Ngày... tháng... năm
Trên đường đi giao ban bệnh viện, gặp anh bạn đồng nghiệp Khoa hậu môn trực tràng, anh không chào mình bằng câu chào thường ngày mà lại chào bằng một câu quái quỷ gì thế "chào Chimologist". Mình phì cười tưởng ông này bị làm sao mà lại như vậy, thấy mình ngẩn tò te, anh giải thích: "Cậu không hiểu từ này hả, chuyên ngành của cậu đấy, nó được kết hợp hai từ. Từ thứ nhất là từ "chim" nghĩa tiếng Việt là "cái ấy" của nam giới, còn từ thứ hai "- ologist" là từ tiếng Anh để chỉ những người làm nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề gì đấy. Ví dụ như biologist là nhà sinh học, urologist là nhà tiết niệu, của cậu là "chimologist" nghĩa là, nghĩa là...". Hai anh em chúng tôi cười phá lên như thể làm rung cả hội trường. Vừa cười ngặt nghẽo vừa vỗ vai ông bạn đồng nghiệp "cái ông này đểu... nghĩa là ông nói tôi là nhà "chim" học chứ gì".
Trong ngành y có một câu chuyện truyền miệng về "tục lệ truyền thống". Đó là ai làm trong chuyên ngành gì thì sau này khi chết các bậc hậu duệ sẽ đặt tấm ảnh thờ trang trọng trong một cái khung có hình dạng biểu tượng của chuyên ngành mình làm việc và nghiên cứu. Ví dụ, mấy bác làm tim mạch thì sẽ có cái khung ảnh hình trái tim đỏ máu, bác làm sọ não sẽ có cái khung hình bộ não, bác làm tiết niệu sẽ có khung ảnh hình quả thận. Còn tôi... ngậm ngùi chịu chung số phận với các bác làm sản khoa, nghĩa là chúng tôi sẽ có cái khung ảnh mang hình của hai "cái ấy".
Và cũng từ đấy, bạn bè thường gọi tôi bằng một cái tên trìu mến: nhà "chim học".
|
Ngày... tháng... năm
Chưa bao giờ mình có hứng thú làm việc và yêu nghề như lúc này. Những khuôn mặt tiều tụy vì mất tự tin của các đấng mày râu, những nụ cười hạnh phúc của các bà vợ khi thấy chồng mình trở lại như xưa, những tiếng cười muộn màng của con trẻ trong những gia đình hiếm con làm cho mình vô cùng hạnh phúc. Mình quyết định đầu tư tất cả sức lực và niềm đam mê cho nghề.
Dù đã quyết định đầu tư tất cả cho nam học nhưng hôm nay, khi phải gửi tiền để trả cho một khóa học tư vấn tâm lý online của một trường đại học bên Úc, mình thấy "hơi đau" một chút. Tiền mà, ai chẳng xót, như vậy là mất hơn 1/3 số tiền mà mình đã dành dụm được trong thời gian qua. Nhưng thôi, đầu tư cho tương lai.
Ngoài thời gian để khám bệnh, tư vấn qua mạng, tôi cũng dành một số thời gian khá lớn trong vốn thời gian ít ỏi của mình để hướng về cộng đồng. Trong các chiến dịch truyền thông lồng ghép chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân thành phố, hầu như tuần nào cũng vậy, cứ đến cuối tuần là tôi lại khoác chiếc laptop cũ kỹ trên vai, chiếc máy chiếu và tấm toan trắng để làm phông, đi hết phường nọ đến phường kia, hết quận nọ đến quận kia để giảng về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nam giới cùng với mấy chị em bên Ủy ban dân số gia đình và trẻ em thành phố Hà Nội.
Việc tư vấn tại phòng khám, một lúc người ta chỉ có thể tư vấn được cho một người, còn làm cộng đồng, một lúc người ta có thể tư vấn cho hàng vài trăm người. Với cách này, mấy chị em chúng tôi hy vọng sau vài năm nữa, nhận thức về giới tính và sức khỏe sinh sản của nam giới sẽ được nâng lên.
Đúng là có tham gia vào các hoạt động này tôi mới hiểu và thông cảm cho các anh các chị chuyên đi làm công tác ở cộng đồng. Công bằng mà nói, đó là một sự hi sinh rất lớn của những người làm công việc này. Công việc vất vả, tốn nhiều thời gian nhưng chẳng có tiền mà tôi thấy các anh các chị vẫn luôn luôn tươi cười. Nói như chị Hiền, Trưởng phòng dân số của Ủy ban dân số gia đình và trẻ em: "Đi làm cộng đồng thì không có tiền đâu, chỉ đủ tiền ăn bánh mì và uống nước trà đá thôi". Nhưng mà "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?". Đổi lại, các anh chị ấy luôn nhận được sự yêu thương, quý mến và bao bọc của cả cộng đồng, về đến địa phương nào cũng có người quen chào hỏi mình. Âu thế cũng là hạnh phúc.
BS. Nguyễn Vũ