Nhiều người trẻ gặp khó khăn tâm lý cần được điều trị

23-11-2024 15:21 | Đời sống
google news

Đó là chia sẻ của TS. Lê Nguyên Phương, chuyên gia tâm lý học giàu kinh nghiệm tại chương trình "Ngày hội an lạc" dành cho cộng đồng từ 18 đến 40 tuổi, nhằm hỗ trợ tâm lý và phát triển tinh thần cho những người đang gặp tình trạng căng thẳng, lo âu và trầm cảm.

Theo TS. Lê Nguyên Phương, nhiều bạn trẻ, trong đó có Gen Z chịu nhiều áp lực, stress cuộc sống dẫn đến các khó khăn về tâm lý. Họ có thể gặp những khổ đau, ám ảnh thường xuyên, đẩy họ vào các cơn giận dữ, đau khổ, thậm chí là trầm cảm.

Nhiều người trẻ gặp khó khăn tâm lý cần được điều trị- Ảnh 1.

TS. Lê Nguyên Phương chia sẻ về khái niệm an lành và các khó khăn tâm lý của giới trẻ.

Nguyên nhân có thể xuất phát từ nhiều yếu tố như từ các xung đột trong cách dạy dỗ, quan niệm sống của cha mẹ đối với con cái, của nhà trường thầy cô và học trò hay quan hệ luyến ái mà các bạn đã va vấp đầu đời. Nó cũng có thể đến từ các quan niệm sống mang tính chất tiêu cực, cứng nhắc, tuyệt đối. Đặc biệt là suy nghĩa bản thân không có giá trị nhưng phải vươn lên để làm tất cả mọi việc một cách hoàn hảo. Áp lực và khoảng cách giữa tự đánh giá bản thân và kỳ vọng của những người xung quanh tạo nên gánh nặng trong cuộc sống. Khi không giải quyết được, cơn lo âu ngày càng tăng dẫn đến trầm cảm.

"Đáng buồn hơn, tâm trạng lo âu, trầm cảm có thể cản trở thành công trong quan hệ và công việc của các bạn trẻ. Nặng hơn là dẫn đến các hành vi tự hại như cắt tay, cắt chân. Thậm chí nhiều bạn cùng quẫn đến mức cho rằng ngoài kia không còn ai yêu thương mình để dẫn đến hành vi tự sát. Đây không chỉ là vấn đề xảy ra ở Việt Nam mà ở tất cả các quốc gia. Nghiên cứu mới đây cho thấy, giới trẻ Gen Z bị tình trạng rối loạn cảm xúc tăng cao hơn trước đây", TS. Lê Nguyên Phương nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, trong thời gian vừa qua, từ "chữa lành" (healing) đã được dùng khá nhiều. Khái niệm healing đến từ các vết thương thể chất hơn là tinh thần. Khi sử dụng vào lĩnh vực tâm lý học, nếu chỉ là cảm giác bất an, khó chịu thoáng buồn vui thì ai cũng có thể gặp phải. Đó là cảm giác tự nhiên và không cần chữa lành.

Tuy nhiên, khi có các trạng thái cảm xúc xuất phát từ các chấn thương nặng nề hơn và tái diễn nhiều lần, đặc biệt là đi kèm với các triệu chứng về thể lý thể hiện sự chấn thương tâm lý thì cần chữa lành. Các triệu chứng chấn thương có thể như chỉ cần nghe một bản nhạc hay ngửi thấy mùi hương những kỷ niệm đau đớn thủa nhỏ lại ùa về khiến người đông cứng lại, đau đầu, nôn mửa…

Nhiều người trẻ gặp khó khăn tâm lý cần được điều trị- Ảnh 2.

Các bạn trẻ chia sẻ tại Ngày hội an lành.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, không phải bạn trẻ nào cũng có đủ tài chính để tìm đến các chuyên gia tâm lý nhằm tham vấn, điều trị đúng cách. Vì thế, các chương trình hỗ trợ tâm lý được xây dựng bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản giúp mang đến các giá trị tích cực cho cộng đồng. Như tại chương trình Ngày hội an lạc mở ra một không gian an toàn và hỗ trợ cho các bạn trẻ có thể chia sẻ, lắng nghe và tìm kiếm sự an lạc trong tâm hồn.

Tại đây, họ có các hoạt động đồng cảm, chia sẻ và lắng nghe câu chuyện của nhau trong không gian an toàn, sau đó thực hành các bài tập mang tính khoa học giúp tăng cường sự nhận thức về cơ thể và nuôi dưỡng bình an nội tại.

Hoạt động này góp phần mang lại sự chuyển biến tích cực cho các bạn trẻ, giúp họ vượt qua khó khăn và hướng đến cuộc sống bình an, hạnh phúc hơn. Những trường hợp nặng sẽ được tham vấn và chuyển đến bệnh viện để được điều trị tâm lý sâu hơn.

Thu Hiền


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn