Đổi đời nhờ “vàng trắng”
Sứa là loại hải sản có thân mềm, màu trong suốt, sinh sản rất nhanh... Những năm gần đây, nhu cầu dùng sứa làm món ăn hàng ngày của người dân tăng cao nên nghề khai thác, chế biến sứa trở thành nghề cho thu nhập cao mỗi khi vào vụ chính. Nghề đánh bắt sứa diễn ra từ tháng Giêng đến gần hết tháng Tư Âm lịch. Năm nào cũng vậy, cứ ăn Tết Nguyên Đán xong ngư dân xã Hoằng Trường lại chuẩn bị bè máy, ngư lưới cụ và các nhu yếu phẩm cho chuyến vươn khơi ra vùng biển đảo ở tỉnh Quảng Ninh để đánh bắt sứa.
Ông Lê Văn Mùi, thôn Thành Xuân, xã Hoằng Trường chia sẻ, nghề đi đánh bắt sứa nở rộ ở địa phương khoảng 5 năm trở lại đây. Nhu cầu dùng sứa tăng cao, ở vùng biển địa phương sứa dần khan hiếm nên ngư dân phải đầu tư bè mảng và máy công suất lớn để ra các hòn đảo như Cô Tô, Cát Bà (Quảng Ninh) khai thác. Nghề này cho thu nhập cao hơn đi đánh bắt cá và các loại hải sản khác nên có nhiều ngư dân theo nghề.
Hai vụ sứa những năm trước, gia đình ông Mùi là một trong những hộ có thu nhập cao trong xã nhờ nghề đánh bắt sứa. Trong thời gian khoảng 3 tháng đi khai thác, trừ chi phí và tiền thuê nhân công, mỗi vụ gia đình ông Mùi cũng dư ra được hàng trăm triệu đồng. Chỉ mới ba vụ sứa (mỗi năm một vụ) gần đây, cuộc sống của gia đình ông Mùi đã đổi thay hơn trước rất nhiều. Ngoài có tiền sắm bè mảng, ngư lưới cụ hiện đại, số tiền thu nhập từ sứa có được gia đình ông còn mua thêm được đất, xây được căn nhà mới kiên cố thoát được cảnh nghèo, không còn "chạy" ăn từng bữa như những năm trước.
Không chỉ gia đình ông Mùi mà hàng trăm hộ gia đình ở xã Hoằng Trường đi đánh bắt sứa cũng có thu nhập chẳng kém. Nhà nhà sắm xe máy, mua ti vi, các đồ dùng sinh hoạt có giá trị khác trong gia đình. Vụ sứa năm nay gia đình anh Lê Văn Quang, (35 tuổi, trú tại thôn Thành Xuân) thu được gần 200 triệu đồng.
Anh Quang cho hay: “Sứa ở khu vực biển ngoài đảo rất nhiều, bình thường một ngày chúng tôi thả lưới hai lần được khoảng gần 1.000 con sứa to nhỏ khác nhau. Với giá sứa từ 10 - 15 nghìn đồng/con, mỗi ngày một bè cũng thu nhập được từ 5 - 10 triệu đồng. Ngày nào sức khỏe tốt thả lưới được nhiều lần thì thu nhập cao hơn”.
Anh Quang cho biết thêm, vụ sứa năm trước bè của gia đình anh thu nhập được gần 300 triệu. Nhờ vào vụ sứa mà gia đình anh đã xây được nhà kiên cố, có tiền sắm các vật dụng hiện đại trong gia đình và đặc biệt là không còn lo nhiều cho việc nuôi 3 đứa con ăn học. Có tiền tiết kiệm, gia đình anh cũng không còn phải phụ thuộc vào biển và thời tiết như trước.
So với các mùa đánh bắt khác trong năm, thì mùa sứa có thu nhập cao nhất. Ngày nào ít cũng kiếm được vài ba triệu, còn ngày nhiều sứa có thể lên đến hàng chục triệu. Mỗi một vụ sứa mỗi hộ gia đình lại có cả trăm triệu bỏ túi, vì thế mà ngư dân nơi đây mới gọi nghề đi khai thác đánh bắt sứa trên biển là nghề vớt “vàng trắng”.
Gian nan với nghề
Mỗi năm vụ sứa chỉ đánh bắt khoảng 3 tháng, đây là mùa thu nhập chính cũng là nghề vất vả nhất trong năm của ngư dân. Hàng trăm ngư dân trên các bè tham gia đánh bắt sứa phải ăn ở, sinh hoạt trên những chiếc bè nhỏ, xa đất liền và gia đình với vô vàn khó khăn thiếu thốn. Không có điện, thiếu nước sạch, lương thực và các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống thường ngày.
Mọi sinh hoạt của ngư dân chỉ quanh quẩn trên chiếc bè nhỏ chưa đầy 10m2. Trên chiếc bè ấy, ngoài ngư lưới cụ phục vụ cho đánh bắt sứa còn có đồ dùng sinh hoạt cá nhân và chiếc chõng tre rộng khoảng 1 mét vuông để làm giường ngủ. Nắng mưa đều dọi khắp mặt người. Khi ngủ, người này phải áp sát vào người kia như úp hai chiếc thìa lại với nhau mới đủ chỗ nằm.
Ngư dân Lê Văn Dương (20 tuổi) từng có 3 năm đi khai thác sứa nhẩm tính: “Mỗi ngày trên đảo của bọn em chỉ được ngủ khoảng 4 tiếng. Gọi là ngủ chứ cũng chỉ là nằm chợp mắt, nghỉ lưng chút ít cho đỡ mệt sau giờ lao động. Thường thì sau khi ăn cơm tối xong lúc 8 giờ, mọi người trên bè đi ngủ để 12 giờ đêm dậy đi thả lưới. Những ngày làm việc không biết nghỉ, ai cũng lao vào làm có khi quên ăn, quên cả giờ giấc”.
Không có chỗ ngủ cũng chưa phải là nỗi khó khăn vất vả lớn nhất của ngư dân đi đánh bắt sứa. Cái cơ cực nhất chính là thiếu nước sạch sinh hoạt. Em Dương tâm sự tiếp: “Cứ mỗi chiều tối đi vớt sứa vào, người nhớp nháp, ngứa ngáy rất khó chịu, không có nhiều nước ngọt mọi người đều phải tắm nước mặn rồi chỉ dám dội lại một vài gàu nước ngọt cho khỏi ngứa. Nước trên đảo khan hiếm lại khó mua, việc vận chuyển nước từ trên bờ xuống bè cũng rất khó khăn. Mua được nước anh em phải dùng tiết kiệm. Người có ngứa lắm cũng phải chịu, ở vậy mãi rồi cũng thành thói quen”.
“Việc đánh sứa cũng giống như việc đánh cá. Thả lưới xuống và chờ cho sứa dính vào lưới thì vớt lên rồi đưa vào bờ bán cho thương lái. Có những hôm sứa nhiều đến mức đếm không suể, anh em vừa thả lưới xuống đã vớt sứa lên không kịp tay. Những người đi đánh sứa dựa vào con nước để đoán định giờ di chuyển của sứa. Thông thường thì sứa di chuyển lúc trời rạng sáng nên 12 giờ đêm các ngư dân đã phải dậy chuẩn bị đi thả lưới” - Dương chia sẻ tiếp về nghề.
Công việc thả lưới được xem là nhàn hạ nhất trong các công đoạn đánh bắt sứa. Một người điều khiển bè đi chầm chậm, hai người còn lại trên bè tay cầm lưới thả nhè nhẹ xuống nước, chỉ cần để ý sao cho lưới nhà mình không chồng chéo lên nhà khác hoặc không vướng phải đá ngầm. Công việc thả lưới nhàn hạ bao nhiêu thì việc vớt sứa lại nặng nhọc bấy nhiêu. Hàng nghìn con sứa được vớt hoàn toàn thủ công bằng sức người từ dưới nước lên trên bè. Người nào có sức khỏe tốt mới vớt được sứa liên tục, người bình thường cũng chỉ vớt được khoảng 50 con là đã phải nghỉ giải lao.
“Lúc đầu khỏe thì làm nhanh, đến khi mệt thì làm chậm, cố vớt được con nào thì vớt không thì gọi bè khác sang cho hoặc thả lại cho sứa trôi về với biển để lấy lưới. Có những ngày sứa đóng lưới cả nghìn con nhưng không tài nào lấy hết. Ba bố con em vớt sứa cả chục tiếng đồng hồ, đến khi tay chân không còn cử động được nữa thì đánh bè vào bờ bán sứa” - Em Dương nói.
Bán sứa xong, cầm những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi và nước mắt trên tay, tuy mệt nhọc nhưng ai nấy đều rất vui. Thành quả cả cả ngày lao động, vật lộn với sóng gió trên biển. “Ngẫm mới thấy, chẳng có cái nghề nào có được tiền mà không phải đổ mồ hôi và công sức. Khó khăn là vậy nhưng ai cũng gắng vượt qua, biết làm sao được, cuộc sống mưu sinh mà. Cũng có người “tử nghiệp” nhưng vẫn phải làm, không bỏ được nghề...” – ông Mùi nói.