Người hát xẩm Hà thành

09-01-2010 14:06 | Văn hóa – Giải trí
google news

Tôi biết chị từ Liên hoan dân ca toàn quốc năm 2005 do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Thực tình, lúc ấy tôi thấy "nể" lắm khi nghe MC giới thiệu

Tôi biết chị từ Liên hoan dân ca toàn quốc năm 2005 do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Thực tình, lúc ấy tôi thấy "nể" lắm khi nghe MC giới thiệu chị là chuyên viên của Viện Âm nhạc Việt Nam mà lại đánh đàn nhị nhoay nhoáy và hát xẩm rất mượt mà.

 NS. Mai Tuyết Hoa.Ảnh: T.H

Hoá ra, Mai Tuyết Hoa chẳng phải là con nhà nòi. Chị biết đánh đàn nhị là nhờ bố. Vốn là người rất yêu thích dân ca nên năm chị tròn 8 tuổi ông đưa con tới trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội để thi vào lớp sơ cấp đàn nhị. Tuyết Hoa nhớ lại: "Hồi ấy mình chẳng thích học đàn nhị một chút nào". Vậy mà chị đã học và theo đuổi nó như có một mối lương duyên tiền định. Hết sơ cấp, trung cấp, cây đàn nhị tiếp tục theo chị vào Nhạc viện Hà Nội để học tiếp hệ đại học. Rồi việc Hoa trở thành chuyên viên Viện Âm nhạc Việt Nam cũng là một sự bất ngờ. Năm 1996, tức là năm thứ hai đại học, nhờ một sự giới thiệu tình cờ, chị cộng tác với Viện để ghi lời và ký âm những tư liệu khai thác được trong các chuyến đi điền dã của Viện. Và chính trong môi trường cộng tác này, chị được tiếp xúc, tìm hiểu và khám phá nhiều loại hình âm nhạc dân gian, trong đó có nghệ thuật hát xẩm. Chị "phải lòng" xẩm tự lúc nào không hay. Chỉ biết rằng với xẩm, đàn nhị như hay hơn, như có hồn hơn và xẩm càng cuốn hút Mai Tuyết Hoa hơn.

Sau những đánh giá cao của giới chuyên môn và người nghe tại Liên hoan dân ca toàn quốc 2005, Mai Tuyết Hoa đã có hẳn một kế hoạch dài hơi nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong đời sống hôm nay. Từ những vốn liếng, kinh nghiệm đã tích luỹ được trong những lần thọ giáo các nghệ nhân nổi tiếng của lĩnh vực hát xẩm như Hà Thị Cầu, Trùm Nguyên, Thân Đức Chính,... chị cùng nhiều nghệ sĩ say mê nghệ thuật dân tộc như Thao Giang, Xuân Hoạch, Văn Ty, Thanh Ngoan, Quang Long,... đã lập ra một nhóm chuyên biểu diễn "Hà thành 30 phố phường". Đây là chương trình biểu diễn vào tối thứ bẩy hàng tuần tại cổng chợ Đồng Xuân với mục đích đưa âm nhạc cổ truyền tới gần công chúng hơn. Hai năm nay, trừ những ngày mưa, chương trình biểu diễn định kỳ, diễn đi diễn lại nhiều lần đã tạo được những ảnh hưởng nhất định tới người xem. Từng nhiều lần đến với buổi diễn, tận mắt chứng kiến người xem đủ mọi lứa tuổi, thành phần, cả ta cả Tây chăm chú thưởng thức các tiết mục chầu văn, chèo, quan họ, xẩm,... mà tôi thấy nức lòng. Còn các nghệ sĩ say mê, đắm đuối với nghệ thuật dân tộc như vậy thì không thể nói chầu văn, ca trù, xẩm,... không còn chỗ đứng trong lòng dân tộc. Có lẽ, quan trọng là cách thức chúng ta đưa chúng đến với công chúng bằng cách nào mà thôi. Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ: "Khán giả đón nhận như vậy là coi như chúng tôi đã đi được nửa chặng đường rồi. Cả nhóm cảm thấy rất vui và càng thêm quyết tâm trên con đường chinh phục khán giả. Sự kiện Giỗ tổ nghề hát xẩm vào ngày 29/3/2008 (tức 22/2 âm lịch) là một cách để chúng tôi thu hút công chúng đến với xẩm ngày một nhiều hơn. Tôi nghĩ để bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc không có cách gì hiệu quả hơn là biến nó thành phổ biến, gần gũi và quen thuộc với người nghe". Chính vì vậy, không chỉ biểu diễn, chị và các nghệ sĩ còn tổ chức dạy hát âm nhạc truyền thống cho những người yêu thích. Lớp xẩm của chị thường xuyên có 20 học viên. Có người học cả đàn, cả hát, có người chỉ học riêng hát. 

 Mai Tuyết Hoa ngồi giữa và nhóm xẩm tre Hà thành trong một lần biểu diễn ở một miền quê.

Cái hay của xẩm là ở tính dân dã, đời thường. Một gánh hát xẩm thường gồm những người trong một gia đình như bố, mẹ, con cái cùng đi hát kiếm sống trên các khu chợ, hè đường có nhiều người qua lại. Trong đó, một người vừa hát vừa đàn (nhị, hồ), các thành viên khác thì đệm phách, trống hoặc hát phụ theo. Xẩm chỉ có 8 làn điệu nên gánh hát đó có được nhiều người chú ý hay không phải dựa vào tài ứng biến của người hát chính. Chẳng hạn, khi quan sát được cảm xúc của người đi đường, người hát sẽ biến họ thành nhân vật chính trong bài hát của gánh xẩm. Cái thú vị của hát xẩm là các vấn đề thời sự của xã hội như bệnh quan liêu, chế độ phong kiến, nạn bóc lột nông dân,... được cập nhật rất nhanh qua nội dung bài hát. Với chất giọng châm biếm đả kích đặc trưng của xẩm, các nội dung trên càng tạo được sự thu hút, hấp dẫn người nghe. Ngay trang phục hát xẩm cũng rất đặc biệt. Không màu mè rực rỡ, không lụa là đắt tiền mà chỉ độc vải nâu sồng mộc mạc của người nghèo khó kèm theo chiếc nón lá và chiếc kính râm.

Vì điều này mà nhiều lúc gặp Mai Tuyết Hoa với trang phục hiện đại như quần bò, áo phông hay những chiếc đầm hoa nữ tính có cảm giác... như không phải là chị. Dường như không chỉ tôi mà nhiều khán giả yêu mến chị đã quá quen thuộc với hình ảnh chị mặc áo cánh, váy bu gà, chân đất, tay ôm chiếc đàn nhị. Lúc biểu diễn, chị đằm thắm, dịu dàng bao nhiêu thì ngoài đời chị nhanh nhẹn, năng động và sắc sảo bấy nhiêu. Bây giờ, ngoài những lúc đắm say, phiêu bồng với xẩm, chị trở về với công việc ở hệ phát thanh có hình của Đài Tiếng nói Việt Nam. Báo là nghề. Xẩm là nghiệp. Để có thể làm mọi điều tốt nhất cho xẩm nói riêng và nghệ thuật nói chung, chị còn đang đảm trách vai trò Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc trực thuộc Trung tâm bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc. Cuối năm 2008, cùng với chèo, quan họ, chầu văn,... Mai Tuyết Hoa đã đưa xẩm lần đầu tiên xuất ngoại, chinh phục khán giả Nhật. Chị đang dự định làm một album với tiêu chí gửi đến mọi người những nét đặc trưng nhất của nghệ thuật xẩm. Qua đó, giúp mọi người hiểu rõ sự khác nhau giữa các làn điệu xẩm như xẩm tàu điện, xẩm chợ, xẩm xoan,...

Bận rộn với nghề, tâm huyết với nghiệp, 24 giờ trong ngày trở nên quá ít với Mai Tuyết Hoa. Tuy nhiên, với gia đình nhỏ, đặc biệt là cậu con trai 2 tuổi, chị luôn cố gắng dành nhiều nhất thời gian có thể chăm sóc và chơi với con. Chị quan niệm với người phụ nữ, không thể vì quá say mê sự nghiệp mà sao nhãng gia đình. Gia đình luôn là bến đỗ bình yên của mỗi cá nhân.     

Thu Hiền


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn