Những điều ít biết về "gái dịch vụ" quán Karaoke

08-06-2014 12:00 | Thời sự
google news

Tâm sự của tú ông chuyên nuôi "gái dịch vụ" cho quán karaoke

Dân chơi ở các thành phố lớn hẳn không xa lạ gì với những cô sinh viên sáng lên giảng đường tối làm thêm nghề dịch vụ.

Kỳ I: Tâm sự của tú ông chuyên nuôi "gái dịch vụ" cho quán karaoke

Ánh mắt sắc lẹm, môi nhếch lên một nụ cười đầy mai mỉa, cùng dáng người đậm đà, da ngăm đen có chút ít cơ bắp, phong cách trông rất lãng tử, thoạt nhìn qua, thì không ai có thể nghĩ rằng Lân là một tay “điều hàng” có “số má” ở khu vực quận Hai Bà Trưng.

“Em đồng ý trò chuyện với anh, chẳng qua thấy anh H.A giới thiệu là bạn thân từ hồi cấp 3. Mà anh H.A thì em rất tin tưởng, thế nên mới nhận lời. Bài của anh dược đăng lên thì đừng dùng tên thật với ảnh của em nhé."

Lân (tên đã thay đổi), đến gặp tôi ở quán café trên phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội, nói đầy tự tin.

“Nghề của em nguy hiểm, mệt, mất mạng với vào tù lúc nào không biết. Em làm vì tiền thôi. Nếu không cần tiền, thì em không bao giờ làm nghề này." - Lân cười.

Được dăm ba câu hỏi han xã giao, thì tôi đi vào chủ đề chính, đem ý định của mình là muốn tìm hiểu về loại hình dịch vụ karaoke “ôm”, và muốn hẹn gặp mấy cô sinh viên đi làm thêm nghề này.

Lân cười mỉm rồi nói: “Anh tìm đúng người rồi đó, đầu tiên, theo kinh nghiệm của em, hầu hết các quán karaoke ít khi “nuôi” gái tại chỗ. Mà thường thường có mạng lưới riêng với mấy chủ “dịch vụ” chuyên nuôi gái cung cấp cho các quán karaoke “ôm”, giống như chỗ của hàng em đang làm này. Và mỗi khi khách có nhu cầu thì sẽ gọi, bên em sẽ chở gái tới cho khách chọn”.

Hít một hơi thuốc thật sâu, Lân kể tiếp: “Nhân viên hầu hết đều từ các tỉnh lẻ lên Hà Nội kiếm sống. Lúc đầu tiên mới tiếp xúc với môi trường phức tạp thì cũng có vẻ giữ gìn, nhưng rồi sau một thời gian, đâu cũng vào đấy cả, cũng đành dễ dàng buông xuôi, dấn thân càng ngày càng sâu vào cái nghề trái khoáy này.”

Lân kể thêm: “Bọn em mở 1 cửa hàng kinh doanh, ví dụ như kiểu cầm đồ, rồi tuyển nhân viên đến, nhưng mà không có hợp đồng gì đâu, làm chay thôi.”.

Với vẻ mặt rất hứng thú khi câu chuyện đúng vào sở trường của mình, Lân hăng say kể tiếp: “Bọn em còn có hẳn một đội ngũ mấy thằng đàn em ở cửa hàng, mấy thằng đấy có nhiệm vụ chở các nhân viên đi đến quán karaoke mỗi khi có khách yêu cầu. Địa bàn hoạt động của cửa hàng em chỉ trong khu vực từ Kim ngưu, Minh Khai, Bạch Mai, Vọng rồi vòng lên Trần Khát Chân thôi. Các quán karaoke khác mà ngoài mấy khu vực này ra gọi nhân viên thì bọn em cũng không nhận. Vì sang địa bàn của các chủ khác rồi, không cẩn thận là lại có va chạm, đánh nhau rắc rối lắm."

Chờ Lân nói xong, tôi hỏi: “Thế cửa hàng có trả lương cho mấy em nhân viên đấy không?”

Lân trả lời ngay lập tức: “Tất nhiên là không rồi, mấy đứa nhân viên sống bằng tiền bo của khách hết. Hiện giờ, mỗi lần ngồi bàn thì ít nhất cũng phải được bo 200k (200.000 VNĐ) đấy là giá chung rồi. Bên cửa hàng em thu về 100 ngàn, kể cả khi gặp khách “sộp” bo 500k thì bọn nhân viên cũng phải chia 50%. Mỗi lần ngồi bàn xong là phải hỏi rất cặn kẽ, đứa nào mà bố láo, nói dối thì tát cho mấy phát cho nhớ.”

Tôi hỏi tiếp: “Thế mấy cửa hàng karaoke kia không được chia gì à?”

Lân co chân vắt hình chữ ngũ rồi trả lời: “Bọn em đã đưa nhân viên đến cho quán và nhân viên sẽ có nhiệm vụ mở càng nhiều bia càng tốt, hoặc thấy có cái gì ở trên bàn là mở ra ăn, như kiểu bim bim với bánh kẹo gì đó ý. Như thế là quán hát được lợi rồi còn gì…”

À lên một tiếng như là quên điều gì đó, Lân nói tiếp: “À quên, đấy là đối với mấy quán hát không nuôi nhân viên thôi, còn mấy chỗ mà nuôi nhân viên thì lại khác. Mỗi khi gái ở quán hát đó mà không đủ cho khách chọn, thì sẽ gọi cửa hàng em đưa gái tới. Và khi đó nếu nhân viên nào được ngồi bàn cùng khách, ra về sẽ phải để lại cho quán hát 70 ngàn. Nhưng thường mấy quán này toàn là khách V.I.P thôi nên tiền bo ít cũng phải 300 tới 500 ngàn.”

“Anh tính sơ sơ ra, một ngày mấy em gái đó chắc cũng phải kiếm tiền triệu ý nhỉ? Thế thì chẳng mấy mà giàu.” Tôi tiếp lời ngay khi hắn vừa nói xong.

“Thì đúng mà anh, một ngày mỗi em nhân viên ít thì ngồi được 4, 5 bàn, nhiều thì cũng phải 10 bàn. Mỗi bàn từ 200 ngàn cho tới 500 ngàn, kiếm tiền triệu như chơi. Chưa kể có đứa nó còn đi ngủ với khách, mỗi lần toàn 700 ngàn tới 1 triệu…” Lân tiếp luôn lời của tôi.

“Nhưng mà bọn này ăn chơi lắm, toàn cặp kè với mấy thằng oắt con, rồi bao mấy thằng đó ăn chơi đập phá. Lên bar, lên sàn, rồi đủ các thể loại chơi bời, “bay” lắc, đập đá… nhiều lắm, thế nên tiền bọn nó vèo cái là hết, có giữ được đâu. Kể ra chúng nó có tiêu như phá thế bọn em lại có thêm cách kiếm tiền và ràng buộc nhân viên.” Nói một tràng dài và có vẻ đuối hơi nên cậu ta dừng lại, hớp ngụm nước cam.

“Sao lại thêm cách kiếm tiền và ràng buộc? Anh không hiểu lắm”.

Lân cười cười rồi trả lời: “Bọn nó có tiêu nhiều như thế thì làm sao mà có đủ tiền mãi được. Nên bọn em kiêm luôn dịch vụ cho nhân viên vay lãi và “bốc họ”. Nợ tiền mình thì thách bố chúng nó cũng chẳng dám láo toét. Cứ phải đi làm rồi trả lãi, trả nợ, chưa kể chơi bời hết tiền lại vay, cứ lãi mẹ đẻ lãi con thì hầu như là chẳng bao giờ trả hết nợ.”

"Vay thì đúng là vay nặng lãi, nhưng bọn nó hết tiền thì cũng phải vay thôi. Đứa nào vay thì lãi cứ tính 10 ngàn đông/1 triệu/1 ngày. Mà em có bắt chúng nó vay đâu, mình không cho vay thì nó lại đi tìm hội khác để vay. Vậy mình làm không tốt hơn hả anh. Còn đại ca của em mở cửa hàng là anh Sơn, cũng có tiếng trong giới giang hồ ở khu vực quận Hai Bà này đấy. Làm nghề này mà không có máu mặt, có số, có má thì không làm được đâu anh ạ. Phải “cứng” thì mới không sợ bị bọn khác cướp địa bàn. Còn bên Công an bên em sẽ có cách lo, nhưng em xin phép không nói được, cái này liên quan tới chính quyền, không thể nói ra, thông cảm cho em” - Lân nói với giọng rất thẳng thắn.

Tôi đành phải chuyển chủ đề “Thế nhân viên có cách kiếm tiền nào khác ngoài tiền bo, hoặc đi ngủ với khách không?”

Cười tủm tỉm, trông rất nham hiểm hắn nói: “Cái này thì để khi nào em hẹn cho anh mấy đứa nhân viên ra ngồi uống bia. Anh tự hỏi, chứ em cũng nghe kể lại, không chân thực.”

“Đọc trên báo đài thì thấy nhân viên của mấy cửa hàng như bọn em toàn là mấy em sinh viên đi làm thêm buổi tối liệu có đúng không?” - Tôi tiếp tục khai thác thêm thông tin.

Hắn ta trả lời liền một hơi: “Cũng có nhưng mà ít lắm, không phải nhiều như “nấm mọc sau mưa” mà trên các báo đài hay viết đâu. Ở chỗ bọn em cũng chỉ có 2 em là sinh viên thôi, vì cái nghề này không phải đứa nào cũng chịu được nhục với mệt đâu. Mới cả, em thích nhân viên làm đầy đủ thời gian hơn là bán thời gian cái kiểu của mấy đứa sinh viên. Lắm lúc đông khách, mà mấy nàng báo nghỉ làm vì mai bận đi thi, phải ngồi ôn bài ở nhà. Mấy đứa mà tái diễn nhiều lần xin nghỉ như thế là em cho nghỉ luôn, làm ăn mà suốt ngày thiếu người thì còn ai gọi nhân viên đầu bên mình nữa hả anh”.

Châm một điếu thuốc lá, đưa lên môi rít một hơi Lân nhấn giọng cao hơn một chút: “ Anh yên tâm, anh là bạn của anh H.A nên em không giấu anh cái gì đâu, với lại thật ra cũng chẳng có gì để giấu cả. Chỉ cần khi viết bài báo thì đừng có đưa tên thật của em với ảnh của em lên là được.”

“Thế ông em kiếm gái từ đâu vậy? Rồi “nuôi” gái như thế nào nữa, có phải huấn luyện gì rồi mới cho đi tiếp khách không?”

“Cái này thì có nhiều cách, không phức tạp lắm. Thi thoảng em đi hát rồi gọi nhân viên thấy em nào xinh thì dụ dỗ, trả mức thù lao với phần trăm cao hơn, có đứa nó theo, có đứa thì nó sợ chủ của nó nên cũng không theo em làm việc. Còn phần lớn em đều nhờ mấy thằng “đệ” của em ở các tỉnh xung quanh Hà Nội, về quê gặp mấy em chíp hôi ham ăn, ham chơi, không chịu học hành, hoặc gia đình khó khăn, thì bảo nó lên Hà Nội làm nhân viên ngồi hát. Đương nhiên, là cũng hứa hẹn mức thù lao hấp dẫn rồi… ”

“Đợt nào mà dụ được mấy em tuổi ‘teen”, xinh xẻo, trắng trẻo thì cũng phải nịnh nó lắm anh ạ. Nói chung, bên em làm việc toàn bằng tình cảm là chính, cũng không nặng lời, dọa nạt, hay đánh bọn “đào” mới này. Vì làm nó sợ quá, nó trốn về quê là mình cũng hết đường làm ăn. Đầu tiên cứ phải huấn luyện 1 tuần đã, vào phòng thì phải làm những gì, rồi khi ngồi khách sàm sỡ thì ứng xử như thế nào, phải bảo hết anh à. Về khoản tiếp khách thì mấy em nào già dặn một tí thì tốt hơn, do có đã làm lâu, còn mấy em trẻ mới làm ít kinh nghiệm phục vụ, nhưng bù lại được cái thân hình và nhan sắc. Loại nào cũng có ưu điểm, khuyết điểm riêng… ”

"Bên em là kết hợp với các quán karaoke, nên đôi bên phải cùng hợp tác, theo hướng có lợi cho cả 2. Thế này nhé, khi có khách hát gọi nhân viên nhà em, khi được chọn sẽ vào ngồi cùng khách, phụ trách rót bia, cứ thấy cốc nào vơi là phải mở bia rót đầy. Vào hát thì cũng phải ăn, uống, thế nên mấy nhân viên của em sẽ được huấn luyện là khi vào bàn ngồi thì phải khéo léo làm sao bóc được càng nhiều bim bim, ô mai, khăn giấy… nói chung là đủ các thể loại, để khi ra tính tiền hóa đơn thêm được khoản kha khá vào quán hát. Bọn em dạy nhân viên mấy cái mánh khóe đấy, làm cũng dễ, vì hầu hết mấy ông khách vào gọi nhân viên thì toàn là lúc say “nhoét ra như mẻ” rồi.”

“Thế bình thường thì mấy em nhân viên của chú ở đâu? Ăn uống kiểu gì? Có phải bao ăn hay bao ở gì không ?”

“Anh ơi, bọn em cũng là kinh doanh mà, mặc dù nó cũng không phải hay ho gì cho cam. Nhưng đã là kinh doanh thì quan trọng nhất là phải sinh ra tiền, vì thế chẳng có gì là bao ăn với bao ở đâu. Cái cửa hàng em thuê đó, 5 tầng, tầng 1 thì tiếp khách và để anh em tụ tập chém gió, uống rượu còn các tầng còn lại đều là chỗ ngủ của mấy em nhân viên. Bọn em nhiều lần mất người làm vì cái kiểu mấy ông đàn em tán tỉnh, cặp kè với mấy đứa nhân viên. Bây giờ là cấm tiệt, em bảo mấy thằng đệ giờ mà còn vi phạm thì đuổi thẳng cổ. Bọn nó cứ trai gái yêu đương, bỏ nhau xong cũng bỏ luôn cả việc, nhọc óc lắm anh ơi. Còn mấy đứa sinh viên làm thêm, chúng nó thuê nhà ở ngoài, tới giờ làm thì tự phải vác mặt đến trình diện... ”

“Còn phòng mấy đứa nhân viên ở, em đều tính tiền hết, anh nghĩ xem, em cũng đi thuê nhà của người ta, hơn chục “củ” (10 triệu VNĐ) 1 tháng, cho bọn nó ở không thì có mà toi à! Tất nhiên là em cũng lấy tiền rẻ thôi, đủ bù vào tiền thuê nhà hằng tháng của em. Hiện tại em có 25 nhân viên, tính ra cũng có đâu tầm 400.000 VNĐ tiền nhà chứ mấy, bằng 2 lần ngồi bàn của bọn nó.”

Lân trầm ngâm: "Em học hết lớp 6 thì bỏ, ở quê chăn trâu với làm đồng tới năm 17 tuổi. Chán cái cảnh suốt ngày lao động hùng hục, nhưng chẳng có tiền, ăn kham khổ. Sau đó, có ông anh họ trên Hà Nội làm nghề này, đang thiếu đệ, hỏi em có theo ông ý làm ăn không, em đồng ý mà chẳng cần phải suy nghĩ gì cả. Rồi lang bạt giang hồ nhiều, làm đủ mọi ngành nghề để kiếm sống. Cũng không sung sướng cái gì đâu anh, mệt bỏ xừ. Nhiều lúc có va chạm, đâm chém nhau, sống chết chỉ trong tích tắc. Đến giờ em còn ngồi đây nói chuyện với anh cũng là em còn may mắn đấy. Sống trong giang hồ chỉ biết nay, còn mai thế nào thì không ai dám chắc.”

Đột nhiên, sắc mặt hắn trùng xuống, khác hẳn với cái vẻ hào hứng say sưa thuyết giảng cho tôi vừa rồi.

Thở dài một hơi rồi hắn tiếp tục: “Thật ra em cũng nghĩ tới vấn đề âm đức này, đời mình thì chưa dính đâu, nhưng nó ảnh hưởng tới đời con, đời cháu mình. Kể ra mà có thế thật thì nghĩ cũng tội cái bọn cháu chắt đó. Nhưng mà cũng phải chịu thôi, em không làm cái này thì cũng chẳng biết làm gì. Em làm vì tiền thôi. Nếu không cần tiền, thì em không bao giờ làm nghề này. Hiện tại em đang làm cái này tiền tiêu nó quen rồi, giờ làm lương mấy triệu cảm giác nó cứ thế nào ý…”

Và Lân hẹn tôi, sẽ sắp xếp cuộc gặp cho 2 cô gái "dịch vụ" đang là sinh viên...

(Còn tiếp)

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn