Trong các đầm hồ Hà Nội thì Hồ Gươm ở khu trung tâm, mang thông điệp sâu sắc nhất. Phải là người Hà Nội lâu năm mới cảm thấy "Tấm gương kim cổ nay còn đó!" với "Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo"...
Còn khách nước ngoài thì mỗi người có một góc độ cảm nhận khác nhau. Chị Mitsui Cook, người Mỹ gốc Nhật ở Hawai đã có lần dẫn tôi đi thăm Trân Châu Cảng, mừng rỡ gặp lại tôi ở nhà hàng Thuỷ Tạ bên hồ.
Chị nói với tôi cảm nhận của chị: "Ven hồ, với cây cao bóng cả là một câu lạc bộ thiên nhiên, nơi giao lưu tình người tuyệt vời, nơi nhân lên những quan hệ xã hội. Nơi đây, dân Hà Nội tập dưỡng sinh, đi bộ, vui chơi, gặp gỡ nhau... Tại nơi đây, tôi đã gắn bó với trái tim Việt Nam qua sự gắn bó với nhiều tầng lớp xã hội. Ở Việt Nam, các mối quan hệ quan trọng lắm. Mọi người luôn hỏi tôi: Chị từ nước nào đến? Chị ngụ ở phố nào trong thành phố? Chị bao nhiêu tuổi? Có chồng chưa? Chị định đi đâu nữa?... Người Hà Nội muốn biết đủ thứ về tôi. Tôi cảm thấy mình đã là một thành viên của "làng Hà Nội".
|
Chị tâm sự: "Tôi ở Hà Nội cách đây 6 năm, vào hồi Tổng thống Mỹ Clinton thăm Việt Nam. Vậy mà khi tôi trở lại nhà hàng Thủy Tạ này, tất cả các nhân viên ồ lên khi nhận ra tôi là khách hàng hay uống cà phê sáng. Mà cả triệu khách du lịch đã qua đây! Quả là người ở "làng Hà Nội" có trí nhớ thật dai! Khi tôi dẫn các bạn đến uống cà phê, nhân viên rất thích được biết tên tuổi và nghề nghiệp của họ. Anh xe ôm cũng quen tính tôi, cứ lên xe không cần mặc cả. Ở khu phố cổ, những người bán hàng đứng cửa mời chào quá "đon đả", không theo kiểu cách phương Tây. Không khí ở đây còn là các tiệm ăn, khách sạn, cà phê internet, công ty du lịch. Thanh niên hẹn hò nơi đây vui vẻ hoặc thường có những cuộc diễu hành thầm lặng bằng xe máy quanh hồ, họ cần tìm bạn, gặp bạn dưới con mắt trầm ngâm của tượng vua Lê...".
Chị C. Hawland là một nhà văn Anh chuyên viết về du lịch. Đến Việt Nam, chị mê quá, xin tạm nghỉ việc để ở lại đây 1 năm nhằm khám phá cái hấp dẫn của Việt Nam. Trong cuốn Hà Nội nghìn năm chị tặng tôi, chương Dạo quanh hồ Hoàn Kiếm là một hành trình khám phá lịch sử đất Việt qua phố phường thủ đô. Chị kể: "Dậy sớm, nhấm nháp hương vị cà phê Việt ở tiệm Bốn Mùa, có thể theo dõi thành phố bắt đầu tỉnh giấc. Rồi thẩn thơ đi bộ ngắm mặt hồ còn đâu đó bóng Rùa vàng và gươm thần Lê Lợi. Vòng sang Tràng Tiền là qua phố mang tên Đinh Tiên Hoàng đã dẹp loạn 12 sứ quân. Nhà Bưu điện từ thời Pháp, ngày xưa có lầu Ngũ Long của Chúa Trịnh, sau bị phá và xây lên chùa Báo Ân. Pháp phá xây đường, chỉ còn tháp Hòa Phong. Các sự kiện lịch sử sống lại dưới mỗi bước đi: tượng Paul Bert, vườn hoa gợi sự tích Lý Thái Tổ, đền Bà Kiệu, tượng Cảm tử quân... biết bao chuyện cũ và mới".
Nhà doanh nghiệp Nhật M. Takashi thì thưởng thức màu sắc và sự yên tĩnh của Hồ Gươm: "Gió hiu hiu thổi, ánh nắng rọi qua cây cối ven hồ. Một con bướm vàng lượn quanh bông hoa màu da cam. Bướm mang đến cho tôi một tình cảm thân thương. Hồ Gươm ở giữa thành phố nhưng không cho cảm giác là nơi nhộn nhịp nhất, mà là cảm giác yên tĩnh. Chung quanh có nhiều tòa nhà, nhưng không cao lắm. Ôtô và xe máy chạy quanh, nhưng không phá không khí tĩnh lặng. Đêm đến, ngồi uống cà phê trên gác trông xuống mặt hồ đen sẫm, ánh đèn phản chiếu như thêm ánh sáng cho hồ (Hà Nội trong mắt tôi, tiếng Nhật - Anh - Việt, 2005).
Một bác sĩ cũng là nhà thơ Mỹ E. Tick, là một chuyên gia tâm lý trị liệu, từ năm 2000, cứ 1-2 năm, ông lại dẫn một đoàn cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam bị bệnh tâm thần sang ta: cách chữa bệnh của ông là để họ hội nhập vào Việt Nam hòa bình với các huyền thoại để xua đuổi hình ảnh chiến tranh xưa. Lần nào sang, ông cũng mời tôi thuyết trình về văn hóa Việt Nam cho họ. Đối với ông, Hồ Gươm quan trọng vì là nơi gửi gắm huyền thoại biểu trưng Lê Lợi và gươm thần Kim Quy. Trong tập thơ Rùa vàng của ông (Mỹ- 2005), bài trường ca 250 câu thơ Huyền thoại về vua Lê Lợi, ông liên tưởng đến các vị anh hùng huyền thoại như vua Arthur và Washington: dùng gươm cứu nước rồi xây dựng hòa bình. E. Tick mong muốn "những độc giả nào muốn trả gươm lại cho Rùa vàng để xây dựng hòa bình, hòa giải và hữu nghị giữa Mỹ và Việt Nam hãy coi chuyện Hồ Gươm như chuyện bản thân họ!".
Bạn bè thế giới ghé thăm Hồ Gươm đã để lại những cảm tình nồng hậu và càng thấm đậm với nhận xét từ góc nhìn khoa học của tiến sĩ, kiến trúc sư Christiane Pédelahore trong bản luận án tiến sĩ (tại Trường đại học Paris VIII):
"Cho đến nay, những đầm hồ Hà Nội vẫn tiếp tục gửi gắm cho những ai biết lắng nghe chúng một bản thông điệp sâu sắc: Chúng tôi là âm bản của cơ thể thành phố này, là xương cốt của thành phố... Đối với dân thủ đô cũng như với khách vãng lai, chúng tôi là động cơ đã bị gây mê nhưng vẫn sống động của một sự tái tạo không gian và xã hội, rất có thể thực hiện trong tương lai."(Xem thêm số 122 SK&ĐS, ngày 1/8/2009)...
Hữu Ngọc