Ngữ pháp học sinh: "Hãi hùng" với tiếng Việt

19-01-2013 15:03 | Thời sự
google news

Tình trạng học sinh sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt một cách cẩu thả, câu văn sai cú pháp, tối nghĩa, lạm dụng ngôn ngữ ngoại lai đang ở mức "báo động đỏ" và trở thành hiểm hoạ lớn.

Tình trạng học sinh sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt một cách cẩu thả, câu văn sai cú pháp, tối nghĩa, lạm dụng ngôn ngữ ngoại lai đang ở mức "báo động đỏ" và trở thành hiểm hoạ lớn.

"Hãi hùng" với tiếng Việt

Mặc dù đã dạy môn văn gần chục năm nay, nhưng cô Thanh Tâm - giáo viên Trường THPT Tân Lập, Hà Nội nhiều khi vẫn không thể nén nổi nỗi ngán ngẩm khi đọc những bài văn với ngữ pháp ngây ngô, sai be bét về cấu trúc câu của học sinh cấp 3. Cô cho biết: "Đặc biệt ở thế hệ 9X, càng ngày văn phong, ngữ pháp và câu chữ càng bị biến tướng mà không biết các em học ở đâu. Nhà trường, giáo viên văn suốt ngày phải đi sửa cho các em".
Ngữ pháp học sinh: "Hãi hùng" với tiếng Việt 1
Giờ học văn của cô trò Trường THPT Kinh Môn (Hải Dương).

Cô Tâm dẫn chứng, nhiều bài văn của học sinh lớp 10 mà câu cú còn không thể dịch nổi: "Tình yêu" thì viết thành "tình iu", "nhiều" thì viết thành "nhìu", "quá" viết thành was/qa, "tấm lòng" thì viết thành "tấm nòng" trong khi "nòng súng" thì viết thành "lòng súng". Rồi chấm phẩy loạn lên, chưa hết câu đã chấm (.). Trong khi có câu đọc đến suýt "tắt thở" mà vẫn chưa thấy dừng.

Những "biến tướng" này thoạt nhìn có vẻ như vô hại nhưng nó đang dần để lại một hậu quả khó lường là học sinh không thể viết đúng ngữ pháp một văn bản.

Còn theo thầy Hoàng Minh Lường - Chủ nhiệm bộ môn tiếng Việt thực hành - Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: "Học sinh đang lạm dụng thái quá các "biệt ngữ", câu văn phá cách tới kỳ dị khiến cho ngữ pháp, ngôn ngữ dân tộc đứng trước nguy cơ mất dần vẻ đẹp vốn có của nó".
Ngữ pháp học sinh: "Hãi hùng" với tiếng Việt 2
Bài văn của một học sinh lớp 9, Trường THCS Liên Trung, Hà Nội.

Trắc nghiệm môn văn có phù hợp?

Khi được hỏi về nguyên nhân các em học sinh viết sai ngữ pháp, có những biến tướng tiêu cực về ngôn ngữ, Giáo sư Phan Trọng Luận - Tổng chủ biên SGK lớp 10, cho biết: "Về mặt khách quan, đó là những nguyên nhân ngoài ngôn ngữ như: Xu hướng đổi mới, sự thay đổi, sự hội nhập, các trào lưu xã hội, sự bùng nổ của Internet. Về mặt chủ quan thì giới trẻ muốn tìm sự khác biệt, mới lạ, tư duy cần phải tạo nên sự khác biệt đang làm rối ren văn tự nước nhà, làm biến dạng bộ mặt của ngữ pháp dân tộc”.

Giáo sư Phan Trọng Luận cho biết: "Có một thời chúng ta đưa trắc nghiệm vào môn ngữ văn, nhưng sau đó không phù hợp. Sử dụng trắc nghiệm trong môn văn không thể bộc lộ, biểu hiện được hết tâm tư, tình cảm và làm hạn chế khả năng diễn đạt ngữ pháp của học sinh".

Cô Nguyễn Thu Hằng - giáo viên văn Trường THPT Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) cũng chia sẻ: "Chương trình giảng dạy trong nhà trường còn nặng về cung cấp kiến thức về ngữ pháp hơn là thực hành ngữ pháp, nên khả năng tạo lập câu văn, văn bản của học sinh rất kém. Trong cấu tạo của đề thi cũng rất coi nhẹ phần tiếng Việt trong nhà trường”. Cô cũng đề xuất: "Chúng ta nên đưa phần thi tiếng Việt, tạo lập câu vào thi ĐH, từ đó giúp giáo viên, học sinh nhận thức đúng đắn hơn về tầm quan trọng của môn tiếng Việt".

Ngoài ra, nhiều giáo viên và các nhà nghiên cứu cũng cho rằng việc sử dụng hình thức trắc nghiệm trong môn văn cũng đang làm hạn chế khả năng tư duy, cảm xúc và vốn ngữ pháp của học sinh.

Thầy Đỗ Tấn Ngọc - giáo viên văn ở Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) thì cho biết: "Chất lượng tư duy văn học của học sinh nằm ở khả năng cảm thụ có chiều sâu về cái đẹp thông qua ngữ pháp, ngôn từ biểu đạt. Hình thức thi trắc nghiệm sẽ triệt tiêu cơ hội tìm tòi và sáng tạo những khát vọng diễn đạt độc đáo của các em".

Vì vậy, ngành giáo dục cần có hành động gấp để giữ gìn và phát huy vẻ đẹp bền vững, chuẩn mực ngữ pháp của tiếng Việt trước khi quá muộn.

Theo Nguyễn Thị Hà (Dân Việt)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn