Những kỷ niệm khó quên trong hành trình đi 'cho máu' của thầy giáo vùng biên

03-11-2023 12:41 | Nhịp cầu Nhân ái

SKĐS - Không chỉ năng nổ trong công tác, thầy giáo Cường còn nhiệt thành với các công tác thiện nguyện. Gần 20 năm đi "cho máu", thầy Cường có cho mình những kỷ niệm đặc biệt.

Thầy giáo Trần Mạnh Cường (SN 1985, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) được biết đến là người năng nổ trong công việc và nhiệt huyết với công tác thiện nguyện. Trong đó, việc hiến máu tình nguyện mang lại cho thầy giáo này nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Những kỷ niệm khó quên trong hành trình đi 'cho máu' của thầy giáo vùng biên - Ảnh 1.

Thầy Trần Mạnh Cường.

Thầy Cường kể, lần đầu tiên "làm chuyện ấy" cách đây 18 năm, thời điểm đó thầy đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng.

"Lúc đó cũng có nghe nói về phong trào hiến máu tình nguyện nhưng bản thân chưa một lần được tham gia nên cũng băn khoăn, lo lắng. Được thầy cô và các anh chị khóa trước tư vấn, động viên, tôi hiểu được ý nghĩa của việc hiến máu tình nguyện nên mạnh dạn đăng ký tham gia", thầy Cường nhớ lại.

Sau lần đầu tiên hiến máu, anh nhận ra việc làm ý nghĩa này không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bản thân. Cậu sinh viên ấy tìm hiểu thêm về phong trào hiến máu và tích cực tham gia. Dần dần anh coi việc cho đi những giọt máu quý giá là trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, bởi "cho giọt máu đào - trao niềm hy vọng". Suốt 4 năm học đại học, sinh viên Cường luôn nhiệt thành tham gia hiến máu tình nguyện.

Những kỷ niệm khó quên trong hành trình đi 'cho máu' của thầy giáo vùng biên - Ảnh 2.

Từ lần đầu tiên "cho máu" đến nay thầy Cường đã có hơn 18 năm thực hiện việc làm ý nghĩa này.

Năm 2009, sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Cường được tuyển vào giảng dạy tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Xã Lâm Thủy là địa phương miền núi vùng biên giới của huyện Lệ Thủy, địa bàn rộng, phức tạp. Cư dân nơi đây phần lớn là đồng bào Bru- Vân Kiều.

Là giáo viên có sức trẻ, sự nhiệt huyết, thầy Cường chẳng ngại ngần khi xung phong nhận nhiệm vụ cắm bản tại các điểm trường xa xôi. Dù bộn bề với công việc, thầy Cường luôn đi đầu trong các phong trào Đoàn thanh niên, hỗ trợ dân bản phát triển kinh tế - xã hội, kêu gọi giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, hiến máu tình nguyện...

Năng nổ trong công tác, thầy Cường còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện.

Là thành viên CLB hiến máu Quảng Bình nên việc tới cơ sở y tế hiến máu sống cứu người không xa lạ với thầy giáo này. Thầy Cường vẫn còn nhớ lần băng rừng giữa đêm vượt hơn 80km về thành phố Đồng Hới hiến máu sống cứu bệnh nhân cấp cứu.

Ở bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy nơi thầy Cường cùng đồng nghiệp cắm bản, thời điểm đó sóng điện thoại hiếm hoi lắm mới len vào được. Khoảng 11h đêm, thầy nhận được tin nhắn từ thành viên CLB máu sống Quảng Bình kêu gọi tham gia hiến máu cứu sản phụ cùng thai nhi đang nguy kịch.

"Thời điểm đó tôi nghe nói là sản phụ và thai nhi đang nguy kịch, cần 2 đơn vị máu. Các thành viên của CLB cùng nhóm máu phần lớn chưa đủ thời gian để hiến lại. Tôi cũng phải hơn 15 ngày nữa mới đủ nhưng tình trạng sức khỏe vẫn đáp ứng nên tôi quyết định về hiến ngay", thầy Cường chia sẻ.

Những kỷ niệm khó quên trong hành trình đi 'cho máu' của thầy giáo vùng biên - Ảnh 4.

Đường vào bản Bạch Đàn những ngày mưa lũ.

Đường vào bản Bạch Đàn ngày ấy chưa được cải tạo nên chẳng mấy phương tiện có thể đi vào. Thầy Cường cùng 1 đồng nghiệp cuốc bộ hơn 5km đường dốc rừng để tới nơi gửi xe và chạy về Đồng Hới giữa đêm để kịp thời hiến máu. Khi hiến máu xong, chỉ kịp theo dõi một lát, thầy Cường lại tất tả trở về bản để kịp cho các tiết dạy hôm sau.

"Chúng tôi cắm bản nên việc băng rừng giữa đêm tối cũng quen. Đến hiến thì vì chưa đủ điều kiện hiến nhiều nên tôi chỉ được hiến 350ml. Hiến xong chúng tôi phải trở về bản ngay cho kịp làm việc. Vào đến bản thì thấy đồng hồ cũng hơn 4h, thế là anh em không ngủ nữa mà nấu bữa sáng rồi vệ sinh cá nhân để lên lớp luôn", thầy Cường cho biết.

Những kỷ niệm khó quên trong hành trình đi 'cho máu' của thầy giáo vùng biên - Ảnh 5.

Thầy Cường luôn được dân bản tin yêu.

Có những lần trong bữa cơm cùng gia đình, nhận được tin báo có người cần máu gấp để cấp cứu, thầy Cường phải bỏ dở bữa cơm để đến bệnh viện: "Đợt đó nghỉ hè nên mình về nhà, đang ăn cơm thì có người kêu gọi hiến máu. Thấy nhóm máu phù hợp, mình cũng đủ điều kiện nên nhắn ngay cho ban vận động hiến máu là sẽ đến. Bỏ dở bữa cơm mình chạy đến viện hiến máu. Vui khi bệnh nhân và người nhà họ ghi nhận và cảm ơn mình. Bản thân thấy người bệnh thoát "cửa tử" mình thấy việc làm này ý nghĩa và có động lực hơn".

Những kỷ niệm khó quên trong hành trình đi 'cho máu' của thầy giáo vùng biên - Ảnh 6.

Thầy Cường và học trò nơi bản nghèo.

Không chỉ tích cực tham gia công tác hiến máu tình nguyện trong suốt 18 năm qua, thầy Trần Mạnh Cường còn vận động, giải thích để người thân, bạn bè, đồng nghiệp cùng tham gia hiến máu.

"Đầu tiên là tôi vận động những người gần gũi nhất là anh chị mình. Được giải thích, động viên các anh chị tham gia nhiệt tình, chỉ có 1 anh trai vì sức khỏe không cho phép. Hiện cả nhà chúng tôi cũng có hơn 70 lần tham gia hiến máu rồi. Tôi cũng thường xuyên vận động bạn bè, đồng nghiệp tham gia việc làm ý nghĩa này", thầy Cường chia sẻ.

Người thân của thầy Cường cũng nhiệt thành tham gia công tác hiến máu nhân đạo.

Mới đây, thầy Cường được chuyển công tác về Trường Tiểu học thị trấn Lệ Ninh. Điều kiện đi lại thuận tiện hơn, thầy Cường càng thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng hơn. Những người bệnh cần máu, những gia cảnh bĩ cực, hoàn cảnh học sinh nghèo... được thầy Cường tìm cách giúp đỡ.

Bà Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lệ Thủy cho biết, thầy Trần Mạnh Cường là một tình nguyện viên rất tâm huyết trong hoạt động hiến máu của địa phương. Bên cạnh việc tham gia hiến máu tình nguyện, thầy Cường còn nhiệt thành tham gia vào các hoạt động từ thiện.

"Những cống hiến của thầy Trần Mạnh Cường xứng đáng là tấm gương sáng trong phong trào hiến máu tình nguyện để mỗi đoàn viên, giáo viên, hội viên học tập và noi theo", bà Thắm chia sẻ.

Những kỷ niệm khó quên trong hành trình đi 'cho máu' của thầy giáo vùng biên - Ảnh 8.

Thầy Cường vinh dự nhận nhiều Bằng khen, giấy khen vì nỗ lực trong công tác giảng dạy và nhiệt thành trong công tác thiện nguyện.

Với sự đóng góp trong các hoạt động thiện nguyện, thầy Trần Mạnh Cường nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Chữ thập đỏ trường học giai đoạn 2013-2018, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vì có thành tích xuất sắc trong Phong trào Hiến máu tình nguyện và vận động Hiến máu tình nguyện và nhiều giấy khen của các đơn vị khác.

Dành cả thanh xuân vận động hiến máu, tạo ‘ngân hàng sữa mẹ’Dành cả thanh xuân vận động hiến máu, tạo ‘ngân hàng sữa mẹ’

SKĐS - Với phương châm “sống là cho đi”, Hoàng Công Minh vượt lên mọi gian khó vận động 4.000 người hiến máu, tiểu cầu. Anh cũng là người sáng lập nên ‘Ngân hàng sữa mẹ’ đầu tiên ở Tây Nguyên.

Cứu Sống Sản Phụ Đờ Tử Cung Nhờ Nhân Viên Y Tế Hiến Máu - SKĐS


Hùng Trần
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn