây khó khăn cho các bác sĩ nếu F0 không may diễn biến nặng, đến lúc thật sự cần sử dụng kháng sinh thì thuốc đã không còn hiệu quả. Chưa kể việc dùng kháng sinh không đúng có thể gây nguy hiểm đối với những người có bệnh lý gan, thận trước đó.

Các bác sĩ khuyến cáo các F0 điều trị tại nhà (đã tiêm đủ liều vaccine) nên bình tĩnh, sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn chính thống của cơ quan y tế kết hợp ăn uống đầy đủ. Theo dõi các dấu hiệu chuyển nặng (đặc biệt SpO2) để được trợ giúp khi cần thiết.

Ngoài ra, người mắc F0 khi chăm sóc tại nhà cần tránh những sai lầm phổ biến sau:

Không tự ý dùng kháng viêm corticoid

Rất nhiều F0 dùng methylprednisolon (4 hoặc 16mg), dexamethasone hoặc prednisolon không đúng.

Kháng viêm corticoid bản chất là thuốc ức chế miễn dịch. Khi cơ thể đang sốt cao, chiến đấu quyết liệt chống lại virus, nếu đưa corticoid vào sẽ gây ức chế hệ miễn dịch của cơ thể. Khi SpO2 (độ bão hoà oxy trong máu ngoại vi-BTV) còn trên 95%, khi chưa phải thở oxy thì tất cả các nghiên cứu cho đến nay đều khuyến cáo mạnh mẽ: Chống chỉ định dùng corticoid.

Không dùng quá nhiều "thần dược" tăng đề kháng

Các thuốc tăng cường miễn dịch về cơ bản đều tốt nhưng không nên dùng quá nhiều một lúc. Hơn nữa không có loại thần dược nào có thể giúp tăng được sức đề kháng chỉ trong vài ngày. Các F0 được chăm sóc, điều trị tại nhà cần chú trọng thực hiện tốt các hướng dẫn về bảo hộ và súc họng với các dung dịch có chứa povidone iodin 1% hoặc chlorhexidin gluconat 0,12-0,20%. Trước và sau khi súc các dung dịch này nên súc thêm nước muối sinh lý. Mỗi ngày có thể súc 3-4 lần.

Việc tăng cường hệ miễn dịch hỗ trợ cơ thể chống được sự xâm nhập của virus là một quá trình lâu dài và cần kết hợp các yếu tố khác như ăn uống đủ chất, tập luyện đều đặn, ngủ nghỉ hợp lý…

Không lạm dụng xông, nhất là xông tinh dầu

Xông hơi giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu, tuy nhiên nếu thực hiện quá nhiều lần sẽ khiến cơ thể bị mất nước, mất điện giải và có thể tổn thương niêm mạc đường hô hấp.

Đối với tinh dầu, nếu xông nhiều hơn hai lần mỗi ngày, cộng với luồng khí trực tiếp từ máy xông sẽ khiến niêm mạc đường hô hấp trở nên nhạy cảm, tạo cảm giác khô rát hoặc tăng tiết dịch nhầy nhiều sau khi xông.

Tốt nhất, chỉ nên xông hơi nếu không sốt cao, thực hiện ở nơi kín gió và không nên xông hơi nhiều hơn 1 lần mỗi ngày. Nếu F0 ngạt mũi nhiều thì nên nhỏ mũi nước muối sinh lý, dùng thuốc co mạch tại chỗ.

Không uống nhiều nước chanh, gừng, xả

Không những xông, nhiều người còn đun nước hỗn hợp chanh, gừng, sả để uống. Sả có thành phần chủ yếu là tinh dầu giúp hỗ trợ tiêu hóa. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều sả, gừng để nấu thành nước uống thay nước lọc sẽ làm tăng cảm giác nóng vùng dạ dày, tăng nguy cơ trào ngược dạ dày, thực quản, nóng và đổ ghèn hai mắt.

Không xúc miệng bằng nước muối nóng đậm đặc

Nhiều người súc miệng bằng nước muối nóng, đậm đặc với mong muốn tiêu diệt virus, tuy nhiên điều này hoàn toàn sai lầm.

Việc dùng nước quá nóng quá sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến lớp niêm mạc họng, miệng. Nước muối mặn sẽ hút nước tế bào niêm mạc, làm teo và chết tế bào niêm mạc. Cả hai điều này gộp lại, khiến chúng ta bị đau rát họng và khó chịu. Khi lớp màng này tổn hại, hàng rào miễn dịch bảo vệ đầu tiên của cơ thể bị tổn thương. Khi ấy vi khuẩn, virus sẽ càng tấn công người bệnh.

Chăm sóc F0 tại nhà đúng cách

Đối với trẻ bị F0: Cha mẹ cần lưu ý những việc cần làm để hỗ trợ, chăm sóc con như tâm sự, trấn an con về dịch Covid-19; giải đáp thắc mắc và chia sẻ thông tin thực tế về dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, gia đình cần hạn chế nói chuyện về những tin tức Covid-19 có thể gây hoang mang, sợ hãi. Cố gắng duy trì những thói quen bình thường, sinh hoạt khoa học. Lập thời gian biểu cho các hoạt động học tập và nghỉ ngơi hoặc các hoạt động giải trí.

Hướng dẫn trẻ các hành động hàng ngày để giảm sự lây lan của mầm bệnh như rửa tay thường xuyên; sử dụng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vứt khăn giấy vào thùng đựng chất thải.

Tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động giải trí trong phòng cách ly phù hợp như các trò chơi online hay cùng chơi với bố, mẹ…

Đối với F0 là người cao tuổi: F0 là người cao tuổi cần thực hiện nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng bệnh lý và sử dụng thuốc đang điều trị bệnh sẵn có theo chỉ định của bác sĩ điều trị (không bỏ thuốc). Tăng cường luyện tập tại phòng cách ly, trên giường tuỳ theo điều kiện bằng các bài tập phục hồi chức năng, xoa bóp, hỗ trợ tập luyện để nâng cao sức khỏe.

Thực hiện nếp sống, sinh hoạt lành mạnh, khoa học. Thực hiện chế độ ăn đủ dinh dưỡng (1.700-1.900 Kcal/ngày), cân đối, lành mạnh, nhiều rau xanh. Bảo đảm ăn 3-4 bữa mỗi ngày.

Người cao tuổi và người chăm sóc cần biết theo dõi để phòng tránh nguy cơ diễn biến nặng và cần chuyển cấp cứu kịp thời tại bệnh viện trên địa bàn khi có các dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp.

Xem thêm video đang được quan tâm: 

Cách chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà | Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương tư vấn


M.H (t/h)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn