Nhắc đến nghệ sĩ Võ Vân Ánh là nhắc đến một nghệ sĩ đàn tranh tài năng của âm nhạc Việt Nam. Mặc dù từ năm 2001, chị đã sang định cư tại Mỹ nhưng chính điều này đã đem lại cho chị nhiều cơ hội để quảng bá tiếng đàn tranh của Việt Nam ra thế giới – tiếng đàn mà chị gọi là “hồn nhạc Việt”. Vừa qua, chị đã về nước tham dự Đại nhạc hội “Là người con đất Việt” để gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung.
Võ Vân Ánh bên cây đàn tranh. |
Tài năng của Ánh càng được khẳng định khi chị và nghệ sĩ người Mỹ Mark Izu giành giải thưởng Emmy (được xem là giải Oscar của phim truyền hình) năm 2009 cho phần nhạc bộ phim tài liệu Bolinao 52 cùng một số giải thưởng âm nhạc quan trọng khác trong các liên hoan phim uy tín của Mỹ. Vân Ánh trở thành nghệ sĩ chơi nhạc dân tộc đầu tiên của Việt Nam có mặt trong những giải thưởng âm nhạc lớn của dòng âm nhạc chính thống nước Mỹ.
Thế nhưng với Vân Ánh, tất cả dường như còn chưa đủ để thỏa niềm đam mê dành cho cây đàn tranh. Những chuyến lưu diễn qua hơn 20 quốc gia đã giúp chị nhận ra sức mạnh cũng như hạn chế của đàn tranh khi hòa điệu cùng những nhạc cụ khác. Ánh bảo: “Đàn tranh VN là một nhạc cụ mạnh, có thể thể hiện đa dạng những sắc thái tình cảm của người Việt, nhưng nó cũng có hạn chế là rất hay bị lạc dây. Khi chơi chung với dàn nhạc rock chẳng hạn thì sau 1 - 2 bài là đã lạc dây mất rồi”. Nhược điểm này đã thôi thúc chị quay về VN tìm nghệ nhân đóng đàn Phùng Tân Tuyên nghiên cứu việc sửa cây đàn. Nhờ những chỉnh sửa trên độ cong của mặt đàn, chất liệu làm dây, vị trí con nhạn... của người nghệ nhân, chị đã có một cây đàn như mình muốn. Chị nói: “Giờ thì tôi đã có thể yên tâm mang đàn tranh ra chơi rock, jazz mà không lo về độ vững của đàn hay tình trạng lạc dây nữa”.
Vân Ánh cho biết, âm nhạc dân tộc Việt Nam được đón nhận rất nồng nhiệt ở nước ngoài bởi những bản nhạc đó gắn liền với chiều dài lịch sử của Việt Nam và phản ánh cuộc sống, văn hóa cũng như bản sắc, đặc điểm vùng miền khác nhau của Việt Nam. Sau nhiều năm sinh sống và biểu diễn ở nước ngoài, Ánh nhận ra rằng, điều quan trọng nhất của một người nghệ sĩ khi chơi nhạc dân tộc ở nước ngoài là phải giữ được cái hồn nhạc Việt. “Mình nghĩ điều quan trọng của một người chơi nhạc dân tộc Việt Nam hay bất cứ dòng nhạc nào cũng thế là phải có cái gốc. Mình may mắn có được cái gốc đó trong suốt thời gian học tập ở Việt Nam. Quá trình tiếp xúc với nhiều nghệ nhân về nhạc cải lương và chèo đã giúp mình ngấm sâu màu sắc rất đặc trưng của âm nhạc dân tộc. Nhờ thế, mình có thể “vẽ” được một bức tranh âm nhạc theo cách mà mình muốn nhưng vẫn giữ được hồn dân tộc”.
Chuyến về nước lần này, nghệ sĩ Võ Vân Ánh bận rộn túi bụi cùng cây đàn tranh trong các buổi biểu diễn, nói chuyện, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm phát triển đàn tranh được tổ chức từ Nam ra Bắc. Tiếng đàn của chị cũng đã góp phần làm nên thành công cho Đại nhạc hội “Là người con đất Việt” - đêm nhạc hướng về miền Trung vừa được tổ chức tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Sau dịp này, chị lại quay về Mỹ để chơi đàn tranh và tiếp tục với một công việc chính còn dang dở, đó là giảng dạy trong các lớp học nhạc của thiếu nhi con em các gia đình Việt kiều và nước ngoài tại Mỹ. Bằng cách đó, chị hi vọng sẽ có nhiều hơn những người hiểu và yêu đàn tranh VN, để cây đàn có được vị thế xứng đáng trong số các nhạc cụ của thế giới.