Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ sĩ trẻ, thời gian qua, vỏ trứng đã được "biến hóa" thành những tác phẩm nghệ thuật vô cùng độc đáo. Điêu khắc trên vỏ trứng cũng được đánh giá là thú chơi tiềm năng, đáp ứng được 2 tiêu chí: giá trị nghệ thuật và thương mại.
Kỳ công, hút người trẻ
Để tạo một sản phẩm điêu khắc trứng, tác giả phải đầu tư rất nhiều công sức. Đầu tiên là công đoạn chọn trứng: vỏ trứng phải tròn đều, không rạn nứt... Những loại trứng thường được sử dụng nhiều gồm gà, vịt, ngỗng, đà điểu. Khi mang về phải rút lòng trứng, vệ sinh bên trong, khử trùng để đảm bảo không bị mốc, để được lâu, phơi khô dưới nắng trong vòng 15 ngày. Công việc ban đầu là phác thảo mẫu bằng bút chì kim trên vỏ trứng. Sau đó tác giả sẽ sử dụng mũi khoan 0,3mm (nhỏ hơn sợi tóc) để tạo hình tiểu tiết, hoa văn phụ.
Để tạo một sản phẩm điêu khắc trứng, tác giả phải đầu tư rất nhiều công sức.
Việc khắc trên vỏ trứng đòi hỏi sức tập trung và độ chính xác cực kỳ cao. Chỉ cần đưa mũi khoan quá mạnh vỏ trứng sẽ nứt ngay và tất cả công sức trước đó trở thành vô nghĩa. Đục lỗ, đi nét chữ, mài, cắt, tẩy trắng, lấy lớp màng, làm sạch nét vẽ chì, nhiều nghệ sĩ... cũng có thể mất đến vài ngày.
Điêu khắc trứng ngày càng thu hút nhiều nghệ sĩ trẻ và nhắc đến môn nghệ thuật này, người trong giới sẽ nghĩ ngay đến Nguyễn Nam Hưng - người đã tạo ra những tác phẩm điêu khắc cực kỳ nghệ thuật và tinh xảo, thu hút được sự chú ý của không chỉ người Việt Nam mà cả những du khách nước ngoài. Chất liệu mà Hưng sử dụng cho niềm đam mê điêu khắc của mình không chỉ là vỏ trứng mà còn có cả gỗ và kính. Dù chỉ mới theo đuổi nghệ thuật điêu khắc trứng nhưng những tác phẩm mà Nguyễn Nam Hưng tạo ra thực sự khiến người khác phải khâm phục.
Đại diện tiêu biểu khu vực phía Nam phải kể đến Nguyễn Hùng Cường - chàng trai 8X ở Sài Gòn có thể biến những vỏ trứng gia cầm bỏ đi thành tác phẩm nghệ thuật thực sự sau hàng trăm mũi khoan nhỏ hơn cả sợi tóc. Với đôi tay khéo léo và óc duy mỹ tuyệt vời, Cường có thể biến những vỏ trứng bỏ đi thành những tác phẩm nghệ thuật đích thực khiến nhiều người mê hoặc. Loại hình nghệ thuật này không có trường lớp nào dạy, mọi thứ là do Cường tự tìm hiểu và sáng tạo. "Tuy nhiên, những khó khăn này chính là lợi thế cho sự tìm tòi và sáng tạo theo những cách rất riêng của mỗi người", chàng trai 8X tâm sự.
Mở ra nhiều hứa hẹn
Điêu khắc trứng không đơn giản là một thú chơi... cho vui, đầu tư nhiều thời gian và tâm sức cho nó, người trong cuộc cũng quan tâm đến yếu tố thương mại. Hiện nay, giá mỗi sản phẩm điêu khắc trứng tùy thuộc vào độ tinh xảo và phong cách. Ví dụ, một tác phẩm khắc chân dung giá dao động từ 250.000 - 350.000 đồng; Cung hoàng đạo, con giáp, tên, lời chúc sinh nhật từ 250.000 - 320.000 đồng; Khắc hoa văn từ 360.000 - 500.000 đồng; Chạm nổi phù điêu từ 500 - 1 triệu đồng tùy số lượng họa tiết ít hay nhiều.
Nguyễn Đức Trí (SN 1993) là sinh viên năm cuối Trường đại học Bách Khoa (Hà Nội). Chàng trai này có biệt tài điêu khắc nghệ thuật trên các vật liệu độc đáo như bút chì, thủy tinh, dưa hấu, vỏ trứng… Sau khi xem một số tác phẩm điêu khắc ruột bút chì trên thế giới, Trí đã tìm hiểu và thử sức với môn nghệ thuật điêu khắc trên vỏ trứng. Với một tác phẩm đơn giản, anh mất khoảng 1 - 2 tiếng, còn những tác phẩm cầu kỳ thì từ 2 - 5 tiếng. Nhờ tài điêu khắc, Trí đã bán được những tác phẩm của mình để có thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng. Thu nhập cao nhưng Trí không giấu nghề, vào mỗi chiều thứ 7 hàng tuần, Trí dành thời gian để chia sẻ đam mê điêu khắc cùng những bạn trẻ khác trong lớp học miễn phí của anh tại Công viên Thống Nhất.
Đề cập yếu tố thương mại đối với môn nghệ thuật điêu khắc trứng, Nguyễn Hùng Cường cũng thừa nhận, trong quá trình tìm hiểu và tiếp cận, anh thấy có rất nhiều cơ hội để phát triển cho loại hình nghệ thuật này tại Việt Nam. Hiện anh đã có kế hoạch mở một studio để phát triển nhiều hơn nữa những ý tưởng mang tính ứng dụng cao, trong đó có các sản phẩm điêu khắc về danh lam thắng cảnh của Việt Nam.