Những "đề toán" gây sốc hay sự vô tâm của cộng đồng mạng?

28-10-2013 10:26 | Thời sự
google news

Không ai có thể lôi ra được nguồn gốc của những câu hỏi được cho là "đề toán" gây sốc này, vậy phải chăng việc share đi tràn lan đang thể hiện sự vô tâm và vô trách nhiệm của một bộ phận cư dân mạng?

Không ai có thể lôi ra được nguồn gốc của những câu hỏi được cho là "đề toán" gây sốc này, vậy phải chăng việc share đi tràn lan đang thể hiện sự vô tâm và vô trách nhiệm của một bộ phận cư dân mạng?

Thời gian này, cư dân mạng Việt đang đồng loạt chia sẻ những bức ảnh chụp một số đề toán được cho là dành cho học sinh tiểu học nhưng sai lệch kiến thức thực tế, có khuynh hướng bạo lực khiến cho nhiều người vô cùng băn khoăn.

Những "đề toán" có thật hay không?

Trên nhiều fanpage, trang cá nhân của nhiều cư dân mạng, "đề toán tảo hôn" được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, kèm theo đó là hàng loạt bình luận ngạc nhiên, bất bình, thậm chí cả khiếm nhã về sự bất hợp lý, phi thực tế của bài toán này. Đề toán như sau: "Hiện nay Nam 4 tuổi, tuổi của bố gấp 4 lần tuổi Nam, tuổi của mẹ gấp 3 lần tuổi Nam. Hỏi bố Nam bao nhiêu tuổi, mẹ Nam bao nhiêu tuổi?".

Nếu đúng theo toán học, chỉ cần thực hiện phép nhân là có thể tính ra được tuổi của bố Nam là 16, mẹ Nam là 12. Vậy có nghĩa là mẹ sinh Nam năm... 8 tuổi và bố là 12 tuổi. Đây là một điều ai cũng hiểu rằng, hoàn toàn phi thực tế. 

Những "đề toán" gây sốc hay sự vô tâm của cộng đồng mạng? 1

"Vậy là tảo hôn à? Bé gái 8 tuổi có thể sinh con ư? Nhân vật trong bài toán này nên cho vào kỉ lục Ghi net Thế giới" - Một cư dân mạng bình luận.

"Biết là đề toán là không có thật nhưng người ra đề cũng phải có sự hợp lý một chút chứ, thích ra gì thì ra à? Không nhầm thì bài toán dạng này là của các học sinh lớp 2. 7 tuổi, 8 tuổi làm xong bài này, ra kết quả thế này, nó mà thắc mắc thì trả lời thế nào? Gieo vào đầu trẻ con những kiến thức phi lý. Học hành thế này thì tương lai thế hệ sau làm sao mà khá lên được!" - Facebooker Long Khanh bất bình.

Trước đó, một bức ảnh chụp câu hỏi toán "có khuynh hướng bạo lực" cũng đã được share đi tràn lan. Bài toán viết: "Bạn Võ Tiến Trung ở Quảng Nam mới 8 tuổi đã cùng cô chú đi đánh Mỹ, cứu nước. Một lần bạn Trung đã dùng lựu đạn diệt 7 tên Mỹ. Một lần khác, bạn ấy lại diệt 7 tên thám báo ác ôn và 3 tên Mỹ. Hỏi cả hai lần đó, bạn Trung đã diệt tất cả bao nhiêu giặc Mỹ và ác ôn?"

Những "đề toán" gây sốc hay sự vô tâm của cộng đồng mạng? 2

Đây vẫn chỉ là một bài toán lớp 2, thế nhưng trong đề bài lại nêu ra những vấn đề không hề phù hợp bởi tính bạo lực, giết chóc. Không những vậy còn có những từ ngữ, khái niệm mà bất cứ học sinh lớp 2 nào cũng không thể hiểu hết được, như là "lựu đạn", "thám báo ác ôn". 

Đơn thuần bài toán cũng chỉ là để thử thách cách làm phép tính cộng của học sinh, đưa những nội dung này vào, ai cũng cho rằng rất có thể sẽ ảnh hưởng không hề tốt đến các em nhỏ mới chỉ 6, 7 tuổi.

... Hay sự vô tâm của cộng đồng mạng?

Hai đề toán này ngay khi được đưa lên mạng xã hội đã được rất nhiều người chia sẻ và bày tỏ những lo ngại về việc dạy và học của thế hệ học sinh tiểu học đang ngồi trên ghế nhà trường. Ai cũng sợ rằng nếu cứ tiếp tục bị nhồi vào đầu những kiến thức "kì lạ" như thế này, không biết con em họ sẽ phát triển như thế nào, có bị nhiễm phải những kiến thức phi lý, thiếu thực tế và bạo lực như vậy không.

Tuy nhiên, khi có một số cư dân mạng tỉnh táo yêu cầu đưa ra nguồn của những đề toán này là từ cuốn sách nào, của nhà xuất bản nào thì tất cả mọi người đều không trả lời được. Chỉ đơn giản là họ thấy, ấn like và share đi một cách vô tư, kèm theo những lời lẽ "đầy trách nhiệm": thất vọng với nền giáo dục nước nhà hay lo cho thế hệ học sinh ngày nay, vân vân và vân vân. 

Còn câu hỏi nó có thật hay không, đề của ai ra, cá nhân hay tổ chức, hay chỉ là của một ai đó "chế" ra thì có vẻ không được quan tâm cho lắm. 

Đây không phải là lần đầu tiên sự cả tin của cư dân mạng đã gián tiếp tạo ra những cái nhìn tiêu cực trong mắt dư luận. Chỉ cần một người share thông tin và sau đó lợi dụng tính dây chuyền để lan truyền những tin đồn thất thiệt thì những tin đồn này rất nhanh chóng được cư dân mạng “tin sái cổ” mà không kiểm chứng sự thật. Gần đây, có rất nhiều sự việc chỉ vì một vài tin đồn “từ trên trời rơi xuống” mà đã kéo theo một xã hội thu nhỏ đua nhau lan truyền, chia sẻ thông tin, khiến ai cũng nghĩ rằng đó là sự thật, mà mới đây nhất là sự việc "Hủ tiếu gõ chuột cống", làm cho những người lao động nghèo sống bằng nghề này đã vất vả nay lại càng khó khăn gấp bội khi nghề mưu sinh của mình đang đứng bên bờ vực thẳm.

Thiết nghĩ, khi tiếp nhận bất kỳ một thông tin nào đó, cộng đồng mạng hãy suy xét, tìm hiểu kỹ, nhìn nó dưới nhiều góc độ, phương diện, không nên chỉ nghe một phía rồi lại lan truyền rộng rãi, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều người khác, rộng hơn nữa là một nghề nghiệp, một tầng lớp.

Theo Tri thức trẻ

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn