Nhân viên chăm sóc tại nhà - Điểm tựa cho người có HIV

26-02-2009 15:51 | Tin nóng y tế
google news

Vừa đi tiếp cận với các thân chủ về, T. đang định dọn cơm ăn thì lại có chuông điện thoại: "Chị ơi, em đang bị sốt, chị có thể đến với em được không?".

Vừa đi tiếp cận với các thân chủ về, T. đang định dọn cơm ăn thì lại có chuông điện thoại: "Chị ơi, em đang bị sốt, chị có thể đến với em được không?". Không chút ngần ngại, T. lại xách túi chăm sóc và lên đường đến với thân chủ của mình. Họ đang cần mình.

 Trao quà Tết cho người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán.
T. là một phụ nữ đang chung sống với HIV. Cô tham gia làm nhân viên chăm sóc tại nhà của dự án "Mạng lưới chăm sóc, hỗ trợ tại cộng đồng cho người có HIV và trẻ mồ côi, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS" huyện Đông Triều (Quảng Ninh) từ tháng 8/2008. Hằng ngày, T. đến gặp những người có HIV khác để tư vấn, hướng dẫn các kiến thức về HIV/AIDS, hướng dẫn cách bảo vệ và giữ gìn sức khỏe,... giúp thân chủ của mình sống tích cực hơn. Đối với thân chủ của mình, T. vừa là một người bạn tâm tình, vừa là người chăm sóc sức khỏe cho họ và hỗ trợ họ đến với các cơ sở điều trị khi cần thiết. Cô cho biết: "Những người có HIV thường rất sợ bị mọi người kỳ thị nên họ thường không bộc lộ, thậm chí là giấu tình trạng bệnh của mình. Mình là người cùng cảnh ngộ nên họ dễ nói chuyện hơn, tin tưởng và thổ lộ những khúc mắc mà họ không biết chia sẻ cùng ai".

Công việc là vậy, nhưng để đến được với thân chủ cũng chẳng mấy dễ dàng. Bạn L., cũng là một nhân viên chăm sóc tại nhà, tâm sự: "Khó nhất là khi tiếp cận với những thân chủ có điều kiện kinh tế khá giả hoặc những người là cán bộ công chức, viên chức..., họ thường không muốn công khai tình trạng bệnh của mình (vì sợ người ngoài biết). Bởi thế, có thân chủ, mình phải đi lại rất nhiều lần. Tuy vậy, cũng có người đón tiếp mình rất thân tình và coi mình như người thân trong gia đình, chính họ lại là người giúp mình có thêm nghị lực để làm việc". L. "bật mí", để làm được công việc này đòi hỏi các nhân viên chăm sóc tại nhà phải có lòng nhiệt tình và rất kiên trì.

Được biết, Đông Triều là huyện có số dân đông nhất tỉnh Quảng Ninh. Đến nay, 100% số xã, thị trấn của huyện đã có người nhiễm HIV. Có đến hơn 60% số người nhiễm HIV tập trung vào 7 xã, thị trấn dọc theo tuyến quốc lộ 18 như: thị trấn Đông Triều, thị trấn Mạo Khê, xã Yên Thọ, xã Kim Sơn, xã Hưng Đạo, xã Hoàng Quế. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người có HIV và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV, HESDI đã phối hợp với Trung tâm y tế huyện Đông Triều triển khai dự án "Mạng lưới chăm sóc, hỗ trợ tại cộng đồng cho người có HIV và trẻ mồ côi, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS" với sự tài trợ của Chương trình PEPFAR và PACT Việt Nam. Từ tháng 5/2008 đến nay, dự án đã thiết lập được 5 nhóm chăm sóc tại nhà với 17 thành viên, họ cung cấp dịch vụ như: chăm sóc các triệu chứng nhiễm trùng cơ hội, hướng dẫn cách vệ sinh phòng bệnh, hướng dẫn tuân thủ dùng thuốc, tư vấn và hỗ trợ dinh dưỡng, giới thiệu tiếp cận điều trị ARV, hỗ trợ tuân thủ điều trị, giới thiệu chuyển tuyến,... Đồng thời, tăng cường củng cố liên kết cộng đồng trong chăm sóc, hỗ trợ người có HIV và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV.

Nói về hoạt động của các nhân viên chăm sóc tại nhà, anh H., một thân chủ cho biết: "Các anh chị ấy đã phần nào giúp những người như chúng tôi có thêm nghị lực, niềm tin vào cuộc sống. Được quan tâm, chăm sóc, chúng tôi như có thêm một điểm tựa để vươn lên sống có ích hơn”.
 
 P.Hà

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn