Trong một bệnh viện, người ta thường chỉ thấy vai trò của bác sĩ, từ đó tạo nên định hướng nghề nghiệp là học sinh thường chỉ thích thi vào đại học y khoa, ra làm bác sĩ. Phần vì bị "mang tiếng" oan như vậy, phần vì những nỗi vất vả cực nhọc của nghề ít ai theo được, nên điều dưỡng viên hiện là một trong những lực lượng có nhu cầu tuyển dụng rất lớn nhưng cũng rất thiếu. Có dịp gặp các điều dưỡng viên tại Bệnh viện thị xã La Gi (Hàm Tân - Bình Thuận), được chứng kiến nỗi vất vả của các chị, mới hiểu phần nào nguyên nhân này. Chị Nguyệt - một điều dưỡng viên già dặn tại đây nói vui: "Nghề điều dưỡng đã khiến cho điều dưỡng viên thói quen đi hơi cúi vì lúc nào trên tay cũng là ống tiêm, thuốc, bông băng... cứ sợ người khác chạm vào mình"...
Muôn nỗi gian truân
Chị Trương Thị Thật - đã có thâm niên hàng chục năm gắn bó với nghề điều dưỡng tâm sự: "Phải là người có tấm lòng và yêu nghề lắm mới có thể kham nổi nghề này lâu dài. Tôi đã chứng kiến không ít điều dưỡng trẻ phải đã phải chia tay công việc này vì không chịu nổi sự vất vả sớm hôm, bản thân tôi cũng đã từng học lên, nhưng rồi lại được giữ lại vì đã có tố chất và đã quá nhiều gắn bó với nghề, nó trở thành nghiệp của mình rồi".
Các ca bệnh nặng không thể thiếu điều dưỡng viên. |
Đã ở cái tuổi ngoại "ngũ thập", nhưng hàng sáng đều đặn, nắng cũng như mưa, chị tỉnh dậy khi chồng còn đang say giấc nồng. Anh chỉ biết gắt: "Trời đang mưa, có đi trễ một lúc cũng chẳng ai trách?". Chị hiểu tấm lòng anh, nhưng với chị thì bao công việc của ngày đầu tuần như hôm nay ở khoa Nội không có nhiều người giúp lại khiến chị bật dậy. Cắm nồi cơm sáng, bật máy giặt. Đúng 6 giờ 50 sáng, xong những việc cần làm ở nhà, chị dắt xe ra, chạy đến bệnh viện. Trong phòng, cô điều dưỡng viên trực đêm, vẫn ngồi ngay ngắn bên bàn làm hồ sơ bệnh án. Với trách nhiệm điều dưỡng trưởng của khoa, chị Thật hỏi tình hình trong đêm, liếc sơ qua sổ theo dõi bệnh, nghe cô điều dưỡng trả lời một cách tóm tắt, rồi nhận hồ sơ để cô nhân viên trẻ đi làm việc khác. Cả ngày hôm đó, chị Thật không về nhà. Đến tối, một điều dưỡng trong khoa đi công tác, chị làm thêm nhiệm vụ trực.
Điều dưỡng trưởng Bệnh viện thị xã La Gi, chị Huỳnh Thị Bé cho biết: với 150 giường bệnh, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận điều trị 10.000 bệnh nhân nội trú, 70.000 bệnh nhân ngoại trú và khám chữa bệnh cho 150.000 người. Thế nhưng, hiện nay bệnh viện mới chỉ được 17 bác sĩ và 41 điều dưỡng viên, chỉ có một điều dưỡng nam duy nhất. Vì vậy, điều dưỡng viên nữ phải làm rất nhiều việc, cho dù về mặt sức khỏe, sự dẻo dai, nhanh nhẹn của một số người không còn như trước do thời gian và tuổi tác, ngay cả khi họ sắp nghỉ hưu, đơn cử như chị Thật, chị Trương Thị Nguyệt. Chị Thật vào ngành quân y năm 1976, và 3 năm sau, chuyển về Bệnh viện Hàm Tân (nay là Bệnh viện thị xã La Gi). Chị tiếp tục học y sĩ đa khoa, rồi lại chuyển sang điều dưỡng bởi cấp trên thấy ở con người chị có tố chất của một điều dưỡng viên vì luôn hết lòng với bệnh nhân và không ngại khó ngại khổ. Chính vì vậy, nhiều điều dưỡng trẻ sau này cứ gọi chị bằng má, thường xuyên hỏi kinh nghiệm chăm sóc người bệnh.
Người thứ hai cũng giúp nhiều điều dưỡng viên trẻ là chị Nguyệt. Chị Nguyệt vào nghề điều dưỡng năm 1974, sau một năm huấn luyện. Khác với vẻ tất bật vội vàng khi đi lại, chị hết sức cẩn thận trong chăm sóc người bệnh. Thời vật tư y tế khó khăn, người phụ nữ này thường xuyên thức đêm, tỉ mẩn mài từng mũi kim tiêm trên đá mài, để bệnh nhân bớt đau khi tiêm.
Chị Nguyệt cũng là người có rất nhiều kỷ niệm trong việc nối lại dây dịch truyền do lắm khi ngủ quên để cháy cả dây. Đến bây giờ, sau 34 năm làm việc, tuổi cao, song vì thiếu người, chị vẫn trực đêm cùng mấy em trẻ. Chị Bé cho biết thêm: Nghề điều dưỡng đòi hỏi sự cẩn thận, sự chu đáo, sự đi khẽ, nói nhẹ, cũng như biết cách lắng nghe, biết cách kiềm chế bản thân. Nếu một điều dưỡng thiếu sự nhẫn nại, không biết lắng nghe, sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải chăm sóc một bệnh nhân ương bướng, khó chịu do bệnh lâu ngày, hoặc do đau đớn gây nên. Nghề điều dưỡng đã khiến cho điều dưỡng viên thói quen đi hơi cúi vì lúc nào trên tay cũng là ống tiêm, thuốc, bông băng... cứ sợ người khác chạm vào mình. Vì vậy, đến tuổi già, thường hay đau lưng. "Nghề nào cũng có áp lực, trách nhiệm, song với điều dưỡng, áp lực và trách nhiệm cao gần như thường xuyên. Chẳng hạn, phải tuân thủ y lệnh điều trị. Y lệnh yêu cầu: 3 giờ sáng, cho bệnh nhân uống thêm một lần thuốc thì đến thời điểm ấy dẫu buồn ngủ tới mức nào, điều dưỡng cũng phải thực hiện y lệnh. Hoặc y lệnh yêu cầu truyền dịch cho bệnh nhân, trong trường hợp đó, dẫu người yêu có đến bên cạnh mời mọc, hứa hẹn đủ điều, điều dưỡng cũng không được phép cho dịch chảy nhanh. Ngoài ra, điều dưỡng còn thường xuyên tiếp xúc, hoặc gần gũi với sự lây nhiễm, sự nguy hiểm không biết đâu mà lường. Có những tai nạn đến một cách rất bất ngờ, không sao lường trước được, cách đây không lâu, điều dưỡng Xuân, nửa đêm đưa người bệnh lên bệnh viện thành phố, không may bị kẻ xấu ném đá lên xe, trúng vào mặt, đau đớn trong nhiều tháng trời " - chị Bé nói.
Nghề "hot" - Người... "nguội"
Trong bài viết có tựa đề: "Y tá... nghề "hot" đăng trong một trang web nước ngoài, một bác sĩ cho biết: tại bang California (Mỹ), những người làm nghề y tá (điều dưỡng) luôn được đón mời làm việc. Lương y tá tại California là 37 USD/giờ, trong khi một số ngành nghề khác chỉ nhận được 20 USD/giờ. Trung bình, một y tá lãnh 78.550 USD/ năm. Bất cứ ai khi đến California, nếu có bằng y tá thì sẽ nhanh chóng được cấp thẻ xanh trong vòng 6 tháng mà không phải xin thẻ lao động cũng như visa làm việc. Mặc dù các trường cao đẳng cộng đồng ở California luôn luôn có ngành đào tạo y tá theo hệ cử nhân và cao hơn, song do công việc của y tá chịu nhiều áp lực nên lượng sinh viên ghi danh học không nhiều. Chính vì vậy, 6 tháng đầu năm 2008, tại California, trong hơn 335.700 giấy phép hành nghề y tá còn hiệu lực, thì y tá là người địa phương chỉ có 240.500 người. Số thiếu hụt này phải nhờ số y tá bổ sung đến từ các nơi, làm việc theo hợp đồng.
Nghề điều dưỡng đã khiến các chị có dáng đi hơi cúi. |
Điều đó cũng cho thấy rằng: không phải ở Việt Nam mới thiếu điều dưỡng! Thế nhưng tại Việt Nam, ngoài sự nặng nhọc, áp lực cao, những người làm điều dưỡng trong chừng mực nào đó thường bị khuất lấp.
Trong thanh niên, hiện tồn tại quan niệm rằng nghề điều dưỡng chỉ dành cho nữ giới, vì vậy, đang xảy ra hiện tượng "âm thịnh dương suy" trong nghề điều dưỡng. Về chế độ lương, nghề điều dưỡng cũng không nằm trong dạng được ưu đãi.
Chị Nguyệt cho biết: sau 34 năm làm việc, đến nay tổng thu nhập của chị, gồm: lương, thu nhập tăng thêm theo NĐ 43, tiền trực đêm, làm ngoài giờ... được khoảng 3,5 triệu đồng. Trong khi đó, theo nhận xét của chị và đồng nghiệp: thời gian của các chị ở bệnh viện nhiều hơn ở gia đình! Sắp tới đây khi về hưu, chị cho biết lương hưu của chị không quá 2 triệu đồng. Với một người sau 34 năm làm việc mà lương hưu còn kém xa một cô nhân viên ngân hàng thương mại mới ra trường, làm việc một, hai tháng, quả là điều đáng suy nghĩ! Cũng theo chị Nguyệt, con đường trở thành một điều dưỡng có kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân không dễ dàng chút nào, phải học tập, phấn đấu trong nhiều năm trời...
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần y khoa Hoàn Mỹ thì nhu cầu về nguồn nhân lực này đã và đang là mối quan tâm hàng đầu của mọi quốc gia trên thế giới. Lâu nay ở Việt Nam, nghề điều dưỡng bị coi thường, quan niệm và hiểu biết sai lạc nên không theo kịp với thực tiễn trên thế giới.
Trong khi đó, khâu đào tạo điều dưỡng ở Việt Nam hiện nay yếu về cả số lượng lẫn chất lượng. Hầu hết là y tá được đào tạo theo hệ trung cấp hai năm với tiêu chí trong nước và không biết ngoại ngữ. Cụ thể, theo báo cáo của Hội Điều dưỡng Việt Nam, hiện nay nước ta chỉ có khoảng 60.000 điều dưỡng viên, mới đáp ứng 1/3 nhu cầu. Bộ Y tế cho biết tỷ lệ điều dưỡng viên có trình độ cao đẳng, đại học mới đạt 6% (tại các bệnh viện tuyến trung ương là 12%, tuyến tỉnh là 5,1% và tuyến huyện là 3,6%). Và để đạt tiêu chuẩn bác sĩ/điều dưỡng viên là 1/3,5 theo Quyết định 153/2006/QÐĐ-TTg, các bệnh viện cần tuyển thêm hơn 180.000 điều dưỡng viên, nữ hộ sinh từ nay đến năm 2020.
Một bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: "Ngay cả bệnh viện công cũng khó kiếm điều dưỡng mới. Một phần vì điều dưỡng trẻ mới ra nghề năng động thích thay đổi, làm ở nơi có thu nhập cao, vả lại các cơ sở y tế công lập lại ràng buộc bởi chế độ hộ khẩu, trong khi nghề này lại ít được thanh niên thành phố ưa chuộng. Để nghề điều dưỡng thực sự là một nghề "hot" trên thị trường lao động, trước hết cần thay đổi quan niệm và cách ứng xử đối với những người làm công việc này. "Bằng không, chỉ trong vòng vài năm tới, Việt Nam không chỉ chảy máu chất xám đối với ngành bác sĩ mà cả trong lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý".
Thanh Tú