Hà Nội

Người bệnh gan nào đủ điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19?

16-08-2021 06:45 | Y học 360
google news

SKĐS - Ngày 10/8, Bộ Y tế đã ban hành "Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19". Tuy nhiên, áp dụng trên những người mắc bệnh gan cụ thể như thế nào là điều rất nhiều người bệnh và cả nhân viên y tế quan tâm.

Người bệnh gan nào đủ điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19?

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ban hành Quyết định 3802/QĐ-BYT về việc ban hành "Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19", áp dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng Nhà nước và tư nhân trên cả nước. Quyết định có hiệu lực từ ngày 10/8 và bãi bỏ các văn bản số 2995/QĐ-BYT; số 3445/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Trước hết, chúng ta phải khẳng định rằng, việc tiêm chủng vaccine phòng COVID- 19 cho người dân là việc làm cần thiết trong tình hình hình dịch COVID-19 hiện nay. Căn cứ theo hướng dẫn, người mắc bệnh gan có thể được phân loại đối với tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn như: các đồi tượng đủ điều kiện tiêm chủng, các đối tượng cần thận trọng khi tiêm chủng, các đối tượng trì hoãn tiêm chủng và các trường hợp chống chỉ định.

Người bệnh gan nào đủ điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19? - Ảnh 1.

Bệnh gan có nhiều thể và tình trạng bệnh khác nhau nên cần được quan tâm khi sàng lọc người tiêm vaccine COVID-19

Các đối tượng trì hoãn tiêm chủng

-Những người mắc bệnh gan cấp tính, xơ gan mất bù có suy gan nặng có biểu hiện lâm sàng mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ, vàng da, vàng mắt, cổ chướng…thuộc đối tượng trì hoãn khi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Các đối tượng được tiêm chủng

Các đối tượng có bệnh gan sau đây nếu thuộc các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng và không có chống chỉ định thì được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19:

- Các trường hợp bệnh gan thuộc các đối tượng được tiêm chủng nhưng cần thận trọng khi tiêm chủng như xơ gan có tiền sử giảm tiểu cầu, tỷ lệ prothrombin giảm.

- Những người mắc bệnh gan cấp tính, mạn tính bao gồm viêm gan virus B, xơ gan còn bù đang điều trị ổn định. Người bệnh gan đã và đang điều trị ổn định có nghĩa là lâm sàng bình thường, men gan không tăng cao, không có biểu hiện xơ gan mất bù.

- Những trường hợp viêm gan B mạn tính không hoạt động chưa có chỉ định điều trị thuốc kháng vi rút viêm gan B bao gồm cả các trường hợp có tải lượng HBV DNA cao.

- Những trường hợp viêm gan virus C mạn tính đã điều trị khỏi, hoặc đang điều trị thuốc kháng virus trực tiếp hoặc chưa điều trị. 

Người bệnh gan nào đủ điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19? - Ảnh 2.

Cần sàng lọc chính xác trước khi tiêm vaccine COVID-19 để tránh bỏ sót đối tượng cần tiêm

Lời khuyên với người mắc bệnh gan trong dịch COVID-19

Người bệnh được chẩn đoán viêm gan B không hoạt động chưa cần điều trị và người bệnh viêm gan virus B, C đang điều trị, nhất là viêm gan B ổn định cần nắm rõ tình trạng bệnh tật của mình, phương pháp đang điều trị hiện tại và có thể trao đổi với bác sĩ điều trị của mình về thông tin tình trạng bệnh, về khả năng tiêm vaccine COVID-19 trước khi đi tiêm chủng vaccine phòng COVID- 19, nếu cần.

Khi đến điểm tiêm chủng, cần thông báo với cơ sở tiêm chủng về tình hình bệnh viêm gan trước tiêm, tốt nhất là mang theo sổ khám bệnh của bác sĩ khi đi tiêm chủng.

Người mắc bệnh viêm gan sau khi khám sàng lọc nếu đủ điều kiện tiêm chủng thì các lưu ý được hướng dẫn sau tiêm chủng giống như tất cả các trường hợp được tiêm chủng không mắc bệnh gan.

Một điều lưu ý quan trọng nữa đối với người bệnh đang điều trị viêm gan B,C trong hoàn cảnh dịch COVID-19 bùng phát này là:

Ngoài việc cần phải tiêm chủng vaccine thì các bạn cần phải tiếp tục uống thuốc đầy đủ. Không được ngừng thuốc trước và sau tiêm, vì việc tiêm chủng vaccine không ảnh hưởng đến việc điều trị hay chưa điều trị. 

Nếu ngừng thuốc điều trị sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị (bùng phát viêm gan, kháng thuốc, biến chứng xơ gan, ung thư gan). Nếu trong khu vực phòng tỏa không đến khám được tại cơ sở y tế đang theo dõi điều trị hãy mang theo đơn thuốc đến hiệu thuốc để mua thuốc hoặc gọi điện tư vấn bác sĩ điều trị.

Xem thêm video được quan tâm:

Vũ điệu 5K phòng ngừa lây nhiễm COVID-19




TS. BS Cao Thị Thanh Thủy
Trung tâm khám bệnh số 1, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn