Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp bị chó hàng xóm cắn vào "vùng kín", gây chấn thương tinh hoàn. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vết thương bìu kích thước lớn, bờ nham nhở, đáy bẩn, nhiều vết xước ở đùi phải. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt lọc, làm sạch vết thương và tư vấn đi tiêm phòng dại. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định, vết thương tiến triển tốt, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.
PGS.TS Nguyễn Quang – Giám đốc Trung tâm Nam học – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Chủ tịch Hội Y học Giới tính Việt Nam nhấn mạnh: Vết thương động vật cắn là 1 tổn thương không hiếm, rất hay xảy ra ở những người nuôi và chăm sóc động vật, thậm chí là bác sĩ thú y.
Những động vật có thể thay đổi tính tình vào mùa sinh sản, thậm chí là thay đổi thời tiết, hoặc thay đổi môi trường sống. Những vết thương do động vật cắn (lợn, mèo, chó…) thông thường dập nát, bẩn, nguy cơ nhiễm trùng cao, bệnh nhân sẽ được tư vấn để tiêm phòng dại.
Các bác sĩ khuyến cáo, các gia đình nuôi chó mèo cũng cần có ý thức trách nhiệm trông giữ vật nuôi, tránh thả rông. Khi bị chó mèo cắn chảy máu cần sơ cứu ban đầu bằng cách sát trùng, rửa sạch vết thương, dùng băng gạc sạch băng bó cầm máu và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được xử lý và điều trị kịp thời.
Đồng thời, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nam, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại dẫn đến những biến chứng khó lường.
Xem thêm video đang được quan tâm
Không khí tang thương bao trùm tại căn nhà vụ 3 bố con tử vong trên sông.