Những năm tháng ấy, một thanh niên trẻ tuổi với đôi bàn tay khéo léo đã "chế" ra hàng nghìn loại giấy tờ như thế, giúp các chiến sĩ quân giải phóng đi vào nội đô như "đi chợ", đảm bảo an toàn cho nhiều nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Ông là Lâm Quốc Dũng, hay còn được biết đến với những cái tên khác như Dũng "râu", Dũng "Quận trưởng".
Những ngày cuối tháng 4/2025, trên các con đường ở TP. Hồ Chí Minh rợp bóng cờ, trong mắt người dân ai cũng ánh lên niềm tự hào, vui sướng đợi chờ giây phút kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tại căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm ở quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh), ông Lâm Quốc Dũng tiếp chúng tôi với cái bắt tay thật chặt. Ông bảo: "Mấy hôm nay tự nhiên tôi thấy bồi hồi quá, ra đường cứ nhìn thấy pano, áp phích cho ngày 30/4 là hân hoan".
Ông Dũng kể, quê ở Củ Chi, nơi bom đạn quân thù rải xuống mỗi ngày. Lúc khoảng 15 tuổi, với suy nghĩ chiến tranh ác liệt thế này, đằng nào cũng chết, vậy thì phải chết sao cho xứng đáng nên ông Dũng quyết định đi theo cách mạng. Ba mẹ ông thấy con còn nhỏ nên không đồng ý. Ông Dũng phải nhờ cấp trên đến động viên, "bảo lãnh" mới được cái gật đầu từ bậc sinh thành.

Ông Lâm Quốc Dũng. Ảnh: T.Sơn
Một cậu bé mới lớn, bước chân vào chiến khu với quyết tâm công hiến cả sinh mạng cho công cuộc giải phóng đất nước, ông Dũng được cử về đơn vị quân báo. Thấy cậu thanh niên này khéo tay, chỉ huy lập tức cử ông cùng vài người khác đi đào tạo "nghề" làm giấy tờ giả. Thời điểm ấy, mỗi khi cán bộ, chiến sĩ của ta muốn đi từ các vùng khác vào Sài Gòn đều phải qua nhiều lớp an ninh để vào nội đô. Chính vì thế, những tấm căn cước, giấy đi đường rất cần thiết. Ông Dũng là một trong số vài người được giao trọng trách thực hiện việc này.
Hồi ấy, ông Dũng còn có tên khác là Dũng "quận trưởng" vì ông phải học rất nhiều chữ ký và mỗi chữ ký phải học hàng chục lần để ký trên các giấy tờ giả. Suốt thời gian dài, ông ký được chữ ký của các quận trưởng, trưởng ty, xã trưởng, cấp trưởng… Điều này hoàn toàn làm kẻ địch bất ngờ, vì chúng nghĩ, "Việt cộng cùng lắm làm giả được căn cước công dân".
Ban đầu, việc "chế" những tấm căn cước của chính quyền Việt Nam cộng hòa khá đơn giản, hầu hết các nhà in của ta đều có thể thực hiện được. Tuy nhiên, sau cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, nhiều chiến sĩ của ta hy sinh hoặc bị bắt đã khiến phía địch phát hiện ra "điểm yếu này". Ngay lập tức, một loại căn cước mới có tên "rồng xanh" đã được phát hành với sự giúp đỡ từ công nghệ hiện đại của Mỹ.

Những kỷ vật mà ông Dũng luôn lưu giữ. Ảnh: T.Sơn
"Nhìn căn cước in ấn tinh vi, tôi bàng hoàng lắm. Có lúc tôi nghĩ, phen này mình "sập tiệm" rồi. Ngoài việc sử dụng màu sắc đậm nhạt khác nhau, chúng còn sử dụng con dấu đóng chìm rất tinh vi, khi đóng phải dùng nhiệt. Thẻ được dán ép xong rất khó bóc tách, tẩy xóa hay thay hình khác", ông Dũng nhíu mày, nhớ lại khoảnh khắc được cầm trên tay thẻ căn cước rồng xanh mà toát mồ hôi.
Quy trình để đổi, cấp căn cước mới cũng rất khép kín, phải có tên trong tờ khai gia đình, căn cước cũ phải có hồ sơ gốc. Khi đó, cả miền Nam không có loại chữ của máy điện toán IBM, lĩnh vực in ấn, trình độ công nghệ, phương tiện đều non kém.
Thế nhưng, cuộc chiến đấu giải phóng đất nước đang tiếp diễn, những người lính biệt động ngày ngày vẫn phải đi vào nội đô để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng. Vậy phải làm sao để "dòng chảy" này không bị ngừng lại? Ông Dũng kể, trong thời gian chờ đợi để làm giả được căn cước rồng xanh, ông đã chuyển hướng tạo ra các loại giấy tờ khác, chứng minh thân phận hợp pháp để giúp chiến sĩ biệt động thành có thể đi lại qua chốt kiểm soát. Trong đó có thể kể đến "Căn cước quân nhân"; "Giấy hoàn lương" (một loại giấy cấp cho những người phản cách mạng, đầu hàng địch)… Tóm lại, bất cứ loại giấy nào có thể chứng minh thân phận thì ông Dũng đều có thể làm giả được.
Ngoài chiếc máy ảnh là thiết bị hiện đại nhất, đồ nghề của ông Dũng vỏn vẹn chỉ có com - pa, dao, thước kẻ… Thời điểm đó, ông Dũng đã "để mắt tới" loại giấy "biên nhận căn cước". Đây là loại giấy được cấp khi đi làm căn cước "rồng xanh", khổ chỉ bằng 1/3 tờ A4 và có giá trị như căn cước trong thời gian "đợi cấp".
Dù không tinh vi như căn cước "rồng xanh" nhưng loại chữ in trên tờ biên nhận này cũng rất hiện đại. Ông Dũng nhớ lại "nó có khoảng 5,6 dòng, được in bằng phông chữ giống như từ máy vi tính bây giờ". Với sự cần cù, nhẫn nại, sau 1 tuần, ông Dũng đã khắc gỗ được mẫu chữ nói trên. Từ đây, loại giấy "biên nhận căn cước" giả chính thức được các chiến sĩ biệt động thành sử dụng. Ông Dũng tự hào: "Với việc này tôi đã được thường Huân chương chiến công".

Ông Dũng hồi tưởng quá khứ với phóng viên. Ảnh: T.Sơn
Để đối phó khi các giấy tờ làm giả không còn hiệu lực thông hành, ông Dũng "râu" báo cáo cấp trên cho làm giả các loại giấy như: giấy hoãn dịch, căn cước quân nhân, thẻ công vụ các loại… Sau này, khi có làn sóng bà con ở Campuchia bị ép buộc hồi hương, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tạm thời cấp cho bà con giấy chứng nhận "Việt kiều hồi hương". Nhờ đó, ông Dũng lại có cơ hội để làm "hàng nhái", chuyển đổi quốc tịch cho nhiều chiến sĩ biệt động. Suốt 4 năm, "vũ khí" này được coi là lợi hại cho lực lượng hợp pháp ra vào Sài Gòn hoạt động.
Những năm tháng ở chiến khu, ông Dũng chỉ được lên mặt đất "hít khí trời" vào buổi tối, còn ban ngày hầu như ở dưới địa đạo, cặm cụi làm công việc mà mình giỏi nhất.
"Tụi nguỵ nó biết rõ tôi, cứ thu được giấy tờ giả là chúng bảo do Dũng "râu" làm. Tuy nổi tiếng là thế nhưng có khi chúng cũng chỉ nắm được cái tên thôi chứ không biết mặt", ông Dũng kể. Với công việc làm giấy tờ giả cho chiến sĩ biệt động, ông Dũng "râu" bị địch truy nã, treo thưởng rất cao. Ông Dũng cười: "Bị truy nã vầy mà tôi thi thoảng vẫn vào thành, nhưng tôi hoá trang kỹ lắm, chẳng ai nhận ra".
Từ giữa năm 1966 đến khi miền Nam được giải phóng, ông Dũng chỉ làm duy nhất một công việc, vậy nhưng chính những thứ giấy tờ ông làm ra đã góp phần quan trọng giúp lực lượng của ta xâm nhập nội đô Sài Gòn, thực hiện và hoàn thành nhiều hoạt động bí mật cho chiến thắng.
Sau chiến tranh, ông Dũng về công tác tại ngành điện ảnh, lập gia đình và có 2 người con. Cuộc sống bình dị ấy cứ trôi qua trong căn nhà nhỏ gần trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều người hàng xóm chỉ biết ông Dũng "râu" vốn là chiến sĩ cách mạng, chứ không biết được những chiến công thằm lặng nhưng rất quan trọng mà ông đã làm trong suốt năm tháng chiến tranh.
Đại tá Trần Minh Sơn, Nguyên phó tư lệnh Quân khu Sài Gòn- Gia Định nhận xét về ông Lâm Quốc Dũng: "Đồng chí Lâm Quốc Dũng là người chịu trách nhiệm về mặt giấy tờ, giúp tạo thế hợp pháp cho biết bao cán bộ, chiến sĩ biệt động, giao liên, trinh sát hoạt động nội đô cho đến khi cơ quan đầu não của địch bị quét sạch. Đồng chí Lâm Quốc Dũng đã lập nên những chiến công lớn trên mặt trận thầm lặng".