Nghề làm... “Tây mê tít thò lò”

14-08-2010 8:15 AM | Văn hóa – Giải trí

Lần trở lại này, Xuân La chỉ còn khoảng 50 người đủ khả năng "bôn tẩu" với tò he. Phần nhiều đã chuyển sang làm đủ các nghề: thợ mộc, thợ may, làm nilon, làm nhựa, hát chầu văn thuê cho các giá đồng.

Lần trở lại này, Xuân La chỉ còn khoảng 50 người đủ khả năng "bôn tẩu" với tò he. Phần nhiều đã chuyển sang làm đủ các nghề: thợ mộc, thợ may, làm nilon, làm nhựa, hát chầu văn thuê cho các giá đồng. Tôi vẫn bắt gặp đâu đó cái mạch ngầm âm thầm chảy bao đời nay của làng nghề độc nhất vô nhị này.

Xanh đỏ tò he và những cuộc "loanh quanh mỏi mệt"

Những nghệ nhân Xuân La (Phú Xuyên, Hà Nội) lang bang tứ xứ cũng vì tò he, cam khó và hào hoa cũng bởi tò he. Cả làng Xuân La chẳng ai bảo tò he là nghề làm giàu cả. Những thế hệ nghệ nhân ở Xuân La hết thảy đều do nhìn ngắm đôi tay bố mẹ, ông bà chúng nặn tò he rồi cứ thế mà bắt chước, chứ chẳng dạy dỗ gì. Cứ đến độ ngày Rằm tháng Tám là cả làng ngào bột, lấy lá cây nhuộm màu, xanh đỏ trong nhà ngoài ngõ rồi lũ lượt kéo nhau gánh gồng đi khắp các chợ bán. Từng mẹt con giống có mặt ở khắp các chợ, người lớn trẻ con ai thấy cũng mê cái sắc màu tươi tắn, cái dáng hình sống động. Tò he đã mang trong nó những gì rất Việt Nam: cây lúa, hạt gạo, lũy tre, con lợn, con gà... đều là những thứ đã gắn liền cùng đời sống.

Thực ra cũng có những ngày nghệ nhân tò he kiếm được dăm bảy trăm nghìn. Trước đây một ngày công tò he thường không tính đến tiền xăng cộ, cứ chiếc xe đạp ruổi rong khắp chốn, lấy công làm lãi là chính, nhưng ngày công của tò he ngày nay phải trừ đi nào tiền xăng xe, nào tiền chỗ ngồi, nào tiền ăn ở đắt đỏ, nào lo chạy công an, bảo vệ. Năm mươi nghìn một ngày công ở Xuân La không phải là nhiều, gần 2.000 người biết nặn tò he giờ bỏ đi làm may, làm mộc mỗi tháng bỏ túi 3 - 4 triệu đồng, đến trẻ con chín mười tuổi đầu đi may màn thuê nửa buổi mỗi tháng còn kiếm được 1 triệu, lại tiện ngay ở làng. Làm tò he bạc mặt cả ngày cũng chỉ được dăm bảy chục bạc, thế nên tò he bị bỏ lại phía sau âu cũng là điều dễ hiểu. Ông Chu Văn Hải từng được công nhận là nghệ nhân dân gian, làm thủ quỹ Câu lạc bộ tò he cũng đã bỏ tò he đi hát chầu văn thuê cho các giá đồng, số tiền mỗi ngày kiếm được cũng gấp hàng chục, hàng trăm lần tò he...

Và công cuộc tìm đầu ra cho tò he

Những người trẻ ở Xuân La đã nhanh nhạy tìm lối đi riêng cho mình. Anh Đặng Văn Kha đã khăn xếp áo dài ngồi chõng tre nặn tò he cho khách nước ngoài mục sở thị, mỗi giờ thù lao của anh là cả chục đô, ấy là chưa kể đến tiền khách thưởng. Gần như tuần nào anh cũng có buổi "trình diễn" ở vài ba khách sạn lớn, tiếng tăm của Thủ đô, nhà hàng cứ thay nhau hẹn lịch, Tây thì lại cứ mê tít thò lò. Thế nên làng anh mới có đại diện mang tò he "đi đánh xứ người", làm làng báo được một phen sôi động, đâu đâu cũng nhắc đến sự kiện tò he Việt Nam du Mỹ, du Nhật. Một đất nước có những môn nghệ thuật đã lên đến hàng "đạo" như Nhật Bản còn sửng sốt trước chú tò he; khi kinh tế đã lên hàng thứ hai thế giới mà còn trân trọng đôi tay tài hoa của người Xuân La kia mà.

Anh Kha được mời làm "giáo viên bộ môn nặn tò he" cho rất nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Đông với thù lao mỗi buổi 1 triệu đồng. Người thì được mời làm "gia sư tò he" đến tận nhà dạy cho trẻ con giúp chúng học mà chơi, chơi mà học, tiền công cũng cả trăm nghìn mỗi tiếng. Có người nặn những chú tò he xinh xắn trên đầu những chiếc bút của học sinh tiểu học với giá 10.000đ/con. Tò he được làm bằng bột ngoại nhập nên để được rất lâu mà không hề nứt gãy, khô mốc, màu sắc cũng rất tươi tắn, tự nhiên. Anh đã bán hàng vạn chiếc bút tò he sáng tạo đó.

Trên thực tế, tò he hoàn toàn có khả năng phát triển, hoàn toàn có khả năng làm giàu. Tò he chỉ suy tàn khi tất cả mọi người trên chính quê hương nó cùng quay lưng lại, cùng buông xuôi nó theo dòng xoáy của cơ chế thị trường. Những người tâm huyết với tò he vẫn còn. Song, đầu ra cho tò he vẫn chỉ là những sáng kiến manh mún, tự phát ở một vài cá nhân có sự nhạy bén với thị trường, chưa nhận được một sự quan tâm có tầm chiến lược, một hoạch định cụ thể, bền vững giúp cho người dân Xuân La duy trì và phát triển nghề truyền thống với những chú tò he ngộ nghĩnh có hàng trăm năm tuổi.

Uông Thị Bích Ngọc


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH