Những cuộc tự phẫu thuật kinh hoàng

21-06-2009 08:22 | Thời sự
google news

Mỗi ca phẫu thuật đều là một thử thách không chỉ của các bác sĩ mà với mỗi bệnh nhân. Trong lịch sử y khoa cũng ghi nhận những ca phẫu thuật hết sức đặc biệt, "bác sĩ" tiến hành phẫu thuật và bệnh nhân đều là một người.

Mỗi ca phẫu thuật đều là một thử thách không chỉ của các bác sĩ mà với mỗi bệnh nhân. Trong lịch sử y khoa cũng ghi nhận những ca phẫu thuật hết sức đặc biệt, "bác sĩ" tiến hành phẫu thuật và bệnh nhân đều là một người. Những "bệnh nhân" này ngoài lòng dũng cảm còn có một khát vọng hướng tới cuộc sống, họ đã làm và làm được tất cả những gì mình mong muốn để có một cuộc sống chất lượng hơn. Tuy nhiên nó lại là sự thật kinh hoàng và khó tin nhất trong y học, làm rùng mình ngay cả những người can đảm nhất...

Bác sĩ bất đắc dĩ

Không phải là bác sĩ, cũng không qua bất kỳ trường lớp y khoa nào, chị Ines Ramirez 40 tuổi ở vùng nông thôn Rio Talea, Mexico đã phải tự mổ bụng sinh con trong một trường hợp hy hữu. Nhà chị ở trong khu vực hẻo lánh, với dân số trong vùng là 500 người và cả vùng chỉ có duy nhất một chiếc điện thoại di động để liên lạc. Vào ngày 3/5/2000 định mệnh ấy, khi đang ở một mình trong căn lều trên núi phía Nam Mexico, chị lên cơn đau bụng chuyển dạ suốt 12 tiếng đồng hồ. Đau đớn tưởng chừng như cắt da cắt thịt, chị liều mình vớ lấy con dao dài 15cm tự cắt vào bụng mình với chiều dài 17cm. Sau 1 tiếng loay hoay chị cũng kéo được em bé ra khỏi bụng và cắt rốn cho cậu bé, chị đã ngất đi lúc nào không hay. May mắn đã mỉm cười với người phụ nữ này khi gặp được những người qua đường và chị đã được các nhân viên y tế đến giúp kịp thời.

Cắt tay cứu mạng

Trường hợp của anh Aron Ralston, 27 tuổi làm người ta liên tưởng đến việc thoát thân của loài thạch sùng. Vào tháng 4/2002, trong chuyến leo núi ở Utah, Ralston đã bị một tảng đá nặng gần 500kg rơi xuống đè vào cánh tay phải. Một mình trên núi cao, anh không thể xoay chuyển được tảng đá, cũng không thể gọi người tới giúp. Hy vọng mong manh có người đi qua nhìn thấy cũng ngày một tiêu tan. Anh nằm đó suốt 5 ngày đêm không thức ăn, nước uống, vừa đói vừa lạnh. Anh nghĩ ra một cách duy nhất có thể tự giải thoát cho mình, đó là phải hy sinh cánh tay phải. Một mình với con dao không được sắc lắm, anh đã cắt cánh tay phải của mình để lại và xuống núi tìm người giúp.

 Người đánh cá dũng cảm

Vào năm 1998, chàng ngư dân 35 tuổi Douglas Goodale ở vùng Maine, chuyên đánh bắt tôm hùm, đã gặp một tai nạn khủng khiếp mà anh không bao giờ ngờ đến có thể xảy ra. Trong lần đi xem bẫy hôm đó, khi đang kéo lưới, một con sóng lớn đánh ập vào thuyền, trong lúc loay hoay chỉnh lại dây thừng, tay áo phải của anh đã bị cuốn vào chiếc tời, chỉ trong vòng vài giây anh bị treo lơ lửng mà không một ai biết. Mênh mông giữa trời và nước, một mình trên đại dương, anh Goodale đã có một quyết định táo bạo, cắt đi phần tay bị kẹt trong chiếc tời để tự giải phóng rồi trở về boong nhờ người hoa tiêu trên biển cứu giúp.

 Phẫu thuật cắt ruột thừa

Ở tuổi 27, bác sĩ Leonid Rogozovwas đã nhận nhiệm vụ bác sĩ tại căn cứ Novolazarevskaya, ở Nam cực. Một lần biết mình bị đau ruột thừa cấp mà đòan bác sĩ đến hỗ trợ lại không thể hạ cánh do thời tiết xấu, Leonid đã quyết định tự mổ ruột thừa cho mình với sự hỗ trợ của các "chuyên gia khí tượng" đang nghiên cứu ở Nam cực. Họ đã giữ panh, soi gương và chuyển cho anh các dụng cụ tiến hành phẫu thuật. Trong tư thế nửa ngồi nửa nằm Leonid đã vượt qua cuộc phẫu thuật trong chưa đầy 2 tiếng đồng hồ.

 Tự sinh thiết

Đó là trường hợp của TS. Jerri Nil Nielsen, một nhà vật lý người Mỹ. Vào năm 1998, cô theo đoàn công tác tới căn cứ Amindsen Scotte, thuộc Nam cực, nơi cô được cử làm bác sĩ duy nhất ở đây. Đầu tháng 3/1999, BS. Nielsen tình cờ phát hiện ra mình có một khối u ở ngực phải. Lần kiểm tra đầu tiên được gửi về Mỹ song không đem lại kết quả bởi mẫu tế bào đã quá thời gian quy định. Cách duy nhất có thể kiểm tra tình trạng khối u của Nielsen là cô phải tự chọc sinh thiết từ cái u trong ngực. Một máy bay quân sự đã được cử đến và thả xuống các thiết bị để cô tự chọc khối u của mình. Kết quả là cô bị ung thư vú và cô đã trở về Mỹ để chữa bệnh.

 Tự phẫu thuật lấy đạn

Deborah Sampson được biết đến như nữ quân nhân đầu tiên của Mỹ. Vào thế kỷ XVIII, phụ nữ không được phép ghi danh tham gia các cuộc chiến tranh, bà đã giấu gia đình cải trang đăng ký tham gia vào hàng ngũ quân đội. Ngày 7/7/1782, bà đã bị thương với 2 vết đạn ở đùi và một vết cắt lớn trước trán. Lo sợ bị mọi người phát hiện, bà tự phẫu thuật cho mình để lấy đầu đạn ra bằng một chiếc dao gọt bút chì và một chiếc kim khâu. Tuy nhiên cuộc phẫu thuật đã không thành công, bà bị ốm rất nặng. Xin mọi người cho mình được chết để giữ kín bí mật, song binh sĩ của bà vẫn chuyển bà đến bệnh xá, ở đây bà đã bị phát hiện ra là gái giả trai.

 Tự mổ thoát vị bẹn

Bác sĩ phẫu thuật Evan O'Neil Kane đã làm sửng sốt cả thế giới khi không chỉ tiến hành 1 ca phẫu thuật cho bản thân mà ông đã trực tiếp cầm dao mổ 2 "ca" cho mình. Năm 1921, cùng với sự chứng kiến của các đồng nghiệp, BS. Kane đã tiến hành mổ ruột thừa cho mình với sự hỗ trợ của "một chiếc gương" và phương pháp gây tê tại chỗ. Ca phẫu thuật đã thành công mỹ mãn khiến ông bác sĩ "liều" này quyết tâm mổ ca nữa cho mình khi đã 70 tuổi. Đó là vào năm 1932, mặc cho nhiều người can ngăn song ông bác sĩ phẫu thuật kỳ cựu này vừa trò chuyện vui vẻ với đồng nghiệp vừa tự mổ thoát vị bẹn cho bản thân. Cuộc phẫu thuật cũng thành công ngoài mong đợi.

 Tự khoan xương

Amanda Feilding là một nghệ sĩ người Anh, một chuyên gia kỹ thuật cao. Bà đã chịu đựng nhiều năm trời chứng đau đầu, nhiều khi cảm thấy kiệt sức. Biết được có một kỹ thuật khoan xương tại một vị trí đặc biệt trên xương sọ có thể làm máu trong não lưu thông tốt hơn, bà quyết đi tìm người có thể thực hiện phẫu thật này song đều không có kết quả. Bà đã quyết định tự phẫu thuật cho mình khi mới 27 tuổi. Dưới sự giúp đỡ của một nha sĩ, bà đã sử dụng chiếc khoan điện trong nha khoa khoan vào vị trí bà định trước. Trước đó bà đã phải bịt chiếc băng trên đầu để tránh cho máu chảy xuống mắt và liên tục trong quá trình phẫu thuật dùng nước làm mát máy khoan. Sau 4 giờ tiến hành phẫu thuật và mất 1 lít máu, bà Amanda Feilding cũng hài lòng với cuộc phẫu thuật của mình.

Hồ Giang (Theo Listverse)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn