Đỗ Minh Tuấn
|
Thơ Trần Sĩ Tuấn xuất hiện trong bối cảnh ấy. Tập thơ Từ đá vắt ra, NXB Hội Nhà văn vừa tái bản tuy không tạo nên sự ồn ào trong công luận, nhưng một số bài đã có được những giá trị thơ ca chân chính với nguồn cảm xúc chân thành, sâu sắc và sự tìm tòi trong câu từ và diễn đạt đã có những lúc đạt tới độ hồn nhiên. Những bài thơ Đêm, Một mình, Uống cà phê, Buổi chiều sau chiến tranh, Đêm mất ngủ, Suy tưởng, Từ đá vắt ra... là những bài thơ hay, cảm xúc sâu, cách thể hiện nhuần nhuyễn và độc đáo.
Những năm gần đây, nỗi đau đời thương người, những day dứt nhân văn có phần mờ nhạt trong đời sống văn chương, khiến những ai còn ôm, giữ nó đã có lúc thấy mình lỗi thời và cô độc. Trần Sĩ Tuấn vẫn kiên trì những nỗi đau, những day dứt muôn thở ấy. Chính vì thế, những vần thơ mộc mạc của anh trở nên có sức nặng, có chiều sâu. Đằng sau những câu chữ mộc mạc bình dị hay gọt giũa tinh tế là một dòng chảy âm thầm bền bỉ của những nỗi đau đời thương người bắt nguồn từ trái tim của người thầy thuốc, của một thi nhân. Một cảm giác thương người, thương đời thường trực trong suốt tập thơ, ngay cả trong những bài viết về nỗi cô đơn của mình hay của bạn. Nỗi đau đời, thương người thường trực và ám ảnh khiến nhà thơ nhìn vào đâu cũng thấy hiện lên những thân phận cần chia sẻ. Ngay cả lúc ngồi uống cà phê, nhắm mắt lại để sống cùng hương vị cà phê cuộc đời vẫn cứ hiện hình trong tâm tưởng:
Uống cà phê rồi nhắm mắt lại/ Vị đắng tê đầu lưỡi/ Thấy cuộc đời trôi qua...
Mở mắt ra/ Em bé rách rưới/ Chìa bàn tay bơ vơ/ Vị đắng tan vào lưỡi.
(Uống cà phê)
Nhà thơ đã nhắm mắt quên đời để tận hưởng tách cà phê nhưng ngụm cà phê trong miệng đã ngấm vị đắng của cuộc đời từ bao giờ, làm tê đầu lưỡi khiến nhà thơ phải mở mắt ra thấy em bé ăn mày đứng đó. Giọt cà phê trong miệng thi nhân cũng có giác quan, có con mắt tinh tường biết dùng vị đắng báo tin cho người như con chim tinh hay đó chính là con mắt tâm linh, là giác quan thứ bảy của người cầm bút khiến anh nhìn thấy rõ cuộc đời ngay cả khi nhắm mắt. Một tứ thơ hết sức độc đáo, nó nói lên một cách tế nhị và thuyết phục những tình cảm thương đời thương người sâu sắc ẩn sâu trong máu thịt nhà thơ.
Tập thơ Từ đá vắt ra là cuốn nhật ký ghi lại những mảnh đời của đồng loại xung quanh để cảm nhận hết cái đắng cay của bao số phận. Bên cạnh những bài thơ khái quát và suy tưởng là những bài thơ nảy sinh từ những tình huống nhà thơ đã gặp hàng ngày, ghi lại những biến cố trong tâm hồn khi đối diện với những con người, sự việc, từ một bà mẹ nghèo có con bị bệnh nặng đến một em bé ăn mày, một người mẫu khoả thân, một cơn mưa bất chợt, một cảm nhận về nỗi cô đơn sau một giấc mơ.
Nhà thơ luôn nhìn xuyên qua mỗi sự việc, mỗi con người để nhìn thấy nỗi đau thân phận, những day dứt lương tâm:
Chiếc áo choàng nhẹ nhõm đến nhường kia
Mà có lúc tưởng chừng không mang nổi
Khi không xoa dịu được nỗi đau của mẹ
Cùng nỗi đau không cứu được người.
(Trước nỗi đau của mẹ)
Bài thơ Trước nỗi đau của mẹ không điêu luyện như nhiều bài thơ khác trong tập thơ này, nhưng những tình cảm chân thành mộc mạc từ chỗ đứng của người thầy thuốc trước một người già có con bị bệnh hiểm nghèo thật xúc động. Tình thương ấy là sự hòa trộn giữa y đức của bác sĩ và cảm xúc nhân văn của nhà thơ.
Tập thơ Từ đá vắt ra của anh mang cảm hứng nhân văn truyền thống nhưng không chịu lặng lẽ nép mình trong chỗ khuất, mà kiêu hãnh tự tin xông xáo vào đời sống thi ca... Thơ ca, thi nhân trở thành một đối tượng để nhà thơ rung động, suy tư, chiêm ngưỡng hay tưởng nhớ. Những bài thơ viết về Nguyễn Đình Thi (Không đề 1), Bảo Định Giang (Tưởng nhớ một nhà thơ), Hoài Anh (Đêm) là những bài hàm súc, sâu sắc và xúc động. Sự thăng hoa của sáng tạo văn chương trong cuộc sống đời thường chật chội, đau đớn và thiếu thốn, cái vĩnh cửu trường tồn của văn hóa và cái ngắn ngủi hạn hẹp của cuộc đời nhà văn được Trần Sĩ Tuấn hòa trộn trong những hình tượng thơ độc đáo, mới mẻ và đầy cảm xúc:
Những giấc mơ anh bị đóng khung/ Những giấc mơ nằm nghiêng/ Những giấc mơ không lăn qua lăn lại/ Sợ hụt chân rớt xuống sàn nhà.
Giật mình tỉnh giấc/ Là lúc anh vắt kiệt ra để sống/ Vắt kiệt ra để yêu/ Đêm chạy trên trang giấy/ Sau những phút giật mình/ Bao niên kỷ trôi qua...
(Đêm)
"Đồng bệnh tương liên". Cùng mang căn bệnh yêu chữ và thờ chữ, nhưng không mấy nhà thơ viết về nhau da diết và giàu thương cảm thế. Trần Sĩ Tuấn đồng cảm với những văn sĩ, thi sĩ ở cả khía cạnh sáng tạo và khía cạnh đời thường. Xưa nay cũng có những nhà thơ thông cảm với cái cô đơn trong sáng tạo, cái cô đơn của người không tìm ra tri kỷ. Trần Sĩ Tuấn thông cảm với cả nỗi cô đơn trước trang giấy và nỗi cô đơn trong cuộc sống hằng ngày của các bạn văn. Dường như đó là sự đồng cảm bắt nguồn từ số phận của chính người viết, vì trong tập thơ luôn luôn day dứt nỗi cô đơn của một người tình. Nỗi cô đơn ấy ám ảnh cuộc đời nhà thơ - thầy thuốc bằng những cơn mưa. Mưa gió, giông bão luôn hiện diện trong thơ anh như một ám ảnh tình yêu. Mưa luôn đồng hành với nỗi cô đơn, là rào cản của tình yêu lứa đôi nhưng lại là bạn bầu của thi ca và suy tưởng:
Đêm vật vã và mưa xối xả/ Nhớ em không chịu nổi/ Anh chạy vào mưa...
Tìm em trong khắc khoải/ Anh đi tìm em ở chỗ không em/ Dẫu chỉ mấy bước chân thôi là gặp em rồi.
(Trong mưa)
Da diết, chân tình mà sâu sắc, những câu thơ trào ra từ cảm xúc mãnh liệt, không có dấu vết của xảo thuật ngôn từ, nhưng không ít khi mang theo những liên tưởng lạ, những mơ hồ thi ca run rẩy chập chờn giữa thực và hư.
Một mình/ Bỗng là núi/ Ngàn năm tuyết phủ/ Thấy mình đang đi.
Một mình/ Bỗng là suối/ Mềm mại trong xanh/ Bỗng là mây/ Nhẹ nhàng thanh thoát/ Thấy mình đứng im
Một mình/ Bỗng là vực/ Sâu như cuộc đời/ Hòn đá rơi xuống/ Cuộc đời cứ trôi...
Một mình/ Bao đêm dài như thế/ Mình vẫn là mình thôi!
(Một mình)
Cái ma thuật của trí tưởng tượng, cái phù du của giấc mộng, của ước mơ được Trần Sĩ Tuấn quy về cái gốc cô đơn. Có thể là giấc ngủ cô đơn, cũng có thể là mơ mộng cô đơn. Dù thế nào thì cách trình bày cô đơn giống như ống kính vạn hoa của giấc mộng, của giấc mơ là cách lập tứ tự nhiên và độc đáo. Trong những câu thơ tưng tửng ẩn chứa một nỗi đau thầm kín của kẻ cô đơn.
Trong một bài thơ viết về các bài thơ vào chung khảo, Trần Sĩ Tuấn giễu cợt nỗi đau thật và giả của các thi nhân. Điều đó không hề mâu thuẫn với việc trong thơ anh thường trực nỗi đau đời. Những nỗi đau trong thơ mà anh giễu cợt là những nỗi đau thời thượng, khoa trương, người đã làm cái việc triển lãm nỗi đau, khua chiêng gõ mõ để quảng bá nỗi đau như một thương hiệu. Những nỗi đau trong thơ Trần Sĩ Tuấn bộc lộ ra một cách tự nhiên, được trình bày một cách hàm súc, bình dị. Nó gắn liền với hình ảnh cuộc đời đau khổ. Chính sự hòa quyện giữa cuộc sống và nhà thơ, cảm xúc và suy tưởng đã làm cho thơ Trần Sĩ Tuấn vừa có độ chân thực cao, độ suy tưởng sâu và đa dạng tự nhiên trong thể hiện.
Những day dứt nhân văn trong tập thơ Từ đá vắt ra đã làm nên sức hấp dẫn riêng của thơ Trần Sĩ Tuấn. Hy vọng những tập thơ mới của anh vẫn sẽ tiếp tục chia sẻ cùng độc giả những tình đời, tình người sâu sắc trong trái tim một nhà thơ - thầy thuốc.