(SKDS) - Tôi có cảm giác rằng hầu như tất cả những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, những người ở độ tuổi 60-70 khi nhắc đến Vũ Từ Trang thì đều như đã biết, đều như đã quen. Có người thân, thậm chí rất thân. Tùy vào hoàn cảnh tiếp cận, nhận biết nhưng tất cả mọi người đều chung nhận xét, anh là một con người tử tế. Vợ chồng anh rộng tính nên bạn bè thường hay đến chơi. Trong cuộc sống hối hả, luôn phải toan tính hôm nay, người như Trang quả là đáng quý.
Một lần đến chơi nhà Trang ở đường Bạch Mai, tôi gặp nhà dịch giả nổi tiếng từ những năm 60 của thế kỉ trước - Dương Tất Từ. Lúc ấy, tôi thấy ông Từ có mang theo một cái lọ con nhỏ như lọ pênicilin nói xin Trang ít dầu để sửa lồng chim. Nhà dịch giả văn học Tiệp Khắc này có thú chơi lồng chim mà không nuôi chim. Tôi thấy vợ chồng Trang cứ ra ra vào vào mà chiếc lọ thì vẫn trên bàn. Tưởng họ quên, tôi định nhắc thì lúc sau vợ Trang mang ra một chai dầu khá to, kèm thêm một chiếc chổi quét sơn... Thấy nhiều quá, ông Từ nói không dám nhận. Nhưng vợ chồng Trang cứ móc chai dầu vào ghi đông xe đạp của ông Từ, rồi cười bảo: “Thì ông còn phải dùng nhiều lần cơ mà”.
Có một điều đáng quý ở Trang, đó là khi có bạn bè quen biết đau yếu phải nằm viện hay chẳng may ai đó bị bạo bệnh qua đời thường không bao giờ thấy vắng anh. Hình như mỗi niềm vui nỗi buồn của bạn bè như cũng là niềm vui nỗi buồn của anh. Nhớ trưa hè một ngày Hà Nội nóng cháy, vậy mà được tin chậm một bạn văn qua đời, dù đang ở rất xa nhưng anh cũng cố theo xe đò tức tốc kịp về Nhà tang lễ Phùng Hưng chỉ để mong nhìn thấy bạn lần cuối và kịp thắp cho bạn thêm một nén nhang tình nghĩa. Trong những niềm vui, nỗi buồn của bạn bè, bao giờ cũng hiện ra một dáng người dỏng cao cùng khuôn mặt lành hiền, phúc hậu, nói năng mực thước - Vũ Từ Trang.
![]() Nhà thơ Vũ Từ Trang. |
Đọc những bức chân dung bằng chữ của Vũ Từ Trang, thấy rõ tấm lòng của anh. Đúng như anh nói, tất cả những nhân vật anh viết đều có những số phận không hoàn toàn bình yên. Không thấy anh viết về những nhà văn, nhà thơ Giải thưởng Hồ Chí Minh. Có thể anh không biết, không hiểu, không rõ về họ nên anh không viết? Khi đã không rõ hoặc không yêu, không xúc động thì anh không viết. Cũng có thể những danh tiếng, quyền cao chức trọng của họ như thế, thiếu gì người sẵn sàng viết... Anh không quen “ăn theo, nói leo” những tên tuổi mà nhiều người đã quá quen thuộc, tôn vinh, đề cao... Anh càng không dám võ đoán, viết bừa, viết ẩu như có một nhà báo, nhà văn nữ cũng tên tuổi, để kịp có bài, người ấy đã từng viết rất không chính xác về bản thân anh.
Vũ Từ Trang viết về những năm tháng còn rất lận đận của Lưu Quang Vũ chứ không phải “té nước theo mưa” tên tuổi của nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa, nổi tiếng sau này. Anh viết về Tạ Vũ - nhà thơ, nhưng là một người thợ sơn vôi, thợ bốc vác cực khổ. Về Lâm “râu” - một con người có vẻ lập dị, không phải là nhà văn, nhà thơ nhưng thật hết lòng với những bạn bè văn chương thuở còn “chân đất”... Ngôi nhà Triệu Việt Vương một thời của Lâm đã là nơi luôn rộng mở mà bạn bè không thể quên... Rồi như anh từng viết, trong số bạn của Nghiêm Đa Văn, anh không phải là người thân nhất, nhưng yêu quí tài năng của Văn nên khi Văn mất, anh viết bài Đời người, bất chợt để nhớ tiếc về Văn... Vũ Từ Trang có lúc bâng khuâng tự hỏi: “Sinh thời Văn sống nồng nhiệt tới mức ồn ào với bạn bè, sao phút tiễn biệt anh lại xao xác quá”. Anh viết Liêu xiêu một đời để nhớ về Trúc Cương - một nhà thơ mà cả cuộc đời long đong chuyện vợ con, cơm áo. Đến lúc con cái nên người, có rượu ngon, nhà rộng thì tất cả đã quá muộn…
Những trang văn của Vũ Từ Trang thấm đẫm tình cảm chia sẻ, yêu thương. Và vì thế, nó đến được với trái tim người đọc.
Trong tất cả các bài viết của mình, Vũ Từ Trang không hề một lời cao giọng, phẩm bình, phê phán. Anh nhẹ nhàng, mực thước. Anh luôn hướng mọi người tới những số phận không mấy an lành. Mới đây, tôi lại được đọc thêm một bài viết cảm động của anh.Bài viết nói về nhà thơ Phương Thuý... Nhiều người chắc biết vợ chồng Tuân Nguyễn - Phương Thuý và những vất vả, trắc trở của họ. Tuân Nguyễn qua đời trong khó khăn. Dù anh là một tài năng nhưng “dính chuyện” nên không ai đả động, có chút buồn mà đành cảm thông... Nhưng khi Phương Thuý già yếu không nơi nương tựa phải vào viện dưỡng lão sống khá cô đơn, cực khổ thì không mấy ai biết. Cho đến khi Vũ Từ Trang biết tin, lăn lội tìm thăm rồi viết bài về cuộc đời hôm nay của bà, mọi người mới rõ số phận nghiệt ngã của người nữ thi sĩ đã từng nổi danh với bài Người con gái sông La từ thời chống Mỹ.
Đọc những tâm huyết của Vũ Từ Trang và gặp gỡ chính con người anh có lẽ sẽ thấy và hiểu thêm tấm lòng của anh với bạn bè và với văn chương nước ta một thời.
|