“Nghề của công chúng” và bệnh đám đông

03-11-2013 22:53 | Xã hội

Người của công chúng" là người được đông đảo quần chúng nhân dân hâm mộ, quan tâm, vậy trong lĩnh vực nghề nghiệp có "nghề của công chúng" không?

Người của công chúng" là người được đông đảo quần chúng nhân dân hâm mộ, quan tâm, vậy trong lĩnh vực nghề nghiệp có "nghề của công chúng" không? Xin thưa là có và chính vì khái niệm "của công chúng" nên nhiều khi cả ngành nghề hoặc đội ngũ trong ngành nghề rất dễ bị hàm oan nếu như có một hiện tượng không bình thường xảy ra.

Bất cứ cá nhân hay ngành nghề nào trong xã hội đều bình đẳng như nhau trên tư cách công dân và nghề nghiệp nhưng có 3 ngành nghề được nhân dân quan tâm nhất - đó là Văn học nghệ thuật, Y tế và Giáo dục. Quan tâm và yêu quý đến mức những ngành nghề trên luôn được dân phong tặng danh hiệu. Văn nghệ sĩ được gọi là "kỹ sư tâm hồn", thầy giáo và thầy thuốc ngoài việc được tôn làm "thầy" thì còn có danh hiệu "trồng người" và "mẹ hiền". Đó là những ghi nhận xác đáng và tỉnh táo của nhân dân trước những cống hiến của đội ngũ cũng như lòng kính trọng, biết ơn trước cả đội ngũ trong những ngành nghề trên với thiên chức nghề nghiệp cao cả của mình.

Thế nhưng nhiều khi yêu quá thành ra làm hại cả người mình yêu như các cụ ta từng nói "yêu nhau chẳng bõ bằng mười phụ nhau". Và kẻ "phụ bạc" ấy lại là... bệnh đám đông!

Thử nhìn vào giới văn nghệ sĩ. Họ cũng như mọi người trong xã hội, cũng có những tai nạn, cũng yêu nhau, thậm chí cũng có những người sa vào tệ nạn, cờ bạc, nghiện hút. Chuyện ai đó đi nhổ răng vốn là bình thường nhưng cô ca sĩ nọ đi nhổ răng là báo chí đăng, thiên hạ đồn thổi râm ran. Anh (chị) nghệ sĩ này yêu ai hoặc ly hôn với ai cũng thành món nhắm trong các cuộc trà dư tửu hậu của những người có khi chưa bao giờ biết mặt họ để rồi trước bệnh đám đông, văn nghệ sĩ thành những kẻ rất hay bỏ vợ bỏ chồng!!!. Có nghệ sĩ dính vào cờ bạc, nghiện hút là cả giới văn nghệ sĩ thành những kẻ sống buông thả. May mà các ông Bộ trưởng hay Thứ trưởng phụ trách VHNT từ trước tới nay chưa ông nào bị đề nghị từ chức! Từng cá nhân vẫn yêu quý văn nghệ sĩ, mong gặp, mong có chữ ký tặng nhưng nếu tin vào bệnh đám đông thì chắc chả ai dám yêu, dám lấy văn nghệ sĩ hoặc từ bỏ việc thưởng thức VHNT!

Những chuyện như lừa đảo, tham ô, gạ gẫm vòi vĩnh thì ngành nghề nào cũng có những kẻ tội phạm này nhưng một ông hiệu trưởng tham ô, một bà giáo viên vay tiền rồi chạy, một ông thầy đổi tình lấy điểm sẽ thành chuyện ầm ĩ gấp rất nhiều lần nếu những kẻ trên không phải là thầy cô giáo. Bà Nguyễn Thị A. nào đó lừa đảo là cá nhân công dân ấy phạm tội nhưng bệnh đám đông gọi là "cô giáo Nguyễn Thị A. lừa đảo" thì ngành giáo dục bị oan, đội ngũ thầy giáo cả nước bị xúc phạm khi mà chả có phụ huynh hay học sinh nào vì thế mà xúc phạm tới một thầy cô giáo cụ thể đang hành nghề. Cũng may, chưa có đề nghị nào về việc Bộ trưởng Giáo dục phải từ chức!

Y tế cũng không thoát khỏi nỗi oan khi "nghề của công chúng" phải đối mặt với bệnh đám đông. Việc chủ cơ sở thẩm mỹ Cát Tường phi tang xác nạn nhân hoặc một GĐ bệnh viện huyện chỉ đạo nhân viên tham ô 16 triệu nếu như là ai khác, ở ngành nghề khác chắc cũng không "nổi sóng" như thời gian qua nhưng chỉ vì họ là bác sĩ! Một kỹ sư phạm tội giết người ở ngoài cơ quan, ngoài giờ làm việc chắc thủ trưởng cơ quan kỹ sư đó làm việc không bị bệnh đám đông quy trách nhiệm nặng nề như lãnh đạo BV Bạch Mai vừa qua. Rồi lãnh đạo Bộ Y tế cũng như phải chịu trách nhiệm lớn trong việc những công dân phạm tội có biên chế trong ngành thì quả là một bất công. Cứ theo bệnh đám đông thì chắc không ai dám đến BV nhưng thực tế lúc này, chưa có ai nói không cần đến các thầy thuốc!

Bệnh đám đông là biểu hiện của thói vô trách nhiệm, thích chuyện giật gân và thường khai thác vào những người của công chúng, nghề của công chúng với những hiện tượng nhỏ lẻ bất bình thường đã vô tình tấn công, làm méo mó hình ảnh đích thực của những ngành nghề cao đẹp trong cuộc sống. Luật phải nghiêm, trừng trị những công dân phạm pháp dù là ai, ở bất cứ ngành nghề nào. Dư luận cũng cần tỉnh táo chỉ ra cá nhân, cơ quan nào để cho tội phạm có "đất" phạm tội. Hùa theo, đánh giá cảm tính theo đồn thổi của bệnh đám đông ngoài thái độ thiếu trách nhiệm còn là sự xúc phạm đến lòng tin yêu của nhân dân trước "ngành nghề của công chúng". Và phải chăng đây là biểu hiện rõ nét của suy thoái đạo đức, xuống cấp văn hóa của một bộ phận trong xã hội?

Đức Trí


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn