Họ thoắt đến với người bệnh rồi lặng lẽ ra về khi thùng cháo hết sạch. Nhắc tới họ, bệnh nhân ở đây quen gọi đó là "cháo của các chú có hình xăm".
Hơn hai năm nay, đều đặn vào chiều thứ ba và thứ bảy hàng tuần, nhóm "Hướng thiện" gồm những thanh niên từng một thời lầm lỡ, giờ "gác kiếm", mang cháo vào chia sẻ, phát miễn phí cho bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện K, cơ sở Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội (còn gọi là K2). Họ thoắt đến với người bệnh rồi lặng lẽ ra về khi thùng cháo hết sạch. Nhắc tới họ, bệnh nhân ở đây quen gọi đó là "cháo của các chú có hình xăm".
Một chiều cuối tháng 11, chúng tôi tìm đến bệnh viện K2 để gặp gỡ nhóm từ thiện đặc biệt chuyên nấu cháo miễn phí này. Nghe mọi người truyền tai, “cháo của các cô chú ấy còn ngon hơn cả mấy quán cháo ở ngoài cổng viện”, chúng tôi cũng khá tò mò muốn được nhìn tận mắt nồi cháo mà bệnh nhân vẫn khen ngon tấm tắc.
Khoảng 17h, một nhóm tình nguyện khác là những bạn sinh viên còn rất trẻ mang sữa tươi đến phát miễn phí cho các bệnh nhân trong bệnh viện. Trò chuyện với nhóm tình nguyện này, chúng tôi được biết nhóm đến từ quỹ "Nhân ái người cao tuổi", thực hiện chương trình phát 200 hộp sữa cho bệnh nhân ung thư hàng tuần tại đây. Khi được hỏi "có biết một nhóm các cô chú mình xăm trổ, chuyên nấu cháo miễn phí và phát cháo cho bệnh nhân nghèo vào các chiều thứ 3 và thứ 7 không?", trưởng nhóm nở nụ cười cho biết: "Nhóm nấu cháo của cô Hương đúng không? Đúng là nhóm cô Hương chuyên phát cháo vào chiều thứ 3, thứ 7. Nhóm bọn mình đến trước, chắc khoảng 10 phút nữa nhóm cô ấy đến sau".
Khoảng 5 phút sau, một chiếc ô tô đen từ từ tiến vào phía bếp ăn của bệnh viện, mọi người có mặt nhanh chóng nhận ra "người quen", hồ hởi chỉ cho chúng tôi: "Xe chở cháo của các cô chú có hình xăm đấy!".
Bước xuống xe là hai người đàn ông, một người có gương mặt hơi khắc khổ, màu thời gian in đậm sự từng trải, vất vả; anh còn lại trẻ hơn, béo hơn người đàn ông kia. Cả hai đều có những hình xăm lớn trên cơ thể.
Thùng cháo vừa được bê ra khỏi cốp xe, mùi cháo thịt thơm phức đã bay ra, kích thích dạ dày của mọi người vào thời điểm cuối chiều. Hai người đàn ông nhanh chóng bê thùng cháo đến bàn, tháo dây, mở nắp để chuẩn bị phát cháo cho các bệnh nhân. Tất cả các hành động được hai người đàn ông khỏe mạnh thực hiện thoăn thoắt, như một thói quen đã thành thông lệ mỗi tuần.
Người đàn ông có nước da ngăm đen, đầu lấm tấm hai thứ tóc là anh Phạm Anh Tuấn - một thành viên tích cực của nhóm. Theo anh Tuấn, nhóm "Hướng thiện" được thành lập từ năm 2011 do anh Đỗ Minh Hòa, một người từng lĩnh án tù, làm trưởng nhóm. Hơn 20 thành viên từng có quá khứ tù tội được anh Hòa, giờ đã là doanh nhân thành đạt, tạo công ăn việc làm tại nhà hàng, hồ câu và cửa hàng cho thuê xe của gia đình anh. Anh Tuấn cho biết: "Hôm nay, anh Hòa bận việc nên không đến để cùng mọi người phát cháo miễn phí cho các bệnh nhân được. Nhưng có chị Hương - vợ anh Hòa - và cậu con trai đi cùng chúng tôi".
Đi theo sau hai người đàn ông là một phụ nữ ngoài 30 tuổi. Chủ động bắt chuyện, chúng tôi được biết đó chính là chị Hương (34 tuổi) mà anh Tuấn vừa nhắc tới. Chị Hương là người trực tiếp hàng tuần dậy từ sáng sớm, chuẩn bị nguyên liệu nấu cháo cho bệnh nhân tại viện K2 vào thứ 3 và thứ 7. Chúng tôi thấy chị Hương đang dùng cây lô hội xoa vào bàn tay trái đỏ rát, chị cho biết: "Hôm nay nấu cháo, trong lúc quấy cháo sơ suất nên bị bỏng nhẹ".
Vừa dứt câu nói thì bệnh nhân bắt đầu đến khá đông, chị hẹn phát cháo xong sẽ tiếp tục cuộc trò chuyện.
Nắp thùng cháo vừa mở, khói tỏa hương thơm nghi ngút. Chị Hương cùng các thành viên trong nhóm nhanh chóng múc từng ca cháo vào cặp lồng, bát nhựa cho bệnh nhân đứng đợi. Chưa đầy 15 phút sau, thùng cháo hết veo, mọi người phải nghiêng thùng để múc những thìa cháo cho bệnh nhân cuối cùng.
Chia sẻ về lý do nấu cháo phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại đây, chị Hương cho biết: “Một lần mẹ chồng tôi nằm viện, các anh em thay nhau chăm sóc, tôi ở viện chăm mẹ chồng trong khoảng 15 ngày. Trong thời gian đó, tôi thấy nhiều bệnh nhân rất khổ, rất đáng thương. Tôi cũng thấy có một người đến phát cháo, một tuần có 1 buổi thôi. Người ta mời bệnh nhân ăn cháo thì thấy họ rất quý, ai cũng hồ hởi trân trọng đón bát cháo. Tối đó, tôi về nhà nói chuyện với anh Hòa – chồng tôi là: “Em thấy trong viện họ khổ lắm mà họ đón nhận bát cháo rất quý, hay mình cũng phát cháo cho bệnh nhân nghèo, gọi là chia sẻ với họ một bữa cơm”. Lúc đó chồng tôi đồng ý luôn và hỏi là: “Thế ai nấu?”. Tôi nói: “Em sẽ tự tay nấu và tự tay đi phát, em sẽ đảm nhiệm việc này cho anh.”. Thế là chỉ 3 ngày sau, nồi cháo đầu tiên đã ra đời. Tôi còn nhớ như in ngày hôm đó là 29/6/2011”.
Nhớ những ngày đầu tiên đến phát cháo, những người trong nhóm không quên được ánh mắt có gì đó ngại ngùng của người bệnh. Thời gian đầu, chị Hương và mọi người phải mang cháo vào từng phòng để phát cho bệnh nhân. Tuy nhiên, về sau, mọi người đã quen dần. Sau đó, cứ mỗi chiều, khi nhóm mang cháo đến thì chỉ cần đặt ở bàn là các bệnh nhân tự động đến xếp hàng để lấy cháo mang về.
Chị Hương vui vẻ cho biết: "Càng về sau mọi người càng quen. Sau lần đầu tiên ăn cháo, cháo ngon nên mọi người hồ hởi lắm. Hơn nữa, khi nhìn những hình xăm của mấy anh này, có vẻ như mọi người "ngoan" hơn, xếp hàng trật tự hơn. (Cười) Đấy cũng là một cái lợi thế!".
Bác Hoàng Thị Thường (67 tuổi) quê ở Tân Yên, Bắc Giang, đang chăm sóc người con trai bị bệnh nằm điều trị tại viện từ năm 2006, đến nay đã được 7 năm. Những đợt điều trị kéo dài của con trai khiến kinh tế gia đình bác Thường càng kiệt quệ, phải "cắm sổ đỏ, vay ngân hàng triền miên".
Lấy được âu cháo nóng từ chỗ chị Hương, bác Thường nhanh chóng mang cháo về cho người bệnh đang nằm ở phòng. Chia sẻ về việc này, bác Thường cho biết: "Đến lấy cháo của nhóm từ thiện đã thành thói quen, tuy không giúp đỡ được nhiều cho kinh tế của chúng tôi nhưng đó là sự động viên, an ủi rất lớn đối với gia đình các bệnh nhân. Chúng tôi - những bệnh nhân nghèo - rất biết ơn các cô chú có hình xăm phát cháo miễn phí mấy năm nay".
Khi được hỏi “Hoạt động cũng được 2 năm rồi, chị có bao giờ nghĩ mình sẽ dừng việc nấu cháo ở một thời điểm nào đó trong tương lai không?”, chị Hương chia sẻ: “Chúng tôi tâm nguyện sẽ làm việc này đến khi nào bệnh nhân không cần đến mình nữa thì thôi, không ra nhận cháo của mình nữa thì mình nghỉ, mình chuyển đi viện khác. Chừng nào bệnh nhân họ vẫn đón nhận, phát ngày nào cũng hết thế này thì mình vẫn cứ phát”.