Hà Nội

Nga sẽ kháng cự thế nào trước đòn trừng phạt của phương Tây?

23-03-2014 07:14 | Quốc tế
google news

Thực tế đã cho thấy, trước khi đi nước cờ Crimea để "chiếu bí phương Tây", ông Putin đã chuẩn bị khá kỹ cho những biện pháp trừng phạt. Nhưng nền kinh tế Nga sẽ chống chọi được bao lâu?

 

Ngày 6/3, Ngân hàng trung ương Nga đã rút một lượng lớn tài sản của mình từ các ngân hàng Mỹ: hàng tỷ USD được chuyển sang châu Âu. Như vậy, trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dự kiến mọi kịch bản xấu nhất khi phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt để phản đối cuộc can thiệp của Nga vào Crimea (Ukraine), kể cả kịch bản Washington có thể đóng băng toàn bộ số tài sản của Nga.

Ngoài ra, Nga cũng phải tính tới việc các nhà đầu tư rút vốn, thương mại bị hạn chế… và nền kinh tế của mình có thể chống chọi được bao lâu trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây?

Phải chăng không điều gì có thể khiến Vladimir Putin phải chùn bước?

Phân tích về lập trường không khoan nhượng của Putin trên tạp chí "Đại Tây Dương", nhà kinh tế học Julien Vercueil đánh giá các kịch bản có thể xảy ra liên quan đến tiến triển xung đột là khá nhiều. Ai cũng muốn có được một lối thoát trong danh dự, thông qua thương lượng và giúp Ukraine cũng như toàn vùng được ổn định. Nhưng đó chỉ là một trong số các kịch bản có thể xảy ra và Chính phủ Nga đang tìm giải pháp nhằm hạn chế tác động của các biện pháp trừng phạt có thể có đối với lợi ích của Nga ở nước ngoài, trong trường hợp tình hình căng thẳng hiện hay kéo dài.

Một chuyên gia khác, tiến sĩ địa chính trị Jean-Sylvestre Mongrenier, cho rằng nếu đúng là như vậy, điều đó có thể có nghĩa là phương Tây đã đương đầu với một nhân vật không bình thường. Hơn nữa, Thủ tướng Đức, Angela Merkel, nói bà có cảm giác Putin dường như đã "mất ý thức về thực tế" và sống trong "một thế giới khác".

Ông Jean-Sylvestre Mongrenier cho rằng "thế giới khác" đó của Putin không nhất thiết là thế giới không bình thường mà điều không bình thường ở đây có thể là việc phương Tây không thừa nhận thực tế chính trị và muốn "ổn định" bằng mọi giá.

Liên quan đến Ngân hàng trung ương Nga, quyết định rút một phần tài sản của mình để ở Mỹ trước hết là chỉ số nói lên quan niệm của Nga. Dường như Putin coi trọng quyết tâm hành động của Washington. Như vậy, Ngân hàng trung ương Nga chỉ làm một việc là đi trước các quyết định sắp tới của Chính phủ Mỹ khi Obama lựa chọn biện pháp thách thức.

Tổng thống Putin liệu có chùn bước trước bất kỳ điều gì không? Sau nhiều năm tháng, ông đã đánh giá cán cân lực lượng và thấy có lợi cho mình, không chỉ trên phương diện vật chất - "cán cân" hiện đang nghiêng về phía ông- mà cả về mặt tinh thần.

Chính phủ phần lớn các nước phương Tây, đứng đầu là Chính quyền Obama, quả thực tin rằng Putin chỉ tìm cách gia tăng "các điều kiện để đánh đổi" với phương Tây. Động cơ của ông dường như là tăng cường vị thế của Nga và thương lượng trên thế bình đẳng với phương Tây. Cách lý giải như vậy là nguồn cảm hứng và cũng là minh chứng cho chính sách đối ngoại "khởi động lại".

Với một số điều chỉnh ở cả hai phía và một khoảng cách lớn hơn đối với Đông Âu, ông có thể tạo ra được một không gian hợp tác. Việc chính phủ các nước phương Tây tỏ ra dễ dãi đối với Nga và tập trung vào các vấn đề nội bộ ở trong nước khiến Putin tin rằng ông có thể lấn tới mà không sợ bị phản ứng tiêu cực.

Về mặt này, chính sách "thực dụng" của phương Tây, vốn thịnh hành sau cuộc tấn công của Nga vào Gruzia năm 2008, đã không tính tới tính bất ngờ của sự việc, những sự kiện xảy ra và những tác động nảy sinh từ đó. Điều đó là hoàn toàn thực tế. Tuyên bố "xoay trục" của Mỹ, mặc dù không thể hiện ở việc chuyển quá mạnh sang châu Á-Thái Bình Dương, chắc chắn đã tác động đến quan niệm của Putin.

Với thời gian, ông trông chờ ở việc Mỹ rút một phần khỏi châu Âu và các cơ chế của EU và NATO giảm bớt.

Hiện nay, ý tưởng chủ đạo của chính sách "khởi động lại" bị bác bỏ bởi sự việc được nhìn thấy trực tiếp tại Crimea. Nếu các nước phương Tây hoàn toàn ý thức được điều đó và nếu các hành vi tiếp tục diễn ra, Putin sẽ không có khả năng đảo ngược cán cân lực lượng giữa Nga và phương Tây. Nói cách khác, Putin có thể sẽ buộc phải dừng lại. Không nên đánh giá quá cao sức mạnh của Nga - nước này chỉ mạnh nếu phương Tây yếu và không nhất quán - và nên xem xét dữ liệu một cách khách quan. Nga không phải là một nền kinh tế mới nổi và một nửa cán cân thương mại của nước này được thực hiện với EU và các nước thành viên.

Xuất khẩu của Nga sang châu Âu chiếm 15% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong khi EU xuất khẩu sang Nga gần như không cao hơn 1% GDP của họ. Rõ ràng là sau đó cần đi vào chi tiết hơn, tính tới những chuẩn mực về chất, còn tỉ lệ lớn đó chỉ cho ta một ý tưởng nào đó về tương quan lực lượng mà thôi.

Tổng thống Nga Putin cho rằng, trong lúc phương Tây yếu và không nhất quán, Nga cần phải tranh thủ để tăng cường vị thế quốc gia của mình. (Ảnh minh họa)

Trong lúc đó, tài sản đang cấp tập rời khỏi các ngân hàng Nga. Các nhà đầu tư rút đi sẽ khiến đồng rúp suy yếu và làm tăng trưởng chậm lại. Theo tờ "Les Echos" (Tiếng vọng - Pháp), đầu tư là phương tiện gây áp lực thực thụ duy nhất.

Theo một văn bản của ngân hàng UBS, một số biện pháp nhằm giảm, thậm chí cấm các khoản đầu tư này, có thể sẽ "tác động rất tiêu cực đến hoạt động thường nhật của các ngân hàng và doanh nghiệp Nga cũng như năng lực của họ trong việc huy động tài trợ từ bên ngoài".

Trả lời câu hỏi tại sao các nhà đầu tư nước ngoài lại là phương tiện gây sức ép mạnh nhất và sự thiếu lòng tin của các nhà đầu tư liệu có đủ để khiến Moskva phải khuất phục không, chuyên gia Julien Vercueil nhấn mạnh đến sự cần thiết phải hiểu "đầu tư" là như thế nào.

Nga chịu cảnh thiếu vốn nói chung ít hơn là thiếu vốn dài hạn có thể giúp hiện đại hóa nền kinh tế của mình. Từ quan điểm đó, việc rút tài sản khỏi nơi lưu giữ là một tình tiết nữa trong câu chuyện dài về tính bất ổn tài chính mà Moskva không tránh khỏi. Chính điều đó có thể khiến Chính phủ Nga phải khuất phục và thúc đẩy nhanh lối thoát khỏi khủng hoảng bằng giải pháp ngoại giao.

Về phần mình, ông Jean-Sylvestre Mongrenier, cũng là thành viên Viện Thomas More, đánh giá thất thoát vốn từ Nga là vấn đề mang tính cơ cấu do không tiến hành cải cách nền kinh tế quốc dân, thiếu viễn cảnh - ngoài xuất khẩu sản phẩm thiết yếu - và bầu không khí kinh doanh xua đuổi hơn là thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, sự thiếu lòng tin của các nhà đầu tư quốc tế và chảy máu vốn cũng không đủ để khuất phục Nga, ít nhất là vào lúc này.

Tại Crimea, Putin tiến rất nhanh và thực hiện chính sách “việc đã rồi”. Quả thực là tình trạng các nhà đầu tư thiếu lòng tin vào tương lai nền kinh tế Nga cũng như chảy máu vốn và sự quá phụ thuộc của nền kinh tế Nga vào dầu lửa, sẽ gây ra hậu quả, nhưng phải về lâu dài. Không loại trừ khả năng thời gian có thể được thúc đẩy nhanh hơn và hiện tượng đoạn tuyệt có thể xảy ra - vì cuối cùng ai cũng thấy cần thiết - song không phải tất cả đều có cùng quan niệm về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Lúc này, Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels không quyết định được các biện pháp trừng phạt về chính trị, nhưng tổ chức này dọa sẽ trừng phạt về kinh tế nếu tình hình xấu đi, chẳng hạn đóng băng tài sản của một số nhân vật của Nga.

Khi được hỏi kiểu trừng phạt đó có sức thuyết phục không, liệu có thêm các biện pháp trừng phạt nào khác không, chuyên gia Julien Vercueil, giảng dạy khoa học kinh tế tại Viện quốc gia ngôn ngữ và văn minh phương Đông (INALCO) của Pháp, nói rằng các nhà lãnh đạo châu Âu ở trong tình thế khó. Họ cần tính tới các lực lượng khác nhau trong nội bộ EU, cần trấn an Chính phủ Ukraine và những người không chấp nhận cuộc chính biến ở Crimea. Đồng thời, không nên đụng chạm đến tương lai và đẩy ra xa những người Ukraine thân Nga (vốn không phải là những người chống châu Âu), cũng không nên tiếp tục mối quan hệ hợp tác với Nga.

Trong bối cảnh đó, bản thân các biện pháp trừng phạt nhằm vào cá nhân không có sức răn đe, mà chỉ là phản ứng nhẹ nhất có thể được xem xét trong thời gian đầu. Cũng cần xác định danh tính các nhân vật này và minh chứng tại sao cần làm như vậy. Dù bản chất của các biện pháp trừng phạt khác có thể được thông qua là gì (hạn chế thương mại, hạn chế chuyển giao công nghệ hay gì khác), song cũng chỉ nên tính đến các biện pháp đó khi không còn giải pháp mang tính hợp tác nào khác.

Liên quan đến trừng phạt, theo ông Jean-Sylvestre Mongrenier, EU và các nước thành viên chọn cách "đáp trả từng bước". Do quyết tâm của Putin, các quyết định đã được thực hiện và tình hình trên thực địa, cách tiếp cận từng bước đó có thể không còn thích hợp, thậm chí không gắn với thực tế nữa.

Trên thực tế, các chính phủ phương Tây đã bắt đầu điều chỉnh quan niệm và lập trường của mình. Trong khuôn khổ EU cũng như trong khối NATO, các nước thành viên đã bước vào giai đoạn thương lượng giữa các chính phủ với nhau. Cần xem lại các con bài về tinh thần và muốn vậy, cần có thời gian, đặc biệt là để các nước có chủ quyền thống nhất được với nhau.

Phương Tây đang đứng trước một bước ngoặt, không thể làm như thể hòa bình ở châu Âu được bảo đảm từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Nghị sĩ và là chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Nga, Alexei Pouchkov, nhắc nhở rằng châu Âu sẽ bị “gậy ông đập lưng ông” khi, trong trường hợp trừng phạt kinh tế đối với lãnh thổ Nga, các "biện pháp đó sẽ tác động đến cả hai phía".

Phương Tây cho rằng nền kinh tế Nga rất yếu ớt và phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt

Trong điều kiện đó, liệu EU có thực sự được lợi khi tiến hành trừng phạt kinh tế không? Trả lời câu hỏi này, chuyên gia Julien Vercueil khẳng định trừng phạt kinh tế không có lợi cho bất kỳ bên nào và trong cuộc chơi này phía nào cũng bị thiệt hại. Chính vì vậy, trừng phạt kinh tế chỉ nên được thực hiện khi giải pháp thảo luận thất bại.

Nhưng các nền kinh tế yếu kém nhất, lạc hậu nhất và phụ thuộc nhiều nhất vào bên ngoài dễ bị đánh quỵ hơn các nền kinh tế khác. Nền kinh tế Nga lệ thuộc vào châu Âu nhiều hơn là châu Âu lệ thuộc vào Nga. Như vậy, rõ ràng có tình trạng phi đối xứng trong tác động có thể xảy ra từ trừng phạt kinh tế.

Theo info.net

 

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn