Gần 50 năm làm việc và cống hiến cho ngành thần kinh học, nhưng khi được hỏi về bản thân, GS.TS. Lê Đức Hinh điềm đạm trả lời: "Chỉ nên nói về ngành thôi chứ về tôi có đáng kể gì" .
Đến với chuyên ngành Thần kinh học
|
Từ năm 1963, BS. Lê Đức Hinh đã được mời giảng dạy môn Thần kinh học cho sinh viên Đại học Y Hà Nội. Ngành y tế cần nhiều thầy thuốc giỏi, BS. Lê Đức Hinh đã được đi học hai năm tại Đại học La Habana- Cộng hòa Cu Ba, thực tập sinh khoa học nhiều tháng tại 4 Trường đại học Vương quốc Hà Lan, tham quan nghiên cứu tại Đại học California Hoa Kỳ và nhiều nước khác.
Yêu nghề, giỏi ngoại ngữ, ham học hỏi, chăm chỉ đọc và viết sách, viết báo, BS. Lê Đức Hinh có vốn kiến thức phong phú và kinh nghiệm dồi dào trên lâm sàng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người thầy thuốc và thầy giáo. Ông đã giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên đại học và học viên sau đại học. Khi chúng tôi hỏi về những thế hệ học trò được coi là thành đạt, ông nhẹ nhàng từ chối vì "chỉ nhớ người đã có công dạy mình...". GS. Lê Đức Hinh không chỉ giảng dạy ở Trường đại học Y Hà Nội, ông được mời giảng ở nhiều nơi như Trường đại học Y Thái Nguyên, Trường đại học Y Thái Bình, Trường đại học Y Huế, Trường đại học Dược Hà Nội, Học viện Quân y... Ông cũng đã hướng dẫn nhiều luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ y học. TS. Lê Đức Hinh được Nhà nước công nhận chức danh phó giáo sư năm 1991 và chức danh giáo sư Thần kinh học năm 2002.
Là người thích đọc sách, không chỉ sách chuyên ngành mà còn cả sách văn học nghệ thuật, sách triết học, GS. Hinh có một thư viện lớn gồm sáu tủ sách với hàng trăm cuốn sách quý. Đặc biệt, các sách này được lưu giữ tại phòng làm việc của giáo sư tại Bệnh viện Bạch Mai. GS. Hinh cho biết, ông muốn chia sẻ những kiến thức, những kinh nghiệm từ những người đi trước được đúc kết trong những cuốn sách quý cho anh em thầy thuốc thế hệ sau, vì vậy, ông để tủ sách tại nơi mà nó hữu dụng nhất cho tất cả những người ham học, ham hiểu biết.
Năm 1979, GS. Lê Đức Hinh được bổ nhiệm là Phó trưởng khoa và từ năm 1985 - 2002 là Trưởng Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai. Giáo sư đã có nhiều đóng góp xây dựng khoa về học thuật cũng như trong công tác điều trị, trực tiếp cứu chữa thành công cho hàng nghìn bệnh nhân. Dù bận nhiều công việc, GS. Lê Đức Hinh luôn tranh thủ thời gian nghiên cứu, viết báo, đọc sách. Với ông, "làm việc giúp mình linh lợi hơn, ngày nào không đọc sách, không làm việc thì ngày đó sẽ thấy rất mỏi mệt". Cũng chính vì lẽ đó, sau khi nghỉ hưu năm 2005, GS. Lê Đức Hinh vẫn tham gia nhiều hoạt động như: giảng bài, chấm thi, giám định chuyên khoa thần kinh, tư vấn viện pháp y Quốc gia, Ban tham vấn của Hội đồng bảo vệ sức khỏe cán bộ trung ương, Chủ tịch Hội thần kinh học Việt Nam...
GS.TS. Lê Đức Hinh (bên trái) đang kiểm tra bệnh nhi bị bại liệt tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau (1998). |
Thầy thuốc của trẻ em
Năm 1989, BS. Lê Đức Hinh đã bảo vệ thành công và được công nhận tiến sĩ Thần kinh học với luận án "Vài đặc điểm của viêm não Nhật Bản B ở trẻ em miền Bắc Việt Nam". Đây là một luận án xuất sắc được hoàn thành bằng sự lao động nghề nghiệp tận tụy, không mệt mỏi khi ông đã trên 50 tuổi.
Trong thời gian tiến hành nghiên cứu, BS. Lê Đức Hinh quan tâm đến những cháu bé bị viêm não. Những năm 80 của thế kỷ XX, bệnh viêm não Nhật Bản là nỗi kinh hoàng của các gia đình có con nhỏ, nhiều nhất vào khoảng tháng 5 đến tháng 9 là mùa bùng phát dịch ở miền Bắc. Mỗi ngày, khoa tiếp nhận hàng chục cháu, có tới 3-4 cháu bé tử vong, số trẻ được chữa khỏi thì có khoảng 30-50% bị tàn tật, kém thông minh. Ông đau xót chứng kiến những giờ phút cuối cùng của những cháu bé bị tử vong, xúc động thấy các ông bố bà mẹ bế những đứa bé phải vĩnh viễn chia ly với gia đình. Luận án Tiến sĩ của ông chính là sự tổng kết kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị sau gần hai chục năm chữa bệnh cho trẻ em bị viêm não, giúp cho các thầy thuốc cả nước có những kinh nghiệm tốt hơn nữa việc chữa bệnh cho các cháu. Hiện nay, GS. Lê Đức Hinh vẫn quan tâm đến di chứng của bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em và tiếp tục giúp đỡ, hướng dẫn các bác sĩ trẻ nghiên cứu về bệnh này.
Ngày 11/12/1997, Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương đã ký quyết định thành lập Ủy ban quốc gia xác nhận thanh toán bại liệt của Việt Nam do GS.TSKH Hoàng Thủy Nguyên là Chủ tịch, trong đó có GS.TS. Lê Đức Hinh, BS. Bùi Xuân Vĩnh, GS. Đào Đình Đức và TS. Hồ Thị Minh Lý là thành viên. Sau ba năm hoạt động, Ủy ban đã có báo cáo trình Ủy ban xác nhận thanh toán bại liệt khu vực Tây Thái Bình Dương. Báo cáo nhận định: Việt Nam đã thực hiện đầy đủ và hiệu quả các chiến lược thanh toán bại liệt của Tổ chức Y tế Thế giới và đối chiếu với tiêu chuẩn thanh toán bại liệt của Tổ chức Y tế Thế giới, Ủy ban xác nhận bệnh bại liệt đã được thanh toán ở Việt Nam vào năm 2000. Tháng 10/2000, GS. Lê Đức Hinh được vinh dự thay mặt đoàn đại biểu Việt Nam báo cáo tại Hội đồng chứng nhận thanh toán bại liệt của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương họp tại Kyoto, Nhật Bản. Sau khi xem xét báo cáo, Hội đồng chính thức xác nhận nước ta cùng 36 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực (1,6 tỷ người = 1/4 dân số thế giới) đã loại trừ được bệnh nguy hiểm này.
Ngày 15/12/2000, trong một buổi lễ trọng thể tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tuyên bố: "Nước CHXHCN Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt kể từ năm 2000". Đây là thành tích đặc biệt của ngành y tế, một sự kiện thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.
Thành viên của nhiều hội ngành Quốc tế
GS.TS. Lê Đức Hinh là thành viên của nhiều hội ngành quốc tế như: Hội Thần kinh và Phẫu thuật thần kinh và Hội Nhi khoa Cu Ba, Hội Thần kinh học Pháp, Viện Hàn lâm Thần kinh học Mỹ, Ban tư vấn Tai biến mạch não cấp tính châu Á, Hội tai biến mạch não Hoàng gia Thái Lan... Hằng năm, giáo sư vẫn được mời tới tham dự các hội nghị thường niên về Thần kinh học ở khu vực và trên thế giới. Nói đến Thần kinh học Việt Nam, bạn bè quốc tế thường biết tới đại diện là GS. Lê Đức Hinh. Ông rất khiêm tốn: "Tôi tham gia các hội ngành quốc tế vì muốn Việt Nam có vị trí trong khu vực và trên thế giới, muốn rằng trong tất cả các hội nghị, khi cần phát biểu thì vẫn có quan điểm từ Việt Nam, để bạn bè thế giới biết tới ngành thần kinh học Việt Nam để Việt Nam được ghi danh trên trường quốc tế". Tại các hội nghị, hội thảo, bao giờ giáo sư cũng có tham luận, có các cuộc giao lưu, gặp mặt để thể hiện vai trò của chuyên ngành thần kinh học Việt Nam theo kịp các nước phát triển. Với giáo sư, đó là thể hiện sự coi trọng quốc thể.
GS. Lê Đức Hinh đã viết và chủ biên nhiều sách y học về chuyên ngành, các giáo trình, bài viết thông tin về y học, kỷ yếu công trình bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha. Với giáo sư, các sản phẩm đó chính là những đứa con tinh thần. Ông rất quý trọng tiếng Việt, nắn nót trong từng câu chữ của từng cuốn sách, bài báo.
GS. Lê Đức Hinh có cuộc sống giản dị, cởi mở và chân thành, đối xử rất tốt với mọi người, luôn tận tình và ân cần với người bệnh. Ông được các đồng nghiệp quý mến, học trò kính nể, bệnh nhân biết ơn và kính trọng. Gia đình giáo sư, một gia đình trí thức mẫu mực, người bạn đời của giáo sư là Thầy thuốc ưu tú, BSCKII Nguyễn Thị Cẩm Châu chuyên ngành thấp khớp học; các con, các cháu ông đều thành đạt.
Danh hiệu Thầy thuốc nhân dân và Huân chương Lao động Hạng Nhì, Huân chương Lao động Hạng Ba cùng nhiều huy chương khác là sự tôn vinh, đánh giá cao của Nhà nước, của ngành y tế và nhân dân đã dành cho GS. Lê Đức Hinh, một thầy thuốc yêu nghề đã dành cả cuộc đời hết lòng vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Vũ Dung - Trần Giữu