Vào những tháng mùa mưa Nam bộ, khi Đà Lạt trái vụ khoai tây nên thị trường khan hiếm, giá bán cao, người bán thường "phù phép" cho khoai tây Trung Quốc trở thành hàng Đà Lạt bằng cách dùng đất đỏ bao thành một lớp áo bên ngoài củ, để thu lợi từ chênh lệch giá.
Tuy nhiên, theo những người kinh doanh rau quả tại Đà Lạt, không quá khó phân biệt hai loại khoai tây này.Đặc điểm dễ nhận biết nhất là vỏ khoai tây Đà Lạt mỏng hơn nên thường bị trầy xước nhiều ngay khi thu hoạch và trong quá trình đóng hàng, vận chuyển. Khoai tây Trung Quốc có kích cỡ củ rất đều, gần như tuyệt đối 10 củ như một, củ thường dài hơn khoai tây Đà Lạt, vỏ khoai trơn bóng, ít trầy xước.
Một đặc điểm nữa để nhận biết là giống khoai của Trung Quốc có mắt ở củ to hơn khoai Đà Lạt. Ruột khoai Trung Quốc cũng trắng hơn khoai nội địa.
Vi, một người cung cấp rau củ Đà Lạt cho một hệ thống siêu thị nói rằng, khi các nhân viên siêu thị nhập hàng, bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận biết đâu là khoai Đà Lạt, đâu là hàng Trung Quốc, chưa cần đến việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay chất bảo quản.
Khoai tây Trung Quốc được "áo" một lớp đất đỏ Đà Lạt để ngụy trang thành hàng nội. |
Khoai tây Đà Lạt thường bị trầy xước vì vỏ mỏng. |
Thạc sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng cho rằng, tình trạng khoai tây Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam đã có khá lâu. Sở Nông nghiệp Lâm Đồng phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng của tỉnh đã một số lần lấy mẫu khoai tây Trung Quốc đem phân tích và chưa phát hiện những hóa chất độc hại cần báo động.
"Kết quả này còn phụ thuộc vào thiết bị kiểm định. Cá nhân tôi cho rằng khoai tây Trung Quốc chắc chắn phải sử dụng đến những hóa chất bảo quản sau thu hoạch. Điều đó khoai Đà Lạt từ trước tới nay chưa có", ông Sơn nhấn mạnh.