Trong khi tiếp tục chủ đề xuyên suốt đến năm 2010 là "Giữ vững cam kết. Quyết tâm ngăn chặn AIDS". Liên hợp quốc đã chính thức chọn chủ đề cụ thể cho năm 2009 là "Tiếp cận phổ cập và quyền con người" - (Universal Access and Human Rights) là chủ đề cho Ngày thế giới phòng, chống AIDS năm 2009.
Tiếp cận phổ cập là gì?
Tiếp cận phổ cập được hiểu là việc cung cấp các dịch vụ về dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc hỗ trợ HIV cho tất cả mọi người có nhu cầu, không phân biệt giới tính, địa vị xã hội, dân tộc, tôn giáo, sở thích... Tiếp cận phổ cập được xây dựng trên cơ sở các mục tiêu quốc gia, do quốc gia tiến hành thông qua các khảo sát toàn diện về tình hình dịch, khả năng mở rộng các ứng phó của quốc gia chống lại HIV, dựa vào quá trình tham vấn, đóng góp ý kiến của các tổ chức xã hội dân sự, những người sống với HIV và các đối tác khác.
Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2009 tại Bắc Ninh. Ảnh: TH |
Cộng đồng quốc tế đã có cam kết gì về tiếp cận phổ cập?
Trong phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về HIV/AIDS năm 2001 (UNGASS), các quốc gia đã nhất trí thông qua bản Tuyên bố cam kết phòng chống HIV/AIDS. Tuyên bố đã đưa ra giới hạn về thời gian cho việc thực hiện các mục tiêu toàn cầu, khu vực và quốc gia về phòng chống AIDS. Năm 2005, sau khi nhận thấy sự chậm trễ trong tiến trình thực hiện các mục tiêu này, các quốc gia và các cơ quan đối tác đã nhất trí với nhau về nhu cầu cấp thiết là cần đẩy mạnh và nhân rộng các nỗ lực quốc gia để đối phó với dịch AIDS, dẫn tới việc cho ra đời một cam kết toàn cầu nhằm tiến tới việc tiếp cận phổ cập về dự phòng lây nhiễm HIV, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ.
Sáng kiến tiến tới Tiếp cận phổ cập không những được Đại hội đồng Liên hợp quốc mà còn có một số cơ quan khác như Liên minh châu Phi, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G8) cũng tán thành và ủng hộ. Tại cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về phòng chống HIV/AIDS năm 2006 ở New York, các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam đã ký bản Tuyên bố chính trị về phòng chống HIV/AIDS, theo đó các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cam kết sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu tiếp cận phổ cập nhằm thực hiện chương trình phòng chống HIV toàn diện cả về dự phòng, điều trị, chăm sóc, hỗ trợ vào năm 2010 và tiếp cận được mọi tầng lớp nhân dân.
Tại sao cần phải tập trung vào chủ đề "Tiếp cận phổ cập và quyền con người"?
Chủ đề này tập trung vào việc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết về tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV cho tất cả mọi người. Việc thực hiện Tiếp cận phổ cập cũng chính là bảo vệ và thực thi quyền con người. Chủ đề này cũng là lời kêu gọi tất cả các quốc gia xoá bỏ những rào cản về phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV, phụ nữ và những nhóm người dễ bị tổn thương; kêu gọi các quốc gia cần thực hiện các cam kết đã hứa để bảo vệ quyền con người trong Tuyên bố cam kết về HIV/AIDS năm 2001 và Tuyên bố chính trị về HIV/AIDS năm 2006.
Hiện nay, trên thế giới đã có rất nhiều tiến bộ trong cung cấp các dịch vụ về dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc hỗ trợ HIV cho tất cả mọi người có nhu cầu. Tuy nhiên cho đến nay rất nhiều quốc gia vẫn còn những điều luật và những quy định cản trở sự tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc và điều trị, dự phòng HIV của một số nhóm đối tượng đặc biệt là những người phạm tội - đây là những người dễ bị tổn thương với HIV nhất. Ngoài ra các nhóm khác như người có quan hệ tình dục đồng giới nam, quan hệ tình dục đồng giới nữ, những người chuyển giới, những người bán dâm và những người nghiện chích ma tuý cũng là những nhóm thường bị hạn chế tiếp cận với các dịch vụ này. Trong khi đó với những nhóm đối tượng này, việc tiếp cận những biện pháp can thiệp giảm tác hại, các phương pháp điều trị thay thế là hết sức cần thiết.