Người hút thuốc lá đối diện nguy cơ tử vong cao khi mắc COVID-19

31-05-2021 07:39 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - "Cam kết bỏ thuốc lá" là khẩu hiệu của Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 năm nay, thông tin tại buổi gặp mặt báo chí do Bộ Y tế tổ chức về sự kiện này, các chuyên gia cho hay, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, người hút thuốc nhiễm virus SARS-CoV-2 có nguy cơ tử vong cao. Các loại thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử, đều dẫn đến những tổn thương phổi khó hồi phục.

Hàng triệu người muốn bỏ thuốc lá vìo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19

anh Khue

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho hay, theo Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới có khoảng 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá. Đặc biệt trong đại dịch COVID-19 đã có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc vì lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19 (ở những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường).

Năm 2021 Tổ chức Y tế thế giới chọn chủ đề "Cam kết bỏ thuốc lá" cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

"Ngày 31/5 hàng năm là ngày đáng nhớ đối với người bệnh và thầy thuốc về phòng, chống tác hại thuốc lá. Đây là ngày cả thế giới cùng nâng cao nhận thức chung tay phòng, chống tác hại thuốc lá. Việt Nam đã ký công ước quốc tế về phòng, chống tác hại thuốc lá để ngăn chặn, đẩy lùi “kẻ giết người thầm lặng”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Theo báo cáo của 1.400 bệnh viện trên cả nước, có tới 70-75% bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm (tiêu đường, tim mạch,…). Rõ ràng, thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh không lây nhiễm.

Hiện, tỷ lệ bệnh nhân ung thư, đột quỵ do tác hại của thuốc lá đang là gánh nặng của cả xã hội. Vì thế, Bộ Y tế đã nghiên cứu, xây dựng chính sách và văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về môi trường không khói thuốc. Kết quả, trên 96% người dân đã hiểu được nguyên nhân của ung thư là do thuốc lá, nhận thức được ảnh hưởng, tác hại của thuốc lá.

Hoạt động Phòng chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo điều tra toàn quốc năm 2020, tỷ lệ thanh niên trưởng thành hút thuốc đã giảm, nhất là trong nhóm công nhân, viên chức. Hàng chục ngàn công nhân, viên chức đã bỏ thuốc lá. Các bộ, ban, ngành cũng đã triển khai nhiều hoạt động để phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn trong nhóm 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc cao nhất thế giới.

Sức khoẻ là vốn quý giá nhất, hãy "Cam kết bỏ thuốc lá"

“Chủ đề phòng, chống tác hại thuốc lá năm nay là “Cam kết bỏ thuốc lá”. Đây là chiến lược quan trọng để giúp các thành viên, cá nhân trong cộng đồng để những ai chưa hút thuốc lá thì cam kết không hút thuốc, những ai đã hút thuốc thì cam kết bỏ thuốc. Mặc dù việc bỏ hút thuốc hết sức khó khăn nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được. Trong đại dịch COVID-19, sức khoẻ là vốn quý giá nhất đối với mỗi con người. Vì thế, phòng chống tác hại thuốc lá sẽ giúp mỗi người có được cuộc sống khoẻ mạnh, chống lại dịch bệnh” – PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm - cán bộ của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, người hút thuốc mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nặng. Không chỉ vậy, những người nghiện thuốc lá còn phái đối mặt với nguy cơ tử vong cao khi mắc COVID-19. 

hut thuoc la COVID

Mục tiêu chính của chiến dịch ngày Thế giới không thuốc lá năm 2021 là “Cam kết bỏ thuốc lá”, hướng tới đạt được 100 triệu người cam kết và bắt đầu nỗ lực bỏ thuốc lá. Thông qua chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc lá tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyên cáo của WHO.

Để thực hiện được mục tiêu này, các chuyên gia khuyến cáo 3 hình thức can thiệp cần có trong Chương trình cai nghiện thuốc lá Quốc gia gồm: Đưa lời khuyên cai thuốc lá vào các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu; cung cấp đường dây hướng dẫn bỏ thuốc miễn phí và tiếp cận với các loại thuốc cai nghiện thuốc lá miễn phí hoặc chi phí thấp.

Bà Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết kể từ khi mở tổng đài cai nghiện thuốc lá, 8.000 người đã sử dụng dịch vụ cai nghiện thuốc lá tại đây và đã có 1.500 người dừng thuốc lá từ 1 năm trở lên. 

Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn