Báo Sức khỏe & Đời sống đã thực hiện cuộc trò chuyện với nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly xung quanh chuyện nghề và cuộc sống hàng ngày của chị giữa làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam.
Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly
- Khi đưa một vở nhạc kịch tầm cỡ thế giới như Những người khốn khổ lên sân khấu Việt, điều gì là thử thách nhất đối với một tổng đạo diễn như chị?
Vai trò của tôi là chỉ đạo nghệ thuật, lựa chọn tác phẩm, tìm kiếm tài năng, tìm nguồn tài chính… Tôi còn có đạo diễn âm nhạc, đạo diễn sân khấu, đạo diễn nhạc kịch,… hỗ trợ. Chẳng hạn, phần nhạc kịch do anh Nguyễn Triều Dương từng du học ở Vương quốc Anh đảm nhiệm. Thực ra, tôi mong muốn mang vào tác phẩm một luồng không khí mới thông qua góc nhìn của người trẻ. Đạo diễn âm nhạc của tôi là anh Đồng Quang Vinh. Trong tác phẩm này, công việc của anh là phải “cắt gọt” như thế nào dựa trên xương sống của những bản nhạc kinh điển, từ đó có thể làm được phiên bản trình diễn 2 tiếng tại Việt Nam.
Vở múa Hồ Thiên Nga từng giúp Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam tạo nên 7 đêm diễn “cháy vé” tại thánh đường nghệ thuật – Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 10/2019
Trần Ly Ly trên sàn tập Những người khốn khổ
Chúng tôi phải có một ekip, bao gồm cố vấn dịch lời, biên đạo múa và những người chuyên cố vấn nhạc kịch,… Mọi người phải hiểu thấu câu chuyện này để làm việc cùng nhau. Dàn nhạc phải được tập từng nốt với những người hát. Với một ekip lên tới gần trăm con người cùng một khối lượng công việc khổng lồ như thế thì phải dựng sân khấu như thế nào, đó thực sự là một thử thách. Làm được một tác phẩm nhạc kịch đòi hỏi vô cùng nhiều mối nối, nhiều phân đoạn, nhiều công việc. Có thể nói đó là tổng thể khá lớn.
- Chúc mừng Nhà hát đã có một vở diễn hay, xúc động, xứng đáng để tự hào và để khán giả bỏ tiền ra chia sẻ với nghệ sĩ. Giá vé khá… quý tộc nhưng thực tế, số tiền thu về không đủ so với những gì đã đầu tư trong 6 tháng đến 1 năm trời tập luyện ? Có khi nào chị trăn trở về việc phải làm sao để các vở diễn có thể chạm đến nhiều đối tượng khán giả, đặc biệt là giới trẻ?
Thực ra, Những người khốn khổ có thể chạm tới khán giả từ trẻ đến già. Cụ thể là những người từ 16 tuổi trở lên. Thực tế, Opera hay Ballet giống như món ăn tinh thần hơi khó thưởng thức, không dễ tiếp cận khán giả, vì thế tôi phải chọn những tác phẩm khá rộng đối tượng để mọi người lựa chọn. Tôi nghĩ, nếu tác phẩm đạt được một trình độ nhất định của nghệ thuật thì mọi người đều trân trọng và hướng tới tác phẩm đó. Với Những người khốn khổ, tôi nghĩ, tất cả những ai yêu văn học, yêu nghệ thuật, yêu cái mới, khát khao cảm xúc, khát khao được hiểu biết,… đều muốn thưởng thức. Đó là cái rất hay của nghệ thuật và cũng là mục tiêu của nghệ thuật.
Mang được nhạc kịch hay vũ kịch lên sân khấu và có thể kéo mọi người từ nhà đến opera house là điều vô cùng khó. Vì hiện nay, chỉ mất vài giây, bạn có thể truy cập vào bất cứ nền tảng nào trên mạng xã hội và tiếp cận với tất cả nền văn minh của nhân loại: quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Cụ thể là những thử nghiệm, tưởng tượng của con người. Tiếp cận những giá trị văn hóa dễ dàng như vậy thì họ đến sân khấu để làm gì? Câu chuyện này lại trở nên khó gấp bội. Chúng tôi phải thực sự làm được, phải thực sự đem lại giá trị và cảm xúc thông qua những tác phẩm của mình. Khán giả phải đánh giá được đấy là sức lao động chân chính, từ đó trân trọng, mong muốn được đến để hưởng thụ, và cuối cùng họ được mang cảm xúc về nhà.
Tôi không muốn làm cái gì dễ dàng, bởi nếu dễ dàng là mình coi thường chính mình và coi thường khán giả. Khi mình tận tâm thì mọi chuyện sẽ khác. Quan trọng là tinh thần mình mang đến cho khán giả. Chính vì thế, chúng tôi đã đạt được những thành công nhất định, thực sự được đánh giá và được khán giả ghi nhận. Chúng tôi đã có 10 buổi trình diễn kín ghế tại nhà hát với 5 ngàn khán giả. Đó là đánh giá thực đối với một tác phẩm nghệ thuật, chứng tỏ nó có chỗ đứng trong lòng khán giả hay không.
Chúng tôi lắng nghe review cực kỳ cẩn trọng, tất cả đều được lưu lại. Khán giả không đến nhà hát để xem nội dung mà xem nghệ sĩ biểu diễn nội dung đó. Đó là sự khác biệt của sân khấu, là một giá trị khác của một loại hình nghệ thuật. Câu chuyện làm nghệ thuật của chúng tôi rất thú vị, nhưng vô vàn khó khăn.
- Dịch COVID-19 đang khiến các sân khấu tạm đóng cửa, chị làm thế nào để duy trì đam mê cũng như công việc của mình?
COVID-19 xảy ra, không ai trong chúng ta có thể hạn chế được điều đó theo cách chủ quan. Chúng ta chỉ có thể làm theo những điều chính phủ yêu cầu, hạn chế tối đa các hoạt động. Chúng tôi có rất nhiều thiệt hại. Một tác phẩm nghệ thuật lớn như Opera, Ballet, giao hưởng của chúng tôi là cả một sự dày công chuẩn bị. Chúng tôi dự kiến mang vở Những người khốn khổ đi Sài Gòn mà không có các nguồn tài trợ, chúng tôi dám đương đầu với việc tự bán vé và mang cả đoàn đi.
Chúng tôi chuẩn bị trong suốt 6 tháng, rồi COVID-19 ập đến, mọi thứ đều phải tạm dừng. Đây là điều bất khả kháng. Không diễn thì nghệ sĩ phải nghỉ. Tôi chỉ có thể động viên mọi người cố gắng ở nhà tập luyện. Đời sống của nghệ sĩ khó khăn lắm, không đi diễn thì không có tiền, lương thì thấp, có em không đủ tiền thuê nhà. Là một nhà quản lý, tôi cảm thấy rất đau xót. Khó khăn chồng chất khó khăn, tập hợp được anh em để làm một sản phẩm lớn đòi hỏi sự quyết liệt và tâm huyết với nghề của cả một tập thể. Việc của tôi là phải làm thế nào để nhiệt huyết của mình phải thổi được vào anh em.
- Gần đây chị chia sẻ nhiều tranh vẽ trên trang cá nhân, tranh của chị cũng rất đặc biệt, hình như “nàng thơ” của chị là các loài hoa? Chị có thể chia sẻ niềm đam mê thú vị này?
Đợt COVID-19 lần thứ nhất trong năm 2020 buộc chúng ta phải giãn cách xã hội, mọi thứ chậm lại, và khi đó tôi nhìn thế giới bằng một lăng kính rất khác. Tôi có thời gian soi rọi nội tâm của chính mình. Tôi tĩnh lại và tôi vẽ. Thực ra tôi chưa học trường lớp nào về bộ môn này, tôi cứ vẽ theo cách tự nhiên thôi. Hồi đó tôi chỉ vẽ sen, vì tôi cũng có duyên với tinh thần của đạo Phật. Tôi nghĩ, thay vì viết 108 bức thư cho bạn, tôi sẽ vẽ 108 bức hoa sen tặng bạn - tất cả những bạn bè trên Facebook, quen ít quen nhiều và có duyên. Chẳng hạn, khi tôi đăng hình bức vẽ lên, mọi người bảo “Cho mình nhé”, thì tôi sẽ tặng. Đó là cách tôi chia sẻ cảm xúc với bạn bè của mình.
Từ 108 bức biến thành 180 bức là bởi đông người xin quá, toàn là bạn, (cười). Thực ra, 108 là con số rất gần với đạo Phật. Ban đầu tôi không định triển lãm, nhưng mọi người mong muốn nên tôi cũng làm rồi tặng tranh cho vui. Tôi đã làm triển lãm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và triển lãm tại 50 Đào Duy Từ trong gần 1 tháng. Anh em đến xem và chơi cùng tôi. Khi làm điều này, tôi không hướng tới sự khen chê của mọi người, mà đơn giản đó là sự chia sẻ cảm xúc, mọi thứ đến rất tự nhiên. Tôi vui lắm, bạn bè của tôi đều treo tranh ở những không gian rất tuyệt vời.
Tôi nghĩ rằng, đến một ngày nào đó, việc tôi làm sẽ trở thành một điều gì đó vô giá. Đợt COVID-19 này, tôi tiếp tục vẽ, nhưng bây giờ tôi nhìn thấy những góc độ khác nhau của nhiều loài hoa. Tôi vẽ hoa nhưng không phải hoa đâu, đó là năng lượng, màu sắc và sự chuyển động. Sau này, khi tôi đạt đến một trình nào đó, mọi người sẽ không nhìn thấy hoa mà chỉ cảm thấy hoa thôi. Tôi muốn luyện cho đến khi cầm cọ vẽ nhưng không còn tả thực, mà để cảm nhận đối tượng mình vẽ là cây cỏ, thiên nhiên, hoa lá, tình yêu, màu sắc,...
- Lâu nay chị duy trì chế độ ăn uống ra sao để có thể làm việc trong trạng thái tốt nhất?
Hiện tại, tôi không làm nghệ sĩ biểu diễn nên không tập luyện như anh em. Từ nhỏ đến tầm 30 tuổi, tôi tập luyện cường độ cao, bây giờ cơ thể mỏi mệt lắm rồi, tôi chỉ duy trì để khỏe và để thị phạm cho các em. Mỗi ngày, tôi duy trì tập luyện tầm 20-30 phút buổi sáng để làm nóng cơ thể. Tôi ăn khá ít nhưng ăn tinh, ăn để thưởng thức chứ tôi không phải người đam mê ăn uống.
Đồ ăn của tôi đơn giản lắm, chẳng hạn như các món luộc. Thực ra, ăn ít tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đối với những người có bệnh. Bữa ăn của tôi rất ít thịt. Thay vào đó, tôi thích ăn cơm và thường xuyên ăn một bát cơm trắng với rau luộc. Tôi coi cơm tẻ là mẹ ruột. Cơm tẻ rất tốt cho cơ thể. Nếu không ăn cơm, tôi không làm việc được.
* Một số hình ảnh của nhạc kịch Những người khốn khổ trên sân khấu Nhà Hát Lớn, tháng 11/2020