Ngộ độc văn hóa và sự chai lỳ lòng tự trọng?

14-03-2013 10:19 | Xã hội
google news

Báo chí trong nước lại vừa phát hiện ra bộ sách "Tiếng Hoa dành cho trẻ em" của Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp TP.HCM, đối tác liên kết xuất bản là Công ty cổ phần giáo dục và công nghệ thế giới thông minh gồm 3 tập, trong đó tập 1 có in bản đồ hình lưỡi bò ở bài học 14, trang số 35.

Báo chí trong nước lại vừa phát hiện ra bộ sách "Tiếng Hoa dành cho trẻ em" của Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp TP.HCM, đối tác liên kết xuất bản là Công ty cổ phần giáo dục và công nghệ thế giới thông minh gồm 3 tập, trong đó tập 1 có in bản đồ hình lưỡi bò ở bài học 14, trang số 35. Bài học 14 in các hình ảnh kèm từ khóa như Bắc Kinh, quốc kỳ và phần từ khóa Trung Quốc in hình bản đồ Trung Quốc và vùng đảo xung quanh, trong đó có phần chồng lấn chủ quyền với Việt Nam và các quốc gia khác. Đây là sách tái bản với số lượng in 2.000 cuốn, có quyết định tái bản từ ngày 25/7/2011 nhưng hiện nay mới chỉ là “Công an phường 15 lập biên bản vi phạm hành chính, niêm phong 132 cuốn sách là tang vật của vụ việc”.

Chỉ trong thời gian ngắn, 5 cuốn sách dành cho trẻ thơ có những sai phạm nghiêm trọng và điều lạ nhất là tầng tầng lớp lớp những người có trách nhiệm liên quan tới ấn phẩm từ tác giả, biên tập tới nhà xuất bản, đối tác liên kết, Cục Xuất bản... không ai phát hiện ra mà người phát hiện lại là các cháu và các vị phụ huynh! Sách dạy trẻ thơ lại do trẻ thơ phát hiện ra sai sót trong khi những người dạy trẻ lại yên tâm từ sản phẩm của mình, yên tâm chờ lợi nhuận từ sách thì quả là chuyện lạ chắc chỉ có ở nước ta.

Ngộ độc văn hóa và sự chai lỳ lòng tự trọng? 1
Sách luyện từ và câu lớp 3 có nhiều sai sót về lịch sử.

Có sai thì phải sửa nhưng sao những người làm sách là những “thầy” của các cháu chưa thấy ai đứng ra xin lỗi các cháu, xin lỗi phụ huynh, xin lỗi đồng bào cả nước ngoài việc giải thích rất vô trách nhiệm như "sơ ý", "in thử", "chẳng có gì" và giải pháp chỉ là thu hồi, trả tiền người mua sách là xong. Lạ quá, khi đáng ra những sai phạm nghiêm trọng, liên tiếp như thế này thì ở các nước văn minh, Bộ trưởng Giáo dục đã xin từ chức!

Vô tình hay vì lý do gì, cơ quan chức năng sẽ xem xét và kết luận, song điều khiến dư luận bức xúc là thái độ của những người liên quan tới sai phạm. Có thể nói, những “nhầm lẫn chết người” trong những cuốn sách dạy trẻ thơ trên nếu không được phát hiện kịp thời sẽ như thực phẩm bẩn, nhiễm khuẩn gây ngộ độc văn hóa cho lớp công dân tương lai.

Không thể tưởng tượng nổi trong Vở luyện từ và câu lớp 3, tập 2 của nxb Hà Nội do nhóm tác giả biên soạn gồm: Lê Ngọc Điệp (chủ biên), Lê Hữu Tỉnh, Xuân Thị Nguyệt Hà, Nguyễn Trí Dũng và Mai Nhị Hà lại có thể có những câu như thế này: “Quân Nam Hán đưa một đạo quân rất đông sang đánh nước ta. Lý Thường Kiệt dùng kế chôn cọc gỗ đầu bịt sắt nhọn dưới sông Bạch Đằng. Quân Nam Hán đến cửa sông vào lúc thủy triều lên che lấp các cọc nhọn. Lý Thường Kiệt cho thuyền nhẹ bơi ra khiêu chiến, vừa đánh vừa rút lui nhử cho giặc vào nơi quân ta mai phục. Vừa lúc ấy, thủy triều xuống, quân mai phục hai bên bờ sông đổ ra đánh rất mạnh. Giặc hốt hoảng quay thuyền chạy thì bị va vào cọc, thuyền bị đâm thủng hàng loạt. Cuộc xâm lược của địch hoàn toàn thất bại. Mùa xuân năm 939, Lý Thường Kiệt lên ngôi vua...”. Các “thầy” còn không phân biệt được Ngô Quyền và Lý Thường Kiệt chả trách các trò lớn lên, hàng loạt điểm 0 môn thi Lịch sử được một số quan chức giáo dục coi là bình thường chắc cũng là điều dễ hiểu! Dư luận bức xúc hơn khi thay lời xin lỗi là những giải thích: “Đây là cuốn vở luyện từ và câu, nên khi biên tập các biên tập viên chú trọng nhiều vào các lỗi về từ và ngữ pháp...” nên có thể xuyên tạc lịch sử chăng!? Giật mình hơn khi lãnh đạo NXB Hà Nội chỉ thấy: “Đây là một lỗi hết sức ngớ ngẩn, bởi vì ai cũng biết năm 938 Ngô Quyền đánh quân Nam Hán chứ không phải là Lý Thường Kiệt”. “Lỗi” chỉ có thể một chữ, sao có thể suốt cả đoạn văn dài?

Cái sai này lại lòi cái sai khác đó là sự bịp bợm của người làm sách “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ dành cho các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1" của NXB Dân Trí khi cóp nguyên xi từ sách nước ngoài nhưng không hề ghi xuất xứ lại dám giới thiệu “được biên tập dựa trên chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ÐT”! Không lẽ “thầy” có thể trí trá đến thế khi chưa lộ thì là sách của ta, có “cờ nước ngoài ở cổng trường” thì là sách dịch phải giữ nguyên bản!

Trường hợp cuốn "Bé làm quen với chữ cái" của tác giả Nguyễn Thị Thúy Hà, NXB Đại học Sư phạm lại càng khó hiểu. Đích thực là “sách của ta” mà bài 14 (học chữ C) lại có lá cờ của... Trung Quốc? Vậy ai đưa lá cờ này vào? Mục đích gì? Chúng ta không kỳ thị quốc kỳ nước ngoài nhưng sao dạy cho trẻ Việt Nam lại không minh họa chữ C, nghĩa “cờ” bằng cờ nước mình mà bằng cờ của nước ngoài? Trường hợp này với trường hợp “Lý Thường Kiệt lên ngôi vua” liệu là vô tình hay có chủ ý của ai đó thay cờ Tổ quốc bằng cờ Trung Quốc, thay Ngô Quyền bằng Lý Thường Kiệt? Và trường hợp sách “được biên tập dựa trên chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ÐT” có “cờ Trung Quốc ở cổng trường” nếu không bị phát hiện có thành sách dịch hay là sách để các cháu “tham khảo”, biết thêm?

Chúng ta không thể không cảnh giác, đề phòng các cháu bị ngộ độc văn hóa từ những thủ đoạn rất tinh vi trên mặt trận văn hóa giáo dục. Đến cuốn “Cầu vồng”, số Tết Quý Tỵ (Kỳ 9, tháng 2/2013) dành cho trẻ mẫu giáo (cũng của NXB Dân Trí) lại in hình 12 con giáp của Trung Quốc. Thà là giới thiệu văn hóa Trung Quốc thì đi một nhẽ nhưng các bài viết có chủ đề ngày Tết cổ truyền Việt Nam với văn hóa của người Việt Nam nhưng không hiểu sao lại có thể thay con mèo quen thuộc trong bộ 12 chi thành con thỏ của văn hóa Trung Quốc!

Cuốn sách tái bản của NXB Tổng hợp TP.HCM bị phát hiện gần đây nhất về sai phạm xuyên tạc chủ quyền chỉ riêng tái bản đã là 2.000 cuốn, vậy lần in trước đó là bao nhiêu và đã đầu độc bao nhiêu trẻ thơ Việt Nam về chủ quyền đất nước bị xuyên tạc?

Những sai phạm trên liệu có phải chỉ là sự thiếu thận trọng, cách làm sách cẩu thả của tác giả và những người liên quan không? Người viết bài này mong là như thế, nếu không sẽ nguy hại biết chừng nào khi những âm mưu xuyên tạc, đầu độc văn hóa tinh vi sẽ làm xuất hiện thêm nhiều ấn phẩm tương tự mà không thể kiểm soát nổi. Và để chấm dứt những sai phạm tương tự, thiết nghĩ không thể chỉ coi “đây là bài học đau đớn”, “cần rút kinh nghiệm nghiêm túc” mà thiếu những biện pháp xử lý nghiêm khắc để giúp những người chưa “cẩu thả, thiếu thận trọng” có được bài học làm gương.    

Lê Đức Trí



Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn