Nghề bác sĩ gian khổ mà cao quý

07-05-2010 10:21 | Dược
google news

Sinh ra và lớn lên ở một vùng ngoại ô của Hà Nội, từ nhỏ tôi đã khắc sâu những lời nói của bố tôi "Nhà mình có truyền thống làm thầy,

Sinh ra và lớn lên ở một vùng ngoại ô của Hà Nội, từ nhỏ tôi đã khắc sâu những lời nói của bố tôi "Nhà mình có truyền thống làm thầy, một là thầy giáo, hai là thầy thuốc, chị con đã làm giáo viên rồi thì con làm thầy thuốc". Từ đó tôi vẫn ấp ủ ước mơ trở thành sinh viên Trường đại học Y Hà Nội. Mẹ tôi làm trong ngành bưu chính viễn thông. Bà có nguyện vọng cho tôi học Đại học Bách khoa để theo nghề của mẹ lúc mẹ về hưu. Chiều lòng bố mẹ, tôi đã thi cả Đại học Bách khoa, Đại học Y Hà Nội và thêm Trường Đại học Tổng hợp nữa. Giấy gọi nhập học của các trường lần lượt gửi về, tôi đỗ cả ba trường, suy nghĩ không biết chọn trường nào bây giờ? Nhiều người nói rằng học trường y đối với con gái là rất khổ. Tôi còn nghe đồn rằng học trường y còn được hưởng tiền "hao mòn tuổi xuân" vì trường y học những sáu năm, học cả sáng cả chiều, đêm phải đi trực, cấp cứu bệnh nhân mệt lắm, rồi tôi cũng nghe những câu ca về con gái trường y: "Trai Bách khoa như chim anh vũ/ Gái trường Y như củ sắn lùi...".

Tôi nghe, nghĩ cũng buồn. Vả lại trong gia đình mình lại không có ai làm ngành y, sau này ra trường rồi xin việc ra sao. Nhưng được sự động viên của bố tôi: "Thôi, con cố gắng học, thi vào được trường Y Hà Nội là khó, nhiều người muốn học mà không thi được, con cố gắng lên". Vậy là tôi nộp hồ sơ vào Trường đại học Y Hà Nội. 

Ngày khai giảng đầu tiên 5/9/2001, đón chúng tôi trong buổi nhập học là cô giáo, PGS.TS. Phạm Thị Minh Đức. Chính cô đã tiếp thêm nghị lực cho tôi theo đuổi sự nghiệp của mình. Cô đã nói với những người bác sĩ tương lai về sự khó khăn, vất vả khi theo học nghề y và nói với chúng tôi rằng: nếu ai sợ khó, sợ khổ thì bây giờ thay đổi vẫn còn kịp. Với giọng nói rắn rỏi và khỏe khoắn, cô đã cho tôi thấy sự tự hào khi được học tập tại một ngôi trường có bề dày truyền thống như trường Đại học Y Hà Nội. Khi vào học trường y, tôi mới thấy được sự vất vả: chúng tôi lên giảng đường cả sáng cả chiều trong hai năm học đầu tiên, bốn năm học tiếp theo là đi thực hành lâm sàng tại bệnh viện vào các buổi sáng, buổi chiều đi học lý thuyết ở giảng đường, buổi tối đi trực, tôi cũng chẳng có thời gian để dành cho những chuyện riêng tư của mình.

 Tốt nghiệp Đại học Y, tôi cảm thấy vẫn còn nhiều bỡ ngỡ và chưa yên tâm khi mình phải quyết định những vấn đề liên quan trực tiếp đến tính mạng của con người. Tôi đã quyết định đi học bác sĩ nội trú. Nhiều người nói với tôi rằng "Con gái học nhiều làm gì, lấy chồng thôi". Bố mẹ tôi chỉ nói rằng "Con lớn rồi, bố mẹ tôn trọng ý kiến của con, con hãy làm những gì để thực hiện mong muốn của mình". Tôi đã quyết định chọn chuyên khoa tâm thần, một chuyên khoa còn chịu nhiều sự mặc cảm của xã hội. Bạn bè của tôi hỏi rằng tại sao lại chọn chuyên khoa ấy, tôi trả lời rằng "Nếu các bạn chọn các chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi... là những chuyên khoa chăm sóc về thể chất thì tôi sẽ là người chăm sóc về tinh thần cho người bệnh". Trước khi thi nội trú, chúng tôi phải hoàn thành một bộ hồ sơ với một bản giấy cam đoan là trong quá trình học nội trú cho phép lấy chồng nhưng không được sinh con, nếu có con thì sẽ chuyển sang hệ học khác mà không còn là bác sĩ nội trú nữa.

Ba năm học nội trú cũng trôi qua nhanh chóng, hoàn thành chương trình học và tốt nghiệp năm 2006, tôi được ở lại công tác tại Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Trong quá trình học tập và làm việc, được sự giúp đỡ của các thầy cô, tôi đã trưởng thành. Tôi đã điều trị cho những bạn học sinh, sinh viên, những người bệnh gặp phải những bệnh lý như mất ngủ, trầm cảm, những người gặp phải những vấn đề về tinh thần, stress tâm lý, bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc... Mỗi khi bệnh nhân của tôi có thể đi học trở lại hay tốt nghiệp được trường đại học mà họ đang theo học... đó là những niềm vui lớn đối với tôi.

Tôi cũng tham gia làm cộng tác viên cho báo Sức khoẻ & Đời sống trong lĩnh vực tâm thần nhằm tuyên truyền cho mọi người hiểu biết thêm về sức khoẻ tâm thần, một lĩnh vực quan trọng trong việc chăm sóc sức khoẻ của con người. Tôi tự hào vì mình đã lựa chọn đúng con đường đi cho mình. 

BS. Trịnh Thị Bích Huyền


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn