Mới đây, vụ nổ bóng bay trong ngày khai giảng làm 10 học sinh ở một trường tiểu học tại Thanh Hóa bị thương, phải cấp cứu tại bệnh viện đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận về nguy cơ tiềm ẩn từ bóng bay bơm khí hydro.
Trao đối với PV báo Sức khỏe&Đời sống sau sự việc này, PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh - giảng viên cao cấp về Sức khỏe môi trường, Trường ĐH Y tế công cộng cho biết, khí hydro là loại khí dễ bắt cháy, chỉ cần tiếp xúc gần nguồn nhiệt như bóng đèn, lửa, đèn sưởi, tàn thuốc lá, tro đốt vàng mã, nến đang cháy hoặc cọ xát nhiều giữa các quả bóng trong một chùm bóng cũng khiến bóng phát nổ.
Ngoài ra, việc thay đổi môi trường như lấy các quả bóng bay được bơm bởi khí hydro từ túi nylon ra, gặp không khí nóng, hoặc đi ra ngoài trời nắng, hay cho bóng vào phòng kín, vào ôtô... là có thể đủ điều kiện kích hoạt phản ứng, khiến trái bóng có thể nổ tung.
Người bán bóng bay thường bơm khí hydro hoặc khí heli cho bóng bay. Hydro là chất khí nhẹ hơn không khí (chỉ nhẹ bằng 1/14,5 lần không khí, 1/16 lần oxy), không màu, không mùi, trong suốt, dễ cháy và gây nổ. Heli là khí trơ nên thường an toàn, là loại khí nhẹ thứ hai (sau hydro), không màu, không mùi, không dễ cháy ở nhiệt độ và áp suất bình thường.
Đặc biệt, khí hydro bị nén trong bóng bay khi phát nổ sẽ tỏa nhiệt rất mạnh. Khoảng cách cầm bóng bay thường rất gần với tay, mặt và cổ (là nơi da không được che bởi quần áo) vì vậy khi nổ sẽ rất nguy hiểm, có thể gây cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt, bỏng tay, bỏng cổ...
Theo PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh, việc trang trí bóng bay trong lễ khai giảng, trong các bữa tiệc hay ở nơi công cộng là khá phổ biến và điều này luôn tiềm tàng những mối nguy hiểm khi bóng bay được bơm bằng khí hydro bị nổ.
Loại bóng bay hiện nay chủ yếu được bơm khí hydro (do giá thành rẻ hơn nhiều so với khí heli) nên tiềm ẩn mối nguy bóng bay nổ gây bỏng. Ví dụ sự cố vừa xảy ra ngay sau lễ khai giảng sáng 5/9 khiến 10 học sinh trường Tiểu học Yên Phú, huyện Yên Định, Thanh Hoá phải nhập viện cấp cứu do chùm bóng bay phát nổ khi có một người hút thuốc lá đi qua vô tình chạm vào. Tương tự năm 2019 cũng xảy ra sự cố khi các cầu thủ U14 Sông Lam Nghệ An đang kéo chùm bóng bay trên đầu để che nắng, bất ngờ một bảo vệ gần đó dùng bật lửa khiến chum bóng bay phát nổ làm 3 em bị bỏng.
Việc bóng bay bơm bằng khí hydro phát nổ gây bỏng cũng xảy ra tương đối thường xuyên không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới và nạn nhân bị bỏng thường là trẻ em. Tuy nhiên, thực tế nhiều người vẫn chưa hiểu rõ nguy cơ và vẫn chủ quan khi sử dụng loại bóng bay này.
PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh khuyến cáo: "Chính vì có nhiều nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến cháy nổ gây bỏng nên người lớn cân nhắc không cho trẻ em chơi bóng bay bơm khí hydro, đặc biệt là không chơi loại bóng này ở nhà, nơi thường dễ tiếp xúc với các nguồn nhiệt để tránh cháy nổ, có thể gây bỏng, thậm chí tử vong.
Ở nơi công cộng ví dụ sân trường, công viên cũng không nên để trẻ chơi cả chùm bóng bay bơm khí hydro mà nếu để trẻ chơi thì chỉ nên chơi 1 quả nhỏ để không gây cọ xát làm nổ cả chùm và người lớn cần giám sát khi trẻ chơi để tránh tiếp xúc với nguồn nhiệt.
Tại các buổi tiệc sinh nhật, đám cưới có trang trí bóng bay thì cần đặc biệt lưu ý khi bật lửa thổi nến cần tránh xa vị trí có trang trí bóng bay loại bơm khí. Các nhà tổ chức sự kiện nếu dùng bóng bay bơm khí thì nên dùng khí heli để giảm nguy cơ nổ".
Hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá cũng đã quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn ở trong khuôn viên các trường học, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em… nên người hút thuốc lá cũng cần đặc biệt lưu ý thực hiện. Ngoài ra, mọi người cũng nên lưu ý không hút thuốc lá, bật lửa, thắp nến, nấu nướng… ngay cạnh nơi có trẻ đang chơi bóng bay để dự phòng bóng bay phát nổ.
Về việc có nên sử dụng bóng bay trong ngày khai giảng hay không, thầy Vũ Khắc Ngọc, từng là cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và hiện là giáo viên Hóa học tại Hà Nội nêu quan điểm: "Việc sử dụng bóng bay hoàn toàn bình thường bởi hàng chục nghìn ngôi trường trải qua hàng chục năm đều quen thuộc với hình ảnh bóng bay trong ngày khai giảng. Không nên vì sự cố hy hữu xảy ra vừa qua mà chúng ta phản ứng mang tính cực đoan là cấm sử dụng bóng bay.
Việc thả bóng bay lên trời cũng là hình ảnh mang tính biểu tượng của ngày lễ khai giảng và là niềm vui của học sinh chào mừng năm học mới. Việc sử dụng bóng bay không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng sử dụng bóng bay".
Theo thầy Ngọc: "Điều quan trọng là chúng ta phải sử dụng thế nào cho an toàn. Chúng ta nên yêu cầu người bán sử dụng loại bóng tự thổi hoặc bóng bay sử dụng khí heli. Không nên sử dụng khí hydro vì không an toàn, dễ cháy nổ".