Nhà văn Di Li: "Đi xa để biết trở về"

13-04-2010 17:08 | Văn hóa – Giải trí

Tôi gọi Diệu Linh, hay nữ nhà văn Di Li là "công dân toàn cầu" bởi chị giỏi ngoại ngữ, bởi chị "không bao giờ từ chối bất cứ một trải nghiệm nào",

Tôi gọi Diệu Linh, hay nữ nhà văn Di Li là "công dân toàn cầu" bởi chị giỏi ngoại ngữ, bởi chị "không bao giờ từ chối bất cứ một trải nghiệm nào", bởi chị đã đặt chân tới rất nhiều quốc gia, được tiếp cận và khám phá rất nhiều nền văn hóa - cả tương đồng lẫn dị biệt.

Với Di Li, những tác phẩm gây ấn tượng liên tục được “xuất xưởng” chỉ trong vài năm trở lại đây là dấu cộng của những chuyến đi, những hành trình lặng lẽ khám phá... Để "thăm thẳm giấc mơ dấn thân và trở về yêu thương ngôi nhà gần gũi của chính mình" - như nhà văn Lê Thiếu Nhơn từng nhận xét.

 Nhà văn Di Li. Ảnh: Dân Hùng 

Di Li từng chia sẻ: "Tôi là người ưa chuyển dịch. Những chuyến đi xa luôn là nguồn cảm xúc vô tận và kỳ ảo. Khi đắm chìm trong nó, tôi mới thấy mình thực sự là mình".

Tôi đã làm một việc rất lẩn thẩn. Đó là liệt kê thử những miền đất lạ cô đã từng đi qua, được tái hiện dưới một góc nhìn thú vị trong tập bút ký cỡ ba trăm trang mang tên Đảo thiên đường. Loanh quanh mấy quốc gia Đông Nam Á láng giềng có Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Brunei... Cùng chung cái nôi "chữ tượng hình" có Trung Hoa, Hàn Quốc... Xa xôi nơi lục địa già có Hà Lan, Pháp, Thụy Điển, Phần Lan, Liên bang Nga...

Cây bút thành công ở thể loại tiểu thuyết trinh thám kinh dị tâm sư: "Cứ trung bình một năm hai lần, tôi lại xách vali lên máy bay như một thói quen khó bỏ, sau khi mò mẫm trên mạng và phát hiện một chân trời thú vị đang thúc giục mình khám phá. Đi công tác - có và du lịch bằng tiền túi tự bỏ ra cũng có".

Không chỉ sáng tác văn chương, Di Li còn là một cây bút quen thuộc của nhiều tờ báo. Vì thế, những sắc màu văn hóa rực rỡ, lạ lẫm đến hút hồn; những nẻo đường viễn du chứa đựng bao yếu tố đầy bất ngờ; những con người hấp dẫn; những điểm đến mà sẽ là một phần khuyết thiếu nếu suốt cuộc đời này ta chưa được ghé qua... tất cả được phản chiếu qua một lăng kính rất lạ, "với sự thu nạp của một nhà báo và sự suy tư của một nhà văn".

Chỉ cần đọc tựa đề những ghi chép của Di Li, độc giả sẽ có ngay những cảm nhận thú vị. Điểm đến 3 chữ S, Nghệ thuật bán hàng của người Trung Quốc, Hồng Kông không ngủ, Macau - Thiên đường của ai?... Rồi Nạn ăn cắp vặt bên trời Âu, Những cánh đồng đang sống, Qua trái tim của châu Âu và Cuộc sống nơi hải ngoại có phải là thiên đường?...

Vốn sống dày lên mỗi ngày. "Đi ngày đàng, học sàng khôn", không phải để vỗ ngực khoe khoang, cũng chẳng để dè bỉu chê bai, khi nhìn về mảnh đất quê hương còn nhiều khốn khó - như một bộ phận nhỏ những người trẻ hôm nay. Lang thang, trong một tour du lịch sang trọng hay khoác ba lô đi bụi như một dân "phượt" chính hiệu, Di Li đều tận dụng tối đa mỗi chặng hành trình, để cảm nhận và hạnh phúc tràn trề với từng hiểu biết vô giá vừa gom góp được.

Vốn sống ấy sẽ chảy tràn trên mỗi trang viết, khi chuyến đi đã kết thúc. Đi để thêm nhớ, thêm yêu đất nước mình. Để "chết thèm" một tô phở, một bát bún riêu hay một ly chè long nhãn. Và hơn thế nữa, sau mỗi chuyến đi dài, như chính cô trải lòng, "đi đâu thì đi, tôi không thể sống đâu khác ngoài Việt Nam. Và ở Việt Nam, không thể sống đâu ngoài Hà Nội. Bởi Hà Nội luôn cháy rực nỗi nhớ quay quắt trong tôi khi đến một phương trời xa. Và tôi luôn thầm gọi, Hà Nội ơi - hồn phố". 

Huyền Nga


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn