“Người làng phong” trên đỉnh LangBiang

05-11-2010 14:10 | Xã hội
google news

Bác sĩ K'Đỉu đến từ vùng đất cao nguyên LangBiang - Lâm Đồng mở đầu câu chuyện với tôi bên cánh gà của "Thánh đường sân khấu" - Nhà hát Lớn Hà Nội bằng một giọng điệu rất nhỏ, rất trầm và có vẻ như cố tình tạo khoảng cách với người tiếp cận là "Mình là bác sĩ của làng phong đấy nhé...".

Bác sĩ K'Đỉu đến từ vùng đất cao nguyên LangBiang - Lâm Đồng mở đầu câu chuyện với tôi bên cánh gà của "Thánh đường sân khấu" - Nhà hát Lớn Hà Nội bằng một giọng điệu rất nhỏ, rất trầm và có vẻ như cố tình tạo khoảng cách với người tiếp cận là "Mình là bác sĩ của làng phong đấy nhé...". Thế nhưng vừa nói xong, chưa kịp để tôi có phản ứng gì thì anh vội cười hiền và bảo: "Mình đùa thôi, thử xem nhà báo ở thủ đô có phản ứng gì với chữ làng phong không ấy mà...". Và thế là câu chuyện của chúng tôi bắt đầu với hai chữ "làng phong" mà bác sĩ K'Đỉu gọi đó là định mệnh của cuộc sống đã gắn bó với anh và là chốn thương yêu để anh đi đâu cũng muốn nhanh được trở về...

Học để chăm sóc người thân tốt hơn...

43 tuổi, lần thứ 2 trong đời được ra Hà Nội và đã có một thời gian dài đi học ở TP. Hồ Chí Minh, Huế nhưng người đàn ông dân tộc K'Ho này dường như vẫn chưa thể làm quen với nhịp sống nhanh của chốn thành thị, nên anh bảo với tôi "Hà Nội đẹp thật, nhưng mình vẫn thích cuộc sống và không gian yên bình của làng phong Di Linh - nơi mình được sinh ra, lớn lên và gắn bó hơn"...

...Là con trai của một gia đình trong số hàng trăm gia đình đang sinh sống tại làng phong Di Linh - tỉnh Lâm Đồng (nay là Trung tâm điều trị phong Di Linh), ngay từ những ngày ấu thơ, bác sĩ K'Đỉu đã được chứng kiến những cơn đau, những mất mát một phần cơ thể do bệnh phong đem lại cho những người ruột thịt của anh và những người bệnh khác. Thế nhưng bên cạnh đó, hàng ngày cậu bé K'Đỉu cũng được chứng kiến sự chăm sóc tận tâm và tình thương yêu của các y bác sĩ đang công tác tại làng phong dành cho người bệnh, trong đó có người thân của anh để giúp họ vơi đi phần nào nỗi đau bệnh tật. Cộng hưởng của hai yếu tố đó đã nhen nhóm trong lòng cậu bé K'Đỉu một ngọn lửa thôi thúc cậu quyết tâm học thật tốt để sau này trở thành thầy thuốc gắn bó với làng phong... Được sự dìu dắt của các y bác sĩ, các sơ trong làng phong Di Linh ngày đó, cậu học trò K'Đỉu đã học hành rất tiến bộ và quyết đi theo nghề y. Năm 1989, K'Đỉu bắt đầu học trung cấp y, ngay từ ngày mới vào trường, ngoài những kiến thức lý thuyết, cứ về đến làng phong là anh lại theo các bác sĩ, các sơ đến tận các phòng bệnh để học thêm kinh nghiệm thực tế chăm sóc bệnh nhân. Bác sĩ K'Đỉu kể lại, có lẽ là "người trong cuộc" nên anh có sự đồng cảm với người bệnh, chính vì vậy mà ngay từ ngày đó anh đã vượt lên sự sợ hãi khi tiếp xúc với những mùi hôi, lở loét từ vết thương của người bệnh mà cho rằng đó là cơ hội để mình học hỏi nhiều hơn...

Tốt nghiệp khóa học đào tạo y sĩ, anh tình nguyện trở về làng phong Di Linh công tác, phục vụ chính cha mẹ đẻ và cho những bệnh nhân mà từ thuở ấu thơ anh đã coi là người thân của mình. Thế nhưng, sau một thời gian làm việc với không ít lần phải rơi nước mắt vì chứng kiến người thân rồi nhiều người bệnh vật vã với nỗi đau thể xác, y sĩ K'Đỉu đã quyết tâm đi học nâng cao trình độ để trở thành bác sĩ để có kiến thức tổng hợp hơn, chuyên sâu hơn giúp công việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân phong tốt hơn. Bác sĩ K'Đỉu nhớ lại, khoảng năm 1997, công tác đa hóa trị liệu cho bệnh nhân phong mới được chú trọng. Tuy nhiên, việc chăm sóc tàn tật chưa được quan tâm lắm, mỗi lần bệnh nhân phong chuyển viện không được thuận lợi..., chính những điều này đã thúc đẩy K'Đỉu và các đồng nghiệp học hỏi nghiên cứu thêm nhờ những chương trình đào tạo dài hạn và ngắn hạn được Nhà nước và các tổ chức y tế tài trợ. Tốt nghiệp Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh năm 1997, nhưng dường như những kiến thức đó vẫn chưa làm anh thỏa mãn tâm nguyện chăm sóc người thân, người bệnh tốt hơn, bác sĩ K'Đỉu lại khăn gói lên đường, tạm xa gia đình và người bệnh thân yêu đến đất cố đô trở thành sinh viên sau đại học của Trường Đại học Y Dược Huế. Với tấm bằng bác sĩ chuyên khoa I tổng quát, K'Đỉu đã trở thành một trong những bác sĩ giàu kinh nghiệm trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân của Trung tâm điều trị phong Di Linh.

 Bác sĩ K'Đỉu

"Làng phong là nhà mình mà..."

Luôn coi bệnh nhân phong như những người anh em, coi làng phong Di Linh như chính nhà mình, do đó, không chỉ làm công tác chuyên môn mà bác sĩ K'Đỉu còn giúp người bệnh hòa nhập cộng đồng, "3 cùng" với họ để giúp họ xóa đi những mặc cảm bản thân. Những lúc rỗi rãi, anh còn kéo họ ra khỏi khu của người bệnh phong để ra ngoài tiếp xúc với xã hội. Và một kinh nghiệm để tái hòa nhập tốt nhất là những người bệnh đã chữa khỏi phải có trách nhiệm giúp đỡ những người đang điều trị. Bác sĩ K'Đỉu cho biết, thời gian gần đây, cùng với niềm vui vì kết quả chăm sóc bệnh nhân phong ngày một tiến triển hơn thì anh và các thầy thuốc của khu điều trị phong Di Linh vui hơn cả là sự kỳ thị của mọi người với bệnh nhân phong đã giảm dù vẫn chưa thể nói là đã hết. Trước đây, người bên ngoài vào làng phong Di Linh thường mang theo nước uống, thức ăn và có gì đó e dè tiếp xúc với người bệnh, bây giờ giữa bệnh nhân và cộng đồng đã không còn khoảng cách quá lớn. "Thế nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để xoá dần khoảng cách ấy, để những bệnh nhân phong không còn mặc cảm về nỗi đau cơ thể mình..." - bác sĩ K'Đỉu tâm sự. Cũng qua câu chuyện của bác sĩ K'Đỉu, tôi biết thêm, làng phong Di Linh nơi anh sinh ra, lớn lên và gắn bó đã được thành lập từ đầu thế kỷ 20 do cha Jean Caissaigne - người Pháp lập nên. Với lịch sử hơn 100 năm tồn tại, hiện nơi đây có gần 300 hộ dân sinh sống, riêng Trung tâm điều trị phong thường xuyên có 115 bệnh nhân. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, của ngành y tế và địa phương với quyết tâm loại trừ bệnh phong ra khỏi cộng đồng, Trung tâm điều trị phong Di Linh ngày nay đã khác xa làng phong Di Linh ngày trước. Trung tâm hiện có 21 cán bộ y tế đang làm việc, riêng khu điều trị bệnh được xây trên đỉnh đồi cao, ngoài ra, còn có một khu khác cho người bệnh đã giảm tĩnh dưỡng. Những người bệnh đã được chữa khỏi được bố trí một khu riêng và tạo điều kiện để sản xuất. Trong khu điều trị hiện nay có 4 sơ thuộc dòng Tử bác ái tình nguyện vào đây chăm sóc bệnh nhân phong. Sơ Mai Thị Mậu (nguyên Giám đốc Trung tâm điều trị phong Di Linh) đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì những cống hiến của mình đối với bệnh nhân phong của Trung tâm cũng như sự phát triển của làng phong Di Linh. Ở Khu điều trị phong Di Linh hiện nay, ngoài bác sĩ K'Đỉu còn có các con em của bệnh nhân phong như bác sĩ K'Brình, bác sĩ Đinh Quốc Quan, các hộ lý - điều dưỡng Ka Thủy, Ka Rụng, Ka Riềm và hai lái xe K'Brèm, K'Jeóh... đang hàng ngày cống hiến cho công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân và sự phát triển của làng phong. Tất cả họ đều được sinh ra bởi những người vốn mắc bệnh phong, nhưng số phận đã đem lại cho họ may mắn khi "âm tính" với bệnh này để họ được học tập và quay trở về cống hiến cho chính nơi mình sinh ra...

Cách đây vài năm, bác sĩ K'Đỉu đã được lãnh đạo ngành y tế địa phương tin tưởng giao trách nhiệm là Phó Giám đốc Khu điều trị bệnh phong Di Linh, ấy vậy mà khi chúng tôi hỏi làm quản lý có khác nhiều làm chuyên môn lắm không thì anh chỉ cười và bảo, "Khu điều trị phong Di Linh của chúng mình giống như một mái nhà chung của cả y bác sĩ, các sơ và người bệnh, của gia đình người đã khỏi bệnh nên đừng gọi mình là làm quản lý. Như thế mình lại thấy xa cách với bệnh nhân, đồng nghiệp lắm...". Rồi anh cho biết thêm, Khu điều trị phong Di Linh không chỉ là một cơ sở y tế nên anh và các đồng nghiệp ngoài trách nhiệm hết lòng, tận tâm vì người bệnh còn phải có trách nhiệm giúp họ xóa tan mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, làm sao họ thấy mình là người có ích.

Gắn bó với làng phong nên với bác sĩ K'Đỉu mỗi lần đi đâu xa khỏi làng là anh "thấy nhớ lắm" vì ở nhà ngày nào là anh và bệnh nhân suốt ngày gặp nhau để hỏi thăm bệnh rồi chia sẻ, động viên họ vui sống... Ngày K'Đỉu ra Hà Nội, vợ anh cũng muốn cùng anh ra tham quan Hà Nội cho biết thủ đô khác xa, đẹp gấp bao nhiêu lần mảnh đất Di Linh mà chị đang sống nhưng do điều kiện gia đình, phải ở nhà chăm sóc con cái. Khi tôi hỏi, là con em của bệnh nhân phong, lại là bác sĩ của trại phong, ngày trước lấy vợ anh có gặp khó khăn gì không? Khuôn mặt của bác sĩ K'Đỉu ánh lên niềm vui, anh bẽn lẽn kể: "Người K'Ho mình theo chế độ mẫu hệ mà, phụ nữ thích là xong thôi. Nếu theo tục lệ xưa thì đi xa thế này là phải xin phép, vợ cho mới được đi đấy. Nhưng giờ thì khác rồi, vợ mình biết hi sinh vì chồng vì con lắm nên động viên mình cứ yên tâm mà đi Hà Nội, rồi về kể cho cô ấy nghe Hà Nội đẹp như thế nào...". Anh cũng bảo thêm rằng, chính sự động viên của vợ cùng với tình yêu thương những người bệnh ở làng phong đã như ngọn lửa cháy mãi trong anh, giúp anh luôn say mê với công việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân phong. Bởi thế nên rời làng phong là anh lại muốn nhanh được trở về. Về với nơi chốn thương yêu nhất...   

Thái Bình


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Tags: