Nhân ngày tựu trường

22-09-2013 08:27 | Văn hóa – Giải trí
google news

Thế hệ "cổ lai hy "chúng tôi thường bùi ngùi nhớ lại những ngày bắt đầu cắp sách đến trường vào tuổi thơ trong sáng. Mùa hè, nghe tiếng ve kêu, thấy hoa xoan tây đỏ rực là khấp khởi mừng sắp được nghỉ ngơi thoải mái.

Thế hệ "cổ lai hy "chúng tôi thường bùi ngùi nhớ lại những ngày bắt đầu cắp sách đến trường vào tuổi thơ trong sáng. Mùa hè, nghe tiếng ve kêu, thấy hoa xoan tây đỏ rực là khấp khởi mừng sắp được nghỉ ngơi thoải mái. Thu đến, ngoài phố thấy các bà gánh cốm xanh và hồng đỏ thì vừa mừng vừa lo. Mừng sắp tới ngày tựu trường được gặp lại bạn bè, lo phải bắt đầu một năm học mới, không biết bài vở có gì khó hơn năm ngoái?

Những người thời Pháp thuộc đã học hết bậc thành chung, khi thấy con cái tựu trường thường nhớ đến bài học thuộc lòng ở các trường Pháp - Việt. Đó là bài La rentrée des classes (Ngày tựu trường) của Anatole France. Trong bài, tác giả gợi lại hình ảnh mùa thu ở vườn Luxembourg tại Paris, khi "lá rơi từng chiếc, từng chiếc trên đôi vai trắng của những bức tượng". Khi tới Paris lần đầu, tôi đã nhờ chị bạn Liliane, trước là vợ phóng viên báo L’Humanité ở Hà Nội dẫn cho đi xem vườn Luxembourg với những bức tượng trắng. Tôi nhờ nhà thơ Võ Quảng, chuyên viết cho thiếu nhi dịch bài Ngày tựu trường. Đây là bản dịch của anh:

Ngày tựu trường

Tôi xin kể các bạn nghe những gì làm tôi nhớ lại, hàng năm, bầu trời bị khuấy động vào lúc thu sang, những bữa ăn tối bên cạnh ngọn đèn, những đám lá ngả vàng trên cây run rẩy. Tôi xin nói các bạn biết những gì tôi thấy khi tôi đi ngang qua vườn Luxembourg, trong những ngày đầu tháng mười. Cảnh vật buồn buồn nhưng đẹp hơn bao giờ hết, vì đó là lúc những lá rơi từng chiếc, từng chiếc, trên đôi vai trắng của những bức tượng. Cảnh tôi thấy lại ở vườn Luxembourg là một chú bé hai tay đút túi, cặp sách trên lưng, đang đi đến trường, vừa đi vừa nhẩy như con chim sẻ. Chỉ có trí nhớ của tôi mới thấy được chú, vì lẽ chú chỉ là một cái bóng của tôi cách đây 25 năm về trước.

Quả thật là chú bé đã khiến tôi phải quan tâm. Thời chú đang sống, tôi chả bao giờ để ý. Nhưng nay chú không còn nữa, tôi bắt đầu rất yêu chú. Chú nghịch ngợm nhưng không hung hãn. Tôi phải công nhận điều này cho chú, vì chú không hề để lại trong tôi một kỷ niệm xấu xa nào cả. Lẽ dĩ nhiên là tôi tiếc thương chú, hình ảnh của chú hiện lại trong tôi và tôi rất thích làm sống lại những kỷ niệm về chú.

Cách đây 25 năm, trước lúc 8 giờ, chú đi qua vườn hoa xinh đẹp này để đến lớp. Tim chú có phần thắt lại vì đó là ngày tựu trường. Nhưng chú vẫn tung tăng tiến bước, sách vở trên lưng, con quay trong túi. Ý nghĩ sẽ được gặp lại các bạn làm chú vui vui. Có bao nhiêu điều sẽ được nghe, được thổ lộ. Có cần phải biết rõ là bạn Laboriette thực sự đã đi săn thú ở rừng Đại Bàng không? Chú có cần phải trả lời là chính chú đã cưỡi ngựa ở rừng Ô-véc-nhơ không? Khi người ta đã làm được một việc tày trời như vậy, đâu phải để giấu kín! Như vậy, thú vị biết bao khi được gặp lại các bạn. Cứ vậy, chú bé đi ngang qua vườn Luxembourg giữa một sáng mát trời. Những điều chú bé từng thấy trước kia, nay tôi lại thấy. Cũng bầu trời ấy, cũng mặt đất ấy, mọi vật đều có linh hồn xưa kia của nó. Những linh hồn đó từng làm tôi vui, tôi buồn, làm tôi xao xuyến. Chỉ chú bé là không còn nữa. Cũng vì lẽ đó mà khi càng có tuổi, tôi càng chú ý đến Ngày tựu trường!

Nhà văn Anatole France (1844-1924) đã có một thời oanh liệt, vào đầu thế kỷ 20 được coi là một "văn phiệt" quốc tế, là "lương tâm của nhân loại". Năm 1921, ông được giải Văn chương Nobel. Sáng tác của ông đa dạng (tiểu thuyết lịch sử, truyện triết học, truyện biểu tượng, luận văn, phê bình...) phản ánh ba hướng chủ yếu: tìm hiểu và ngưỡng mộ văn hóa cổ điển Hy Lạp - La Mã, thừa kế và phát triển lý tưởng của thế kỷ Ánh Sáng, tư tưởng bi quan (về phận người) được chủ nghĩa hoài nghi và tình thương làm dịu bớt. Văn phong của ông điển hình cho sự trong sáng, súc tích và óc logic của người Pháp. Khi Nguyễn Ái Quốc bắt đầu viết báo và viết văn ở Pháp, Người coi Anatole France là bậc thầy.
 
Về tư tưởng, ông bi quan về thân phận con người, ông hoài nghi cho là con người không biết được chân lý (bất khả tri), không khôn ngoan lên được, lịch sử tuần hoàn, đâu lại vào đấy! Cuộc đời chẳng qua là một giấc mộng đáng buồn. Ông dùng vũ khí mỉa mai để giễu cợt cái ngu, cái ác, cái lố lăng. Nhưng mọi người đều là những kẻ bị đau khổ, do đó phải thương nhau. Người có đạo lý phải là một nghệ sĩ biết hưởng những niềm vui mong manh để quên cái chua xót của phận người. Anatole France, người vô thần kiên quyết lên án những cuồng tín tôn giáo và chính trị nhân danh một chân lý mà loài người không bao giờ nắm được, do đó dễ gây tủi nhục đau thương.
 
Về phương diện chính trị, ông cho tự do là của cải quý nhất. Nhưng tự do chỉ là một từ vô nghĩa chừng nào một giai cấp này còn đàn áp một giai cấp khác. Ông mong chủ nghĩa xã hội thành công nhưng lại e ngại bạo lực. Ông có một thời oanh liệt như vậy mà ngày nay A.France lại ít độc giả, có lẽ vì tư duy trầm lắng của ông không hợp với nhịp sống hối hả hiện đại. Nhưng cách đây mấy năm, nhà xuất bản CoDa đã tái bản mấy tác phẩm của ông và nhận định là ông vẫn "hiện đại", là một nhà văn "cần khám phá lại", một nhà văn chống công thức, sâu sắc và mỉa mai, yêu chuộng trí tuệ.

Hữu Ngọc


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn