Những nấm mồ giả ở Hoàng Sa và âm mưu bành trướng của TQ

14-06-2014 06:28 | Quốc tế
google news

40 năm trước, hải quân của quân đội Sài Gòn đã phải trải qua cuộc chiến đấu cam go chống lại âm mưu và hành động xâm lược của Trung Quốc. Bóc trần luận điệu mới nhất Trung Quốc “nhận vơ” Hoàng Sa của mình Học sinh Trung Quốc bị "nhồi nhét đường lưỡi bò"

Để đi tìm lẽ phải và vạch rõ mưu đồ của Trung quốc về việc đắp mộ giả ở hai đảo Vĩnh Lạc và đảo Cam Tuyền thuộc quần đảo Hoàng Sa, với mục đích ngụy tạo người Trung Quốc sinh sống và chết tại hai đảo này hàng trăm năm trước, những người lính Hải quân ở hai chiến hạm HQ-4 và HQ-16 cùng “trung đội biệt hải” đã trinh sát, đào bới đưa ra khẳng định: Những nấm mộ mà Trung Quốc ngụy tạo không có xương cốt người.

Mệnh lệnh khẩn cấp

40 năm về trước, ông Lữ Công Bảy là quân nhân đeo quân hàm thượng sĩ trên chiến hạm Trần Khánh Dư có phiên hiệu HQ-4. “Lúc đó tui ở trên tàu HQ-4. Bản thân tui đã chiến đấu và tận mắt chứng kiến Hoàng Sa bị kẻ thù chiếm đóng như thế nào. Những gì tôi đã trực tiếp tham gia trong trận hải chiến với hải quân Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa ngày 19/1/1974 vẫn không phai mờ trong tâm trí tôi”, giọng ông Bảy xúc động.

Câu chuyện về Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng được ông Bảy kể khá chi tiết. “Lúc bấy giờ tôi là thượng sĩ giám lộ (giám sát lộ trình - hàng hải) trên khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4. Tàu HQ-4 là chiến hạm tối tân nhất của hải quân Sài Gòn thời bấy giờ. Vừa làm giám sát lộ trình hàng hải, tui vừa phụ tá trưởng ngành giám lộ, kiêm hạ sĩ quan phụ tá trưởng khối hành quân. Với chức danh đó, tất cả các tình huống tác chiến tui đều có mặt để cùng anh em trong ban chỉ huy điều hành tàu”.

  •  

  • Đảo Vĩnh Lạc và các đảo Cam Tuyền, Duy Mộng, Quang Hà thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: TL

Sau 14 ngày lênh đênh trên vùng biển Quảng Ngãi, từ Sa Huỳnh đến Cù Lao Ré thuộc đảo Lý Sơn, chỉ còn 1 ngày nữa là tàu được trở về Đà Nẵng. Trước ngày tạm biệt biển, tất cả thủy thủ trên tàu rộn ràng nhớ đất liền. Nhưng niềm vui ấy chưa kịp đến thì chiến sự xảy ra. Đó là trưa 16/1/1974, khi trên tàu chuẩn bị ăn cơm trưa thì có thông tin báo cáo công điện tối khẩn: “Tàu HQ-4 về Đà Nẵng khẩn cấp”.

Thuyền trưởng lệnh nhổ neo, thẳng hướng đất liền, tàu HQ-4 tăng tốc tối đa đến 17 giờ thì cặp cảng Tiên Sa Đà Nẵng. Thuyền trưởng Văn San và đại úy Diên - trưởng khối hành quân, được lệnh lên họp khẩn cấp ở trung tâm hành quân Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 1 duyên hải. Tất cả các thủy thủ trên tàu chuẩn bị công tác sẵn sàng chiến đấu. “Lúc đó, chúng tôi không biết chuyện gì xảy ra. Tôi phán đoán, nếu tiếp tục đi tuần tiễu, chúng tôi sẵn sàng”, ông Bảy chia sẻ.

20 giờ ngày 16/1, thuyền trưởng Văn San về tàu, phát lệnh: “Toàn tàu nâng cấp báo động chiến đấu tăng cường, cấm trại 100%. Ban hậu cần tiếp nhận lương thực thực phẩm, ban quân khí tiếp nhận đạn dược và xăng dầu”. Đến 21 giờ, hai chiếc xe GMC chở một trung đội với đầy đủ vũ khí đạn dược xuất hiện, trong các bộ quân phục lạ mắt. Sau một hồi dò hỏi, các thủy thủ mới vỡ lẽ, đó là “lực lượng biệt hải đi Hoàng Sa”.

Lệnh hành quân ra Hoàng Sa khẩn cấp, ban chỉ huy tàu mở hải đồ xác định đường đi, dự kiến tình huống có thể xảy ra dọc đường và cách xử lý. Tàu HQ-4 xuất phát băng băng trong đêm tối. Lúc đó là 23 giờ ngày 16/1/1974.

Những nấm mộ giả

Ra đi trong đêm tối và gặp gió to, sóng lớn, 11 giờ 30 ngày 17/1, khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 có mặt tại quần đảo Hoàng Sa. Lúc này, Tàu tuần dương Lý Thường Kiệt (HQ-16) do trung tá Lê Văn Thự làm hạm trưởng cũng đã có mặt theo diện tăng cường tại Hoàng Sa để sẵn sàng bảo vệ đảo.

HQ-4 tiến gần đảo Vĩnh Lạc (một đảo nhỏ trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Lệnh từ cabin chiến hạm vang lên “Tất cả vào vị trí chiến đấu”. Một lực lượng đội biệt hải khẩn cấp rời tàu xuống 3 xuồng cao su, khẩn trương áp sát rìa đảo Vĩnh Lạc trinh sát thực địa.

Sau 20 phút kiểm soát, các chiến sĩ báo cáo về: “Không phát hiện gì ngoài vài nấm mộ hình như mới đắp, không có bia, chỉ có cọc gỗ và bảng gỗ đóng trước đầu mộ ghi bằng chữ Trung Quốc với ngày sinh và ngày chết hàng mấy chục năm về trước”.

Nhận định: Có thể đây là mộ giả, phía Trung Quốc tạo nên để ngụy trang. Ngay lập tức, các chiến sĩ biệt hải được lệnh đào bới các nấm mộ lên, hóa ra chẳng thấy xương cốt gì cả. Đây là những nấm mộ ngụy tạo để chứng tỏ có người Trung Quốc đã sống và chết trên đảo mà thôi. Sau khi trinh sát kỹ càng, 16 giờ 30, lực lượng biệt hải được lệnh rút về tàu.

Cuối chiều vùng biển Hoàng Sa ánh lên nhiều màu bạc của hoàng hôn. Một không gian bình yên giữa biển trời tổ quốc. Bữa cơm chiều đang được chuẩn bị thì bộ phận radar báo cáo phát hiện 2 mục tiêu lạ từ xa đang tiến thẳng về Hoàng Sa, hướng đi không đổi, khoảng cách ngày một gần. Lệnh thuyền trưởng: Nhanh chóng ăn cơm, tăng cường quan sát bằng ống nhòm, cứ 5 phút báo cáo một lần về hướng đi của mục tiêu lạ, toàn tàu báo động chiến đấu khẩn cấp.

Ngay sau đó, tàu HQ-4 và HQ-16 nhận được điện tín từ sở chỉ huy “Phía Trung Quốc tăng cường lực lượng và cố tình khiêu khích, các chiến hạm của họ tiến sâu vào lãnh hải Hoàng Sa của Việt Nam. Các tàu thực hiện theo phương án chiến đấu”.

Càng về đêm, mục tiêu lạ càng rõ. Nắm được ý đồ xấu của đối phương, hai tàu HQ-4 và HQ-16 dùng tín hiệu và loa tuyên truyền đặc biệt cảnh cáo: “Đây là lãnh hải của Việt Nam. Yêu cầu các ông hãy rời khỏi đây ngay”. Hai tàu Trung quốc không những không rời khỏi vùng biển Hoàng Sa, mà còn đáp trả “Hoàng Sa là của Trung Quốc”!

Để tiếp tục làm rõ “trắng đen” và khẳng định mưu đồ ngụy tạo mộ giả của Trung Quốc, sáng 18/1, chiến hạm HQ-4 tiến về đảo Cam Tuyền. Lúc 8 giờ sáng, Trung đội biệt hải được lệnh đổ bộ lên đảo. Sau khi lục soát, chỉ phát hiện những nấm mộ mới đắp không hài cốt y như ở đảo Vĩnh Lạc.

 

Theo Một Thế Giới


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn