Dòng nước đục ngầu đang từng ngày cuốn đất, cát xuống lòng sông tại khu vực giáp ranh giữa thôn Đồng Lâm và thôn Phúc Tùng, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa. Những đoạn bờ sông chưa được xây kè kiên cố, đất ven bờ bị cuốn đi, dòng sông "ăn" sâu vào gần trục đường. Có điểm sạt lở dài hơn 100m, rộng từ 1,5m-3m, cao khoảng 1,5m-4m.
Nước sông cuồn cuộn cũng khiến một số điểm tại khu vực kè chống sạt lở bị hư hại. Một số đoạn có hiện tượng sụt lún, tạo thành những hố sâu, phần mái bị biến dạng. Tình trạng sạt lở vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, các vệt nứt chạy dài theo bờ sông, đe dọa cuốn đi nhiều diện tích đất ven bờ.
Ông Nguyễn Văn Song, trú thôn Phúc Tùng, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, mưa lũ khiến tình trạng sạt lở gia tăng, uy hiếp đất đai, nhà cửa của người dân.
"Mới đầu mùa mưa lũ, nhưng hiện đã có những chỗ xảy ra sạt lở. Thấy sạt lở như vậy khiến người dân chúng tôi rất lo lắng", ông Song cho biết.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, địa phương đã lên phương án đảm bảo an toàn cho người dân trước hiện trạng sạt lở bờ sông.
"Khi có mưa lũ, chính quyền địa phương cử cán bộ đến trực tiếp, tuyên truyền người dân nếu như sạt lở tiếp tục xảy ra mà nguy hiểm thì phải di dời. Thời gian tới, mong chủ đầu tư, đơn vị thi công khắc phục những chỗ sạt lở, tiếp tục đầu tư, thi công những đoạn kè đã giải phóng mặt bằng mà chưa thi công", Chủ tịch UBND xã Đức Hóa cho biết.
Hơn 10 năm trước, bờ sông Gianh đoạn qua thôn Xuân Hạ, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa vẫn có một vùng bãi bồi rộng. Đây là diện tích đất sản xuất màu mỡ, gần đó là nơi định cư của người dân. Ở phía ngoài bờ sông là rặng cây bần dày để giữ đất.
Từ ngày rặng bần biến mất, bờ sông xuất hiện tình trạng sạt lở. Mùa nắng sạt lở ít, còn cứ đến mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, chảy xiết cuốn đi từng mảng đất lớn.
"Trước đây, bờ sông cách nhà dân từ 30 - 40m, nay có đoạn chỉ còn gần 10m. Với tình hình sạt lở như thế này, chỉ khoảng vài năm nữa, tuyến đường dân sinh sát sông sẽ bị đe dọa. Những năm gần đây, không chỉ mùa mưa, mùa nắng bờ sông cũng bị sạt lở. Ở vùng ven sông trước đó chúng tôi chỉ chịu cảnh ngập lụt, nhưng nay bờ sông lại xuất hiện tình trạng sạt lở", ông Nguyễn Đức Ái, trưởng xóm 3, thôn Xuân Hạ cho biết.
Theo ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình, đơn vị thường xuyên tham mưu, đề xuất lên cấp trên để thực hiện công tác duy tu, bảo dương đê điều.
"Chi cục đề xuất, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để duy tu, bảo dưỡng đê điều thường xuyên để tránh việc xuống cấp của các tuyến đê. Hằng năm, có thể duy tu các vị trí xung yếu có nguy cơ mất an toàn. Các xã, phường, các huyện cũng xây dựng phương án hộ đê nếu trong tình huống sự cố xảy ra thì địa phương phải kịp thời khắc phục để đảm bảo an toàn", ông Tiến cho biết.
Nhận định việc duy tu, bảo dưỡng và xử lý các sự cố đê điều xuống cấp là nhiệm vụ cấp bách nhằm tăng cường khả năng chống bão lũ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Mới đây Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình thống nhất trích kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn hợp pháp khác để thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều.
Bờ sông sạt lở nghiêm trọng sau mưa lũ uy hiếp nhà dân ở TP. Huế.