SKĐS - "Nguyện vọng của tôi là gắn bó với các cụ ở đây cho đến bao giờ tôi không còn làm được gì nữa thì thôi. Dù không được hợp đồng tôi cũng muốn tự nguyện ở lại để chia sẻ, để giúp đỡ, để chăm sóc, cùng với mọi người lo cho các cụ, nhất là lúc yếu đau".

'Người đàn bà điên' ở trại phong Quả Cảm- Ảnh 1.

Niềm vui nhất bây giờ là hàng ngày được chia sẻ, giúp đỡ, chăm sóc các cụ bệnh nhân.

Nằm cách Hà Nội khoảng 45km, trại phong Quả Cảm (Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh) thuộc xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, được thành lập từ năm 1913. Hơn một thế kỷ trôi qua, nơi đây từng được mệnh danh là "vùng đất chết" bởi phía sau cánh cổng trại ấy, là biết bao đau thương, cay đắng và tủi nhục của những phận đời xấu số.

Tôi đến trại phong Quả Cảm vào một sáng cuối tuần tháng 8. Hôm ấy trời mưa, phải mất khá nhiều thời gian di chuyển tôi mới có mặt tại đây. Thật may, trời đã tạnh, nhưng cũng đã gần giờ trưa.

Trại phong Quả Cảm nằm khuất sâu trong Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh, dưới chân mấy ngọn đồi. Con đường dẫn vào trại càng đi sâu càng thấy vắng vẻ, im lìm. Chỉ có tiếng tiếng thợ kèn khóc đám ma văng vẳng, khiến không gian ở đây càng trở nên lạnh lẽo.

'Người đàn bà điên' ở trại phong Quả Cảm- Ảnh 2.
'Người đàn bà điên' ở trại phong Quả Cảm- Ảnh 3.
'Người đàn bà điên' ở trại phong Quả Cảm- Ảnh 4.

Trại phong Qủa Cảm nằm dưới chân mấy ngọn đồi, càng đi sâu càng vắng vẻ, im lìm.

Thì ra ở đây có đám tang! Chỉ có cái rạp đơn sơ, lác đác mấy người đang chuẩn bị cơm nước. Hỏi ra mới biết có một cụ bệnh nhân phong vừa mất đêm qua, hơn 80 tuổi.

Trong số những người ở đám tang, tôi nhận ra bà Xuân, y tá Nguyễn Thị Xuân. Không phải vì tôi biết bà từ trước, mà là qua những tấm ảnh của bà trên… báo. Ở Quả Cảm, không ai không biết Xuân.

'Người đàn bà điên' ở trại phong Quả Cảm- Ảnh 5.

"Hàng ngày toàn những việc không tên, cứ từ sáng đến tối!"

Bà Xuân ngoài đời có vẻ già hơn trong ảnh, nhưng gương mặt vẫn toát lên sự hiền lành, chất phác, mái tóc đã bạc quá nửa, dáng đi lom khom, có nét gì đó đau khổ. Thi thoảng đầu bà lại run run giống như người bị Parkinson.

Mặc dù đang bận chuẩn bị đám, thế nhưng bà Xuân vẫn đồng ý dành cho tôi một khoảng thời gian. Lúc ấy là giờ ăn trưa. Đi qua con dốc, bà dẫn tôi lên Tổ trọng điểm. Ở một góc sân lát gạch đỏ, dưới một tán cây mít già, cuộc trò chuyện của tôi với người phụ nữ ấy bắt đầu.

'Người đàn bà điên' ở trại phong Quả Cảm- Ảnh 6.

Y tá Nguyễn Thị Xuân sinh năm 1957, năm nay bà 66 tuổi, nhưng lại có đến 36 năm gắn bó với trại phong Quả Cảm. Tức là quá nửa cuộc đời mình, bà đã ở đây, chứng kiến biết bao đổi thay của số phận và cuộc đời.

Bà tâm sự, bản thân là người theo đạo công giáo, khi còn trẻ, bà được đọc một cuốn sách có tên "Lạc quan trên miền thượng", nội dung viết về một linh mục người Pháp sang Việt Nam, đi lên vùng Di Linh (Lâm Đồng) tìm những người bị bệnh phong vùng dân tộc về chăm sóc.

Đọc xong bà suy nghĩ: "Mình cũng phải làm gì chứ?"

"Thế là tôi đi tìm và tìm thấy trại phong Quả Cảm này!"- bà kể lại.

'Người đàn bà điên' ở trại phong Quả Cảm- Ảnh 7.

Ngày bà đến Trại phong Quả Cảm, hoàn cảnh các cụ bệnh nhân ở đây đáng thương lắm! Lúc đó có gần 300 bệnh nhân, người thì cụt chân, cụt tay, người thì mù mắt, mà 3-4 người mới có một gian để ở, nhà thì dột nát, đường đi thì đường đất.

Thời điểm đó bà Xuân đang là cô giáo mầm non, ngày thường phải đi dạy, chỉ có chủ nhật được nghỉ mới vào với các cụ. Trong một lần đi thăm, bà gặp một ông cụ bệnh nhân phong nằm trong góc nhà, trên mấy tấm ván chứ cũng không có giường.

Bà nhớ lại: "Năm ấy là năm 1987, còn khó khăn mà nghèo lắm! Cụ ấy cứ ao ước muốn gặp lại con cháu. Mà cụ quê ở tận Hà Tây. Lúc ấy tôi cũng không có điều kiện để đưa cụ về gặp được. Tôi cũng chỉ biết khuyên cụ xa như thế mà con cháu không đến thăm thì thôi cụ cố gắng! Rồi đến chủ nhật tuần sau, khi tôi vào thì cụ vừa mất!"

'Người đàn bà điên' ở trại phong Quả Cảm- Ảnh 8.

Không chỉ là người chăm sóc, bà Xuân còn là người chia sẻ, lắng nghe mọi tâm sự của bệnh nhân.

Thời điểm cụ mất lúc đó không có đông người, tang lễ chỉ có mấy bệnh nhân đưa cụ lên núi chôn, không có một tiếng khóc, cũng không có lấy một vành khăn tang… Lúc đó, bà vô cùng cảm thương cho hoàn cảnh của cụ, cũng như bao bệnh nhân ở cái nơi "lạnh lẽo" này, họ ra đi một cách lặng lẽ giống như chưa từng tồn tại trên thế gian vậy. Có chăng, họ chỉ sống trong kí ức của những người mắc bệnh phong nơi đây.

"Tôi nghĩ bây giờ cuộc sống của tôi ở đâu cũng được, vì tôi là người theo đạo công giáo, mà lại đi tu tại gia, thế nên cũng không có gì lệ thuộc, cũng không có ràng buộc gì nhiều nữa, thế là tôi quyết định bỏ nghề để lên đây" – bà kể lại.

Rồi hành trình của bà bắt đầu từ đó. Năm ấy, bà 30 tuổi và chưa lập gia đình.

'Người đàn bà điên' ở trại phong Quả Cảm- Ảnh 9.

Suốt 36 năm qua, bà Xuân vẫn ngày ngày đi trên con dốc quen thuộc để đến với bệnh nhân phong.

'Người đàn bà điên' ở trại phong Quả Cảm- Ảnh 10.

Bà kể lại, khi quyết định bỏ nghề giáo viên để lên trại phong Quả Cảm, gia đình, bạn bè, tất cả mọi người không ai ủng hộ bà, ai cũng phản đối, thậm chí còn bảo bà bị điên, thần kinh. Thì cũng dễ hiểu thôi, bởi có ai lại đi chọn bỏ một nghề giáo viên "cao quý" để đến cái "xó" mà cả xã hội lúc bấy giờ "tránh hơn tránh tà" như trại phong?! Đúng là chỉ có người điên mới đi làm như vậy!

"Lúc ấy kỳ thị lắm, không phải kỳ thị bệnh phong mà kỳ thị cả tôi. Tôi đi đâu người ta cũng gọi tôi bằng cái biệt danh 'Xuân hủi'. Ngày xưa người ta không gọi là phong đâu mà gọi là hủi! Đưa các cháu đi chỗ nào người ta cũng nói kiểu chế giễu: 'hủi mẹ lại dẫn một lũ hủi con đi'. Nhiều khi đang ngồi chơi nói chuyện mà hỏi đến làm ở đâu, bảo làm ở trại phong cái là họ cũng né né mình họ cũng ngại. Nhưng cũng may mình cũng có cái chí kiên nhẫn, kệ ai nói gì thì nói. Nghe nhiều cũng thành quen" – bà kể lại.

Hàng ngày, bà tất bật với công việc phục vụ, giúp đỡ bệnh nhân, từ lau nhà, giặt giũ quần áo cho đến tắm rửa, toàn việc không tên, cụ này cần cái này, cụ kia cần cái kia, rồi quét dọn, làm dép, tay chân giả, sửa chân giả… cứ từ sáng đến tối không có lúc nào ngơi nghỉ. Đường đi lúc bấy giờ còn là đường đất chứ không có đường bê tông như bây giờ. Thấy các cụ đi lại khó khăn, bà còn tình nguyện cõng các cụ đi khám bệnh.

'Người đàn bà điên' ở trại phong Quả Cảm- Ảnh 11.

Y tá Nguyễn Thị Xuân chăm sóc cho bệnh nhân phong không đi lại được.

Cảm động trước tinh thần và tấm lòng của bà, giám đốc bệnh viện lúc đó đã bảo bà nếu không sợ bệnh thì đi học lấy bằng y tá, về sẽ nhận bà vào làm việc. Thế là năm 1988, bà vào trại phong Quy Hòa ở Quy Nhơn, Bình Định học một khóa y tá.

Thế nhưng khi học xong về, bà chưa được nhận vào ngay, mà còn phải đợi 'các bác' (lãnh đạo bệnh viện) xem xét vì chưa có ai tình nguyện đi vào cái trại phong như thế này, thành ra 'các bác' còn điều tra lại hồ sơ. Mãi đến tháng 3/1992, bà mới chính thức trở thành y tá của trại phong Quả Cảm.

Bà nói: "Đạo công giáo dạy tất cả mọi người đều là anh em với nhau, phải quan tâm hơn đến những người đau khổ, những người bị bỏ rơi. Kinh thánh dạy Chúa lúc sống cũng giúp đỡ những người bệnh tật, chữa lành những người bệnh phong, thương những người mù, người què, mình cũng phải học theo Chúa để phục vụ, chia sẻ, sống đạo yêu thương, vượt qua được những khó khăn".

'Người đàn bà điên' ở trại phong Quả Cảm- Ảnh 12.

"Nhiều người hỏi tôi ở đây có gì mà cứ thích ở. Chẳng có chỗ nào là không khó khăn. Mình sống với người phong thì lại càng khó khăn hơn. Nhưng mà cái khó khăn đấy vì Chúa mình làm. Vì thương, chữ thương nó nặng hơn cái khó thì mình vẫn vượt qua được. Vì thương mình mới có sức, nghị lực để vượt qua những thử thách. Chúa cũng dạy: "Những người đau khổ là chi thể của Chúa", vậy nên mình chăm sóc các cụ đang đau khổ cũng coi là phục vụ chi thể của Chúa." – bà tâm sự.

Và thế là bằng tình thương, nữ y tá "Xuân hủi" đã vượt qua mọi kì thị, rào cản, khó khăn để đến với những mảnh đời xấu số, bất hạnh ở trại phong Quả Cảm. Thời gian thấm thoát, sau 25 năm gắn bó với bệnh nhân phong, đến năm 2012, bà Xuân cũng được nghỉ hưu. Những tưởng bà sẽ chọn trở về quê hương sống an hưởng tuổi già. Thế nhưng không, "người đàn bà điên" ấy đã lựa chọn xin ở lại.

"Khi về hưu, các bác cũng hỏi nguyện vọng thì tôi bảo tôi muốn ở lại đây để giúp bệnh nhân. Sở Y tế Bắc Ninh cho tôi hợp đồng sau hưu, giờ đã là năm thứ 12 rồi!" – bà kể.

'Người đàn bà điên' ở trại phong Quả Cảm- Ảnh 13.

Bà cho biết: "Khi chứng kiến những hoàn cảnh không con không cháu, lúc sống cô đơn, chết cũng cô đơn, mình cảm thấy xót lắm! Cho nên đến bây giờ có tuổi cũng vẫn không muốn đi đâu, vẫn muốn xin được ở đây để chăm sóc, để chia sẻ, giúp đỡ!"

Bà bảo những bệnh nhân một khi đã vào đây thì gần như là án "chung thân". Có người vào từ khi còn nhỏ, đến nay đã tám, chín mươi tuổi. Mấy chục năm cô quạnh, có khi chưa bước chân ra khỏi cổng bệnh viện. Vậy nên họ chỉ ao ước về quê, hay gặp lại người thân lấy một lần trước khi chết nhưng cũng không được!

"Có những người suốt mấy chục năm, thậm chí đến tận lúc chết cũng không có người thân nào thăm hỏi. Vậy nên họ cô đơn lắm! Nhất là những lúc trái gió trở trời, đêm hôm vắng vẻ, người ta khao khát lắm, chỉ nghĩ làm sao được nhìn lại người thân lấy một lần thôi mà cũng khó khăn. Cho nên cái cô đơn đấy nó dày vò họ, khổ lắm!"

'Người đàn bà điên' ở trại phong Quả Cảm- Ảnh 14.
'Người đàn bà điên' ở trại phong Quả Cảm- Ảnh 15.

"Có những người suốt mấy chục năm, thậm chí đến tận lúc chết cũng không có người thân nào thăm hỏi. Vậy nên họ cô đơn lắm!"

"Các cụ lúc yếu đau, cuối đời là thương lắm. Lúc sắp chết ai cũng muốn có người thân ở bên cạnh nhưng các cụ thường thì không có. Nên mình cũng cố gắng làm sao ở bên cạnh các cụ những giờ phút cuối đời để các cụ yên tâm, mình cũng cảm thấy thoải mái hơn một chút vì được ở bên cạnh họ đến giờ phút chót, được chứng kiến hơi thở cuối cùng của họ. Đấy là một cái phúc! Bố mẹ mất sớm, các cụ cô đơn thế này mình cũng coi như bố mẹ mình, như người thân. Thành ra được chăm sóc họ đến phút chót cũng vui lắm. Việc làm rất nhỏ bé, âm thầm, nhưng lại rất cần cho những người cô đơn đang cần sự hiện diện của mình" – bà nói.

Ngồi nhẩm lại một lúc, bà cho biết từ ngày về trại phong này, bà đã đưa hơn 200 cụ lên nghĩa trang rồi. Lúc đến đây gần 300 bệnh nhân mà bây giờ còn có hơn 5 chục cụ.

'Người đàn bà điên' ở trại phong Quả Cảm- Ảnh 16.

Bà y tá Xuân năm nay cũng đã ở cái tuổi xế chiều, gần 70 rồi. Bà tâm sự: "Cũng có lúc cảm thấy cô đơn, nhưng nghĩ các cụ còn cô đơn hơn mình. Vì mình cô đơn nhưng còn được đi đây đi đó, còn có người nọ người kia. Nhưng các cụ cô đơn thì chẳng có ai! Mình cô đơn mình vẫn còn đủ chân, đủ tay, vẫn còn có tai nghe, mắt nhìn, vẫn có bạn bè, đồng nghiệp, có người này người kia thông cảm, nhưng các cụ cô đơn thì chẳng có ai thông cảm, chia sẻ!"

Vậy nên từ khi có bà ở đây, việc to việc nhỏ các cụ đều nhờ đến bà. Bà nghĩ mình được làm việc đó cũng như làm cho bố mẹ mình vậy!

"Đây là một gia đình của tôi, đã mấy chục năm nay rồi! Vì mọi người thương mình, mình cũng thương mọi người, trong cái tình thương đấy nó gắn kết, thiêng liêng lắm! Không thể tả được, không thể nói được hết nhưng nó rất thiêng liêng trong cái tình gia đình. Người già thì như ông bà, bố mẹ, các cháu thì như con cháu của mình" – bà khẳng định.

'Người đàn bà điên' ở trại phong Quả Cảm- Ảnh 17.

Chẳng thế mà mỗi lần phải có việc đi xa, bà Xuân không khỏi lo lắng, bất an.

"Cụ nào cũng muốn tôi ở nhà, mà tôi cũng ở nhà khi các cụ mất. Cho nên khi phải đi đâu một vài ngày cũng cứ trăn trở, lo lắng lắm!" – bà giải thích.

"Nguyện vọng của tôi là gắn bó với các cụ ở đây cho đến bao giờ tôi không còn làm được gì nữa thì thôi. Dù không được hợp đồng tôi cũng muốn tự nguyện ở lại. Tôi đã xây mộ ở đây rồi! Nếu mà chết tôi cũng muốn "sống" với bệnh nhân ở đây! Gia đình không đồng ý cho tôi ở đây, muốn đưa tôi về quê cùng với bố mẹ nhưng nguyện vọng tôi vẫn muốn ở đây." – bà tâm sự.

Bà chia sẻ, niềm vui nhất bây giờ là hàng ngày được ở đây, để được chia sẻ, giúp đỡ, chăm sóc các cụ bệnh nhân. Rất nhỏ thôi nhưng với bà, được đến với các cụ cũng như là được đến với người thân của mình.

"Được ở đây là vui chứ cũng không dám mơ cái gì khác!" – bà quả quyết.

'Người đàn bà điên' ở trại phong Quả Cảm- Ảnh 18.

Cuộc trò chuyện giữa tôi và người phụ nữ ấy bị ngắt quãng bởi một cuộc điện thoại. Bà phải xuống khu dưới để chuẩn bị tang lễ cho cụ mới mất hôm qua. Ấy vậy mà đã gần 2 giờ chiều. Nói chuyện với bà, thời gian giường như trôi nhanh hơn. Thế là vì "tiếp" tôi mà bà cũng chưa kịp ăn uống gì đã phải chạy đi.

Tạm biệt "người đàn bà điên", tôi lang thang một mình qua những dãy nhà vắng lặng, bước qua những bậc thềm gạch đã phủ đầy rêu xanh, giống như rất lâu rồi chưa có ai đi qua đây. Các cụ bệnh nhân nay đã ra đi gần hết, chỉ còn những dãy nhà hoang vắng.

Người đàn bà ấy, không chồng, không con, nhưng lại vô cùng quả cảm, giống như cái tên của nơi đây vậy. Trong đầu tôi cứ văng vẳng một bài thơ của một cụ bệnh nhân phong năm nay đã hơn 90 tuổi:

"Sao Sơ lại đi lạc vào đây

Để cho vất vả hàng ngày Sơ ơi

Vất vả Sơ cũng vào đến tận nơi

Làm cho người bệnh đổi đời nở hoa…".

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn