Nhà quê ra tỉnh

02-05-2010 15:34 | Văn hóa – Giải trí
google news

Xưa kia, người Hà Nội thường gọi đùa bà con ở nông thôn ra Hà thành là "nhà quê ra tỉnh" vì thấy họ ngơ ngơ ngác ngác, lạc đường quên lối.

Xưa kia, người Hà Nội thường gọi đùa bà con ở nông thôn ra Hà thành là "nhà quê ra tỉnh" vì thấy họ ngơ ngơ ngác ngác, lạc đường quên lối.

Ngày nay, dạo chơi trong thị thành "ba mươi sáu phố phường", tôi hay thấy mấy ông Tây bà Đầm đi du lịch đứng đầu phố hay ngã ba đường xì xồ với nhau. Rồi đứng ngơ ngơ ngẩn ngẩn không kém gì các cụ "nhà quê ra tỉnh". Nhưng họ có bản đồ và sách hướng dẫn du lịch nên vẫn mò được ra đường. Còn các cụ luôn miệng hỏi đường mà vẫn lạc. Vì vậy, ngày xưa, để thay cho bản đồ và sách, đã có Bài hát ba mươi sáu phố bằng thơ lục bát, cứ học thuộc lòng thì đỡ bị lạc. Người Việt vốn sính thơ, nên dùng thơ làm phương tiện nhớ, nhất là thơ lục bát. Chẳng thế mà học tiếng Tầu (Tam tự kinh) cũng dùng thơ:   

Thiên giời, địa đất, vân mây
Vũ mưa, phong gió, nhật ngày, dạ đêm...
Hay học tiếng Tây thì:
Pe-rơ tiếng gọi là cha
Me-rơ là mẹ, ông bà ay-ơ...
 Khách du lịch trên phố Hàng Bạc.

Trong cuốn Cherestomathie Annamite (Quảng tập viên văn hay An Nam văn tập) xuất bản ở Hà Nội năm 1898, nghĩa là cách đây hơn một trăm năm, ông Nordemann (tên Việt: Ngô Đế Mân) đã sưu tầm một số tri thức phổ thông về văn hóa văn học Việt. Là giáo sư trường Thông ngôn (Collège des Interprètes) đã đào tạo Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh... nên ông có ý sử dụng sách này làm sách giáo khoa. Trong đó có trích đoạn một số truyện Nôm, có bài hát ba mươi sáu phố Hà Nội như sau (phiên âm theo phương ngữ Bắc Kỳ, không theo chính tả bây giờ:

Nghìn thu gặp hội thái bình
Chải sem phong cảnh khắp thành Thăng Long
Phố ngoài bọc kín thành trong
Cửa Nam bắc giám Tây Đông rõ ràng
Ba mươi sáu mặt phố phường
Hàng Giầy hàng Bạc, hàng Ngang, hàng Đào
Người đài các, kẻ thanh tao
Qua hàng thợ Tiện lại vào Hàng Gai      
Hàng Thêu, hàng Trống, hàng Bài
Hàng Khay giở gót ra chơi Tràng Tiền
Nhác trông chẳng khác động tiên
Trên đồn cờ kéo, dưới thuyền buồm giăng
Phong quang lịch sự đâu bằng?
Dìu võng lọng, tưng bừng ngựa xe
Hàng Vôi sang phố Hàng Bè
Qua tòa Thương chính trở về Đồng Xuân
Chải qua Hàng Giấy dần dần
Cung đàn dịp phách, riêng xuân bốn mùa
Cầu Đông vẳng tiếng chuông chùa
Giăng soi giá nến gió lùa khói hương.
Mặt ngoài có phố Hàng Đường
Hàng Mây, hàng Mã, hàng Buồm hàng Chum
Tiếng Ngô, tiếng Nhắng um um
Lên lầu sem điếm tổ tôm đánh bài.
Khoan khoan chân trở gót hài
Qua hàng Thuốc Bắc ra chơi Hàng Đồng
Biết bao của báu lạ lùng
Kìa đồ bát bảo, nọ lồng ấp hương
Hàng Bừa, hàng Cuốc, ngổn ngang
Giở về Hàng Cót, dạo sang Hàng Gà
Bát Ngô (?) Hàng Sắt sem qua
Hàng Vải, Hàng Thiếc lại ra Hàng Hòm
Ơ đâu nghe tiếng òm òm 
Trống chầu nhà hát thòm thòm vui thay
Hàng Da, chợ Sắt ai bầy
Bên kia Hàng Điếu bên này Hàng Bông
Ngã Tư Cấm Chỉ đứng trông
Qua Hàng Thợ Nhuộm, thẳng dong Hàng Tàn
Đoái sem phong cảnh bàn hoàn
Bút hoa giở viết, chép bàn mấy câu:
Chải qua một cuộc bể dâu
Nào người đế,  bá,  công, hầu là ai?

Đúng 36 phố, không có phường. Sách xuất bản năm 1898, nghĩa là sau khi thực dân Pháp chính thức chiếm Việt Nam (các hiệp ước 1883, 1880) và hoàn thành về cơ bản việc bình định (phong trào Cần vương chấm dứt với cái chết của Phan Đình Phùng, 1895). Pháp có ý đồ hiện đại hoá thủ đô Hà Nội. Toàn quyền Paul Bert bắt đầu đặt nền móng  việc cai trị dân sự và đặt kế hoạch cải tạo Hà Nội. Khu phố Tây  lúc đó mới có trung tâm là khu nhượng địa Đồn Thủy.

Thời kỳ Toàn quyền Doumer (1898-1902) mới thực sự có những công trình   lớn. Vì vậy khu 36 phố vẫn là nơi phồn hoa nhất Hà Thành.

Khu phố cổ ấy hình thành từ đời Lê (thế kỷ 15) trông trên bản đồ giống như một lá dâu. Gân giữa là trục Nam Bắc đi từ Hồ Hoàn Kiếm lên phía Hồ Tây (trước là đường xe điện từ bờ Hồ lên Bưởi). Từ các phố trục giữa ấy, tỏa ra hai bên các phố song song như các gân lá phụ, được nối liền nhau bằng các phố nhỏ. Khách nước ngoài đi tham quan khu phố cổ như con tằm ăn lá dâu. Tôi bảo họ: "Muốn ăn hết lá, nghĩa là hiểu hết lịch sử văn hoá phố phường phải mất hàng tuần".

Hữu Ngọc


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn