Nhiễm độc da do thuốc là những biểu hiện rất thường gặp, đặc biệt ở những trường hợp dùng thuốc không đúng chỉ định, không theo hướng dẫn. Loại nhiễm độc này có thể nhẹ và sẽ khỏi sau khi ngừng thuốc, nhưng cũng có trường hợp nhiễm độc nặng gây tử vong.
Biểu hiện nhiễm độc
Biểu hiện trúng độc da thường gặp nhất là hồng ban (45%), mề đay, phù mạch (23%), hồng ban sắc tố cố định tái phát (5,4%), hội chứng Stevens-Johnson (4%), nhạy cảm sáng (3%). Bệnh thường xảy ra ở người lớn tuổi, nhất là phụ nữ: do chuyển hóa thuốc giảm, chậm đào thải. Đa số các trường hợp có phản ứng nhẹ, thường kèm ngứa. Triệu chứng giảm nhanh sau khi ngưng thuốc. Tuy nhiên, có thể nặng, đe dọa tính mạng bệnh nhân và không tiên đoán được.
Hồng ban - Một dạng nhiễm độc thuốc. |
Các loại nhiễm độc da
Phát ban dạng dát sẩn: Là loại nhiễm độc thường gặp nhất. Hầu hết các loại thuốc đều có thể gây phát ban này, nhưng thường nhất là sulfamide và ampicilline. Phát ban ampicilline thường xuất hiện ngày thứ 5 sau khi dùng thuốc (nhưng cũng có thể sớm hơn hoặc muộn hơn), tần suất khoảng 5% và tăng hơn khi có những yếu tố thuận lợi như: nhiễm bạch cầu đơn nhân (50 - 100%); lymphome (50 - 80%); nhiễm virut (15%); phát ban dát sẩn lành tính gặp 1 - 4% bệnh nhân điều trị với sulfamide; một vài phát ban có thể tiến triển thành hoại tử thượng bì độc hoặc đỏ da.
Mề đay và phù Quincke: Các thuốc gây bệnh này là penicilline, aspirin, allopurinol, aminoglycosides, barbiturate, chlorpromazine, griseofulvine, hydantoine.
Hồng ban sắc tố cố định: Đa số thuốc gây bệnh này là các thuốc hạ nhiệt, barbiturique, phenolphtaleine, sulfamide, tetracycline. Đôi khi không rõ loại thuốc nào. Sau khi uống thuốc, trên một hay nhiều vùng da của cơ thể bệnh nhân xuất hiện một hay nhiều dát màu đỏ thẫm. Lúc đầu ngứa, sau đó nổi những dát hồng ban hình tròn hoặc bầu dục, giới hạn rõ. Có thể trở thành sẩn phù màu tím hơi đen hoặc nổi bóng nước chứa dịch trong.
Hồng ban đa dạng: Các loại thuốc gây ra bệnh là pyrazolés và thuốc chống viêm không stéroide khác, sulfamide, barbituriques, hydantoines, penicilline. Tổn thương có tính chất viêm, cấp tính.
Đỏ da toàn thân tróc vẩy: Mặc dù hầu hết bệnh nhân đều có những triệu chứng lâm sàng giống nhau, nhưng yếu tố gây bệnh này thì rất nhiều, một số loại thuốc có thể gây ra đỏ da toàn thân. Rất khó có thể xác định được nguyên nhân gây bệnh vì không có thử nghiệm cận lâm sàng, còn thử nghiệm gây ra phản ứng lại thì có chống chỉ định. Thuốc thường gây ra bệnh là: barbituriques, sulfamide, kháng sốt rét tổng hợp.
Chàm: Thuốc gây ra phát ban dạng chàm có rất nhiều, một vài loại có thể được gợi ý như penicilline, streptomycine, sulfamide, thuốc chống sốt rét,… nhất là thuốc kháng histamin.
Ban xuất huyết: Là do các loại thuốc ACTH, allopurinol, barbituriques, chloroform, chlorothiazid, corticosteroide, coumarin, penicilline, quinidine, sulfamide.
Mụn trứng cá: Nguyên nhân thường gây ra phát ban mụn trứng cá là do sử dụng thuốc corticoide. Phản ứng này có thể do thoa thuốc tại chỗ, dưới da hoặc toàn thân.
Sử dụng lâu dài những sản phẩm có chứa corticoide sẽ gây ra sự thay đổi ngoài da rất rõ như: teo da (atrophy), vết rạn (vergeture), ban xuất huyết, giãn mạch, giảm sắc tố.
Sự thay đổi về sắc tố: Sự lắng đọng của thuốc có thể gây tăng sắc tố nhất là đối với kim loại nặng như vàng, bạc, bismuth, thủy ngân; thuốc kháng sốt rét gây vàng da hay xám đen; thạch tín vô cơ tạo những sắc tố lan tỏa; zidovudine (điều trị AIDS) làm tăng sắc tố da và móng.
Tăng sắc tố da còn do sự nhạy cảm ánh sáng. Bệnh viêm da dị ứng ánh sáng (photoallergic dermatitis) là một bệnh viêm da dị ứng do một chất nhạy cảm ánh sáng cùng với sự phơi bày ra ánh sáng ở một bệnh nhân nhạy cảm. Nếu chất gây nhạy cảm ánh sáng tác động bên trong được gọi là photo drug dermatitis. Nếu tác động bên ngoài được gọi là photocontact dematitis. Thay đổi về sắc tố da có thể gặp ở một số thuốc như: thuốc kháng sốt rét tổng hợp, phenothiazin, sulfamide, hydantoine, thuốc ngừa thai, psoralen, minocylin, tetracyline.
Hồng ban nút: Thuốc gây ra hồng ban nút cũng có thể rất nhiều, ví dụ như aspirin, kháng viêm không steroide, sulfamide,…
Teo và xơ teo da: Tổn thương thường tại chỗ: do corticoide tại chỗ, tiêm insulin tại chỗ tiêm, vitamin K1.
Tổn thương toàn thân: bêta bloquants, lithium.
Phát ban dạng vảy nến, Lichen: Một vài loại thuốc có thể làm khởi phát hoặc làm nặng thêm bệnh vảy nến như thuốc chống viêm không steroides, bêtabloquants, lithium,… do làm giảm hoạt tính của adenylcyclase và làm nặng thêm sự mất thăng bằng của nucléotides vòng ở lớp thượng bì vảy nến.
Hoại tử da do Coumarin: Hiếm gặp và là biến chứng nặng do sử dụng chất chống đông như coumarine. Thường xảy ra ở phụ nữ.
Một vài phát ban đặc biệt
Ban brôm: Có trong thuốc ho, an thần, chống ngứa.
Ban iốt: Có thể gặp trong khi dùng các thuốc bướu cổ, cản quang, suyễn, xơ cứng động mạch.
Nhiễm arsenic: Do uống thuốc viên asiatic, uống dung dịch fowler (fowler solution) trong điều trị vảy nến, động kinh, suyễn, sốt cao, viêm da; uống nước có lượng lớn arsenic; thợ thuyền làm trong xí nghiệp phân bón, thuốc diệt côn trùng.
Điều trị và phòng bệnh Ngưng tất cả những thuốc nghi ngờ là tác nhân gây bệnh. Xử trí các vấn đề có liên quan đến tổng trạng, toàn thân. Nếu có choáng phải xử trí ngay. Chống nhiễm trùng tại chỗ hay toàn thân. Vitamin C liều cao cần thiết cho mọi trường hợp. Dùng kháng histamin uống nếu ngứa nhiều. Dùng thuốc corticoide trong trường hợp nặng (Stevens - Johnson). - Phòng bệnh cấp 1: Bệnh nhân trong gia đình có người đã bị nhiễm độc thuốc nên cẩn thận khi dùng thuốc dù mới lần đầu. Khi dùng thuốc có chỉ định: cần kiểm tra huyết đồ, chức năng gan, G6PD. - Phòng bệnh cấp 2: Khi bệnh nhân bị nhiễm độc thuốc cần ngưng ngay những thuốc nghi ngờ; thận trọng khi dùng thuốc; chỉ dùng những thuốc thật cần thiết. - Phòng bệnh cấp 3: Trường hợp nặng, tỏa lan và biến chứng vào nội tạng phải được điều trị và theo dõi tại cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu. Cách dự phòng tốt nhất là không nên dùng thuốc bừa bãi vì ngoài tác dụng trị bệnh, thuốc còn có tác dụng độc hại. |
|