Nghĩ gì sau tin nhắn của cô giáo gửi phụ huynh ngày 20/10 đang xôn xao MXH?

18-10-2024 08:57 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - "Trong số những món quà phụ huynh gửi đến giáo viên, chắc chắn có nhiều món quà là sự thành tâm muốn tri ân thầy cô giáo của con họ. Dùng sự chân thành đối đáp lại sự chân thành, đó là điều chúng ta cần dạy cho thế hệ trẻ", giảng viên ngành Sư phạm chia sẻ.

Những năm gần đây, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 dường như được xem là một dịp lễ lớn trong năm. Mọi người dành những món quà và lời chúc tốt đẹp nhất dành cho người phụ nữ mình yêu thương, trân trọng.

Cùng chung ý nghĩa đó, ngày 20/10 cũng là một dịp để phụ huynh, học sinh tri ân cô giáo đã tận tụy dạy dỗ, yêu thương học sinh và chèo lái nhiều chuyến đò cập bến thành công. Vì vậy, cứ gần đến ngày này, nhiều phụ huynh hỏi nhau nên tặng quà gì cho cô giáo phù hợp. Có người chia sẻ thẳng thắn tặng "phong bì", có người nói tặng quà cho tế nhị và cũng không ít phụ huynh đặt câu hỏi: "Không tặng quà thì có làm sao không?"...

Giữa các luồng ý kiến khác nhau thì mới đây trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh chụp tin nhắn của giáo viên gửi trong nhóm lớp trước Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 đã thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng.

Tin nhắn "mong phụ huynh đừng bận tâm đến ngày 20/10" gây bão mạng xã hội

Tin nhắn được chia sẻ có nội dung: "Gửi quý phụ huynh thân mến! Sắp đến dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, cô giáo thật lòng mong phụ huynh đừng bận tâm chi đến ngày này. Trời gió, biển thì động, năm nay kinh tế lại khó khăn. Cô giáo cảm thấy rất áy náy khi nhận quà từ quý phụ huynh. Vậy nhé, chúng ta hãy cùng vui vẻ để cuộc sống bớt áp lực, bớt lo lắng. Vì ngày này không chỉ dành riêng cho cô mà dành cho tất cả chị em phụ nữ chúng ta. Cô giáo rất mong nhận được sự đồng cảm từ quý phụ huynh. Cảm ơn quý phụ huynh rất nhiều. Cuối lời, kính chúc các chị em phụ nữ chúng ta ngày 20/10 thật vui vẻ và hạnh phúc. Trân trọng!".

Nội dung tin nhắn còn chia sẻ: "Cô giáo sẽ hướng dẫn cho các em làm thiếp để chúc mừng cô nên phụ huynh đừng cho các em mua hoa để tránh lãng phí nhé".

Nghĩ gì sau tin nhắn của cô giáo gửi phụ huynh ngày 20/10 đang xôn xao MXH?- Ảnh 1.

Dòng tin nhắn của một cô giáo gửi phụ huynh trước Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10.

Sau khi nội dung tin nhắn được chia sẻ, nhiều người đã dành lời khen và bày tỏ sự xúc động trước việc làm của cô giáo vì đối với không ít phụ huynh, các ngày lễ trở thành một "gánh nặng" khi tặng quà cho giáo viên. Qua tìm hiểu được biết, cô giáo trong nội dung tin nhắn hiện đang công tác tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

"Khi dùng tâm để cư xử với nhau thì dù một tin nhắn, một lời hỏi thăm đều luôn mang lại cho thầy cô niềm hạnh phúc thật sự"

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ThS. Nguyễn Viết Hiền - giảng viên ngành Sư phạm Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, cả hệ thống giáo dục, có biết bao nhiêu thầy cô hàng ngày vẫn cặm cụi với sự nghiệp trồng người. Có thể thi thoảng chúng ta nhìn thấy những sự việc không phù hợp chuẩn mực đạo đức của cá nhân thầy/cô giáo nào đó, cộng đồng đổ dồn sự quan tâm vào vấn đề đó. Tuy nhiên, rất nhiều các thầy cô khác vẫn đang mỗi ngày "ươm mầm từng hạt giống" để thế hệ trẻ sau này lớn lên sẽ tiếp tục dựng xây và phát triển kinh tế của đất nước.

"Sau giờ dạy sinh viên chính quy, tôi vẫn tham gia dạy các lớp bồi dưỡng, bên cạnh những thầy cô đi học vì chuẩn hóa bằng cấp, chứng chỉ, thì vẫn còn rất nhiều thầy cô tự bỏ tiền đi học chỉ bởi vì mong muốn tự trang bị kiến thức cho mình để dạy tốt hơn vì thấy một vài học sinh cá biệt, chậm phát triển, khó dạy.

Khi chọn nghề giáo, niềm hạnh phúc của người thầy chính là nhìn thấy học sinh của mình chăm ngoan học giỏi, trở thành người có ích cho xã hội. Những người thầy thầm lặng ấy, mỗi ngày vẫn miệt mài với giáo án, bài vở để giúp các em. Nếu đặt mục tiêu kiếm tiền lên đầu, thì chắc chắn các thầy cô đã không chọn nghề giáo, hoặc nếu đã chọn cũng khó duy trì lâu dài với công việc này.

Nghĩ gì sau tin nhắn của cô giáo gửi phụ huynh ngày 20/10 đang xôn xao MXH?- Ảnh 2.

ThS. Nguyễn Viết Hiền - giảng viên ngành Sư phạm Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Tôi đọc hình ảnh tin nhắn đăng tải trên mạng xã hội, tôi mỉm cười vì thêm một bông hoa tâm hồn đẹp của một cô giáo. Dòng tin nhắn ấy làm ấm lòng biết bao người dù chúng ta không phải là phụ huynh của cô giáo ấy. Dòng tin nhắn ấy cũng là tiếng nói chung của biết bao thầy cô khác. Biết bao thầy cô, họ có thể xung phong về vùng sâu, vùng xa để mang con chữ đến cho các em hoàn cảnh khó khăn, họ có thể vận động chu cấp tiền để nối dài con đường học của những học sinh nghèo vượt khó. Có những thầy cô dành trọn số tiền tiết kiệm để ủng hộ nhân dân vùng thiên tai,... thì cớ gì họ trông mong tiền, quà, hoa ngày lễ.

Tuy nhiên, truyền thống văn hóa của dân ta "một chữ cũng của thầy, nửa chữ cũng của thầy", "tôn sư trọng đạo", "không thầy đố mày làm nên", … đã hình thành lễ nghĩa, đó cũng là sự tôn vinh của xã hội đối với nghề "trồng người". Nhận thì áy náy, không nhận cũng phải có "nghệ thuật từ chối".

Trước khi tôi là giảng viên, tôi cũng là học trò, và giờ đây tôi là giảng viên và tôi vẫn là học trò, vẫn có những người thầy của mình. Sự tri ân dành cho thầy cô luôn hiện hữu, ngày lễ chỉ là cái cớ để thể hiện tình cảm đó với người thầy của mình. Tôi cảm thấy hạnh phúc vô vàn khi thầy nhận món quà mà mình tỉ mỉ chuẩn bị. Và tôi nghĩ, trong số những món quà của phụ huynh gửi đến giáo viên, chắc chắn có rất nhiều món quà là sự thành tâm muốn tri ân thầy cô giáo của con họ. Dùng sự chân thành đối đáp lại sự chân thành, đó cũng là điều chúng ta cần dạy cho thế hệ trẻ.

Đừng nghĩ rằng chỉ hoa, quà, phong bì mới là "quà" ngày lễ. Món quà các thầy cô hạnh phúc nhất chính là nhìn thấy học trò chăm ngoan học giỏi, là những cựu học trò thành công khi trưởng thành. Khi dùng tâm để cư xử với nhau, thì dù một tin nhắn, một lời hỏi thăm, sự thông cảm, chung tay để cùng nhau dạy học sinh, một tấm thiệp tự tay làm lấy,… những điều ấy luôn mang lại cho thầy cô niềm hạnh phúc thật sự".

Cũng về vấn đề được chia sẻ trên, cô Ngô Thanh Huyền - Hiệu trưởng cơ sở Mầm non Ong Việt (quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, qua những dòng tin nhắn này cho thấy cô giáo là người đáng trân trọng. "Đây là điều mà rất nhiều giáo viên chúng tôi muốn nói với các vị phụ huynh".

Theo cô Huyền, ngày lễ phụ huynh nếu yêu quý thầy cô thì chỉ cần nhắn tin chúc mừng là được. Phụ huynh tặng quà sẽ làm giáo viên khó xử bởi không nhận thì sợ phụ huynh nghĩ mình chê mà nhận thì thấy không thoải mái, thậm chí áp lực. "Theo tôi, Ngày Nhà giáo Việt Nam phụ huynh tặng quà để tri ân thầy cô thì hợp lý hơn. Món quà lớn nhất mà giáo viên chúng tôi muốn nhận đó là học sinh ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ và thầy cô, phụ huynh phối hợp tốt với thầy cô trong việc giáo dục các con để các con ngày càng tiến bộ".

Cục Nhà giáo nêu lý do đề xuất giáo viên được tăng một bậc khi xếp lương lần đầuCục Nhà giáo nêu lý do đề xuất giáo viên được tăng một bậc khi xếp lương lần đầu

SKĐS - Theo Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, việc đề xuất tăng một bậc lương cho giáo viên mới được tuyển dụng xuất phát từ thực tế.



Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn